Vụ chôn thuốc trừ sâu: Theo chân người dân đi “kiểm nghiệm độc lập”

Thứ tư, 18/09/2013, 07:41
Ngày 17/9, PV quay trở lại Cty Nicotex Thanh Thái đóng tại xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy - Thanh Hóa). Không khí ở đây vẫn đầy bức xúc, người dân vẫn đang phải ngày đêm canh gác hiện trường bất chấp thời tiết vùng núi rất khắc nghiệt. Chúng tôi gặp lại những gương mặt từng trực tiếp tham gia vào việc lấy 4 mẫu chất thải đang bị chôn vùi trong hàng chục phuy thuốc sâu dưới lòng đất…

Người dân đi lấy mẫu chất độc

Gặp anh Nguyễn Thành Trung - trú thôn An Cư, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy - chúng tôi lại nhớ tới việc anh suýt rơi xuống hố nước nằm ngay bên cạnh khối lượng lớn thuốc sâu được đựng trong các phuy chôn dưới lòng đất hôm 5/9.

Sáng đó, trời đổ mưa lớn, mấy chục người khắp các xã Yên Lâm, huyện Yên Định; xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) tập hợp nhau kéo về Cty Nicotex tự lấy mẫu để đi kiểm nghiệm độc lập.

Họ làm bài bản như những gì cơ quan chức năng thực hiện trước đó. Việc lấy mẫu, có sự chứng kiến của rất nhiều người, mẫu được lấy đúng ở 4 vị trí mà cơ quan chức năng và người dân múc lên hôm 4/9. Sau khi mẫu lấy xong, bà con cho vào túi, niêm phong cẩn thận rồi nhiều người ký vào đó trước khi đưa ra Hà Nội làm kiểm nghiệm.

Phóng viên chứng kiến, cảm nhận rõ ràng sự lo lắng của nhân dân đã lên tới đỉnh điểm, song họ không biết mức độ của các loại thuốc sâu do Nicotex Thanh Thái chôn xuống đất độc hại tới mức nào. Cực chẳng đã, bà con mới phải tự tay lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm nhằm đối chứng với kết quả của cơ quan chức năng đang làm. Bà con cho biết, nếu kết quả kiểm nghiệm của cơ quan điều tra không phản ánh đúng thực tế, họ sẽ khiếu kiện lên cấp cao hơn.

Lại nói về anh Nguyễn Thành Trung, anh thể hiện tính tự giác cao độ khi “xung phong” lao xuống hông khu vực chôn lấp hàng chục phuy thuốc sâu mà theo như lời ông Nguyễn Đức Việt - Giám đốc Nicotex Thanh Thái (1997-2005) - từng thừa nhận với cơ quan chức năng: “Địa điểm này chôn loại hóa chất cực độc, không được phép đào lên, nếu đào có thể dẫn tới chết người”.

Vị trí lấy mẫu thuộc hố chôn chất thải tại nhà thay quần áo ở tọa độ 20005.303 độ Bắc và 105031.316 độ Nam được ký hiệu (CT4). Anh Trung dùng dao múc đất có dính một loại chất bột màu trắng đục đang rò rỉ ra từ bên trong các phuy thuốc chôn ngầm dưới đất.

Lúc này chúng tôi đang chụp hình, qua ống kính, chúng tôi nhìn thấy việc anh Trung suýt nữa rơi xuống hố nước bên cạnh. Được mọi người hỗ trợ, anh Trung leo lên bờ trong tình trạng hoảng loạn tâm trí, sau đó anh nói: “Tôi cảm tưởng mình bị ngất ngay lúc mùi thuốc sâu xộc thẳng vào mũi”.

Tại điểm chứa chất thải lỏng chôn gần khu vực xử lý nước thải ở tọa độ 20057.487 độ Bắc và 106031.291 độ Nam, ký hiệu (CT2) có nhiều phuy thuốc sâu chôn ngầm xuống lòng đất, bà con dùng chai nhựa nối vào một thanh gỗ dài chọc thẳng xuống phuy múc chất thải lên đổ vào chai, niêm phong cẩn thận.

Anh Nguyễn Thiện Thế - trú thôn Hành Chính, xã Yên Lâm, huyện Yên Định - nói: “Tôi là một trong hai người được cử đại diện đưa mẫu ra Hà Nội xét nghiệm. Chúng tôi thật thà chỉ lấy khoảng 0,2 lít theo đúng lượng hóa chất lỏng cơ quan chức năng đã lấy mẫu đựng trong thùng phuy này ngày 4/9. Thế nhưng, khi đưa ra kiểm nghiệm, cán bộ chuyên môn họ nói phải lấy ít nhất 2 lít mới có thể xét nghiệm được.

Song, thực tế, cơ quan chức năng chỉ lấy 0,2 lít mang đi xét nghiệm thì làm sao đảm bảo phản ánh khách quan về mức độ nguy hại đối với cuộc sống của người dân! Cán bộ xét nghiệm yêu cầu chúng tôi phải quay về lấy đủ 2 lít mẫu chất lỏng mang ra phục vụ việc xét nghiệm”.

Sau khi hoàn thành lấy mẫu ở hai điểm nêu trên, người dân tiếp tục tới chỗ chôn vỏ bao bì, cắt tại khu vực xử lý nước thải ở tọa độ 20057.487 độ Bắc và 106031.291 độ Nam (ký hiệu CT1) và điểm chôn vỏ bao sau nhà xưởng phía Nam ở tọa độ 2005480 độ Bắc và 10503257 độ Nam. Việc lấy hai mẫu này hoàn thành cũng đã được người dân đóng gói niêm phong.

Cả 4 mẫu kiểm nghiệm đều rất độc hại

Sáng 17/9, đại diện người dân “vùng đất thuốc sâu” tại Thanh Hóa đã đến Viện Công nghệ môi trường Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN (Hà Nội) để nhận kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước, đất trong vùng bị chôn thuốc sâu. TS Nguyễn Thành Đồng - chuyên gia của viện này - đã trao cho người dân kết quả phân tích. Kết quả do TS Đồng cung cấp đã được ThS Lê Quốc Khanh - GĐ Cty máy và thiết bị công nghiệp hóa chất môi trường MECIE - phân tích.

thuoc tru sau

Lấy mẫu hoá chất lỏng do Nicotex Thanh Thái đựng trong các thùng phuy chôn dưới lòng đất.

Từ kết quả phân tích của ThS Lê Quốc Khanh, người dân sinh sống trong vùng phụ cận Nicotex Thanh Thái vô cùng âu lo, sợ hãi đó là “có loại chất độc tìm thấy trong một mẫu kiểm nghiệm vượt gần 15.000 lần tiêu chuẩn cho phép”.

Nhân dân mong chờ sự vào cuộc công minh của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa để xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm pháp luật của Nicotex Thanh Thái gây ra đối với sức khỏe, cuộc sống của hàng chục nghìn con người.

Anh Nguyễn Thiện Thế là một trong hai người đi lấy kết quả ngày 17/9, đã thông báo cho mọi người cùng biết: Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, các chất Fenobucarb, Iprobenfo Chlorpyrifos, Butachlor, Isoprothiolane và Cypermethrin tìm thấy trên các mẫu kiểm nghiệm đều là các hóa chất bảo vệ thực vật.

Fenobucarb được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu nông nghiệp trên lúa và bông, nó có thể được xem như là một chất độc cao hoặc độc hại vừa phải cho con người. Fenobucarb là chất độc cấp tính và bán cấp tính ảnh hưởng tới men cholinesterase ở não, rất độc hại cho con người.

Khi nhiễm độc với Fenobucarb, có thể nhận thấy một số dấu hiệu như mệt mỏi, yếu cơ, chóng mặt, đổ mồ hôi, đau đầu, chảy nước miếng, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, hệ thống thần kinh trung ương và phù phổi (trong liều ít); đối với liều cao, nó có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của con người.

Kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy Fenobucarb ở 4 mẫu phân tích có nồng độ khác nhau và dao động trong khoảng 0,014 - 742. Trong đó nồng độ Fenobucarb cao nhất ở mẫu CT2 (chất thải lỏng chôn gần khu vực xử lý nước thải ở vị trí 20057.487 độ Bắc và 106031.291 độ Nam), vượt tiêu chuẩn cho phép tới 14.837 lần.

Nồng độ Fenobucarb trong 2 mẫu CT1 (vỏ bao bì chôn, cắt tại khu vực xử lý nước thải ở vị trí 20057.487 độ Bắc và 106031.291 độ Nam) và mẫu CT4 (đất ở hố chôn chất thải tại nhà thay quần áo tại 20005.303 độ Bắc và 105031.316 độ Nam) vượt tiêu chuẩn cho phép là 35,7 và 85,4 lần.

Mẫu CT4 có nồng độ Iprobenfos là 1,04 mg/kg, Iprobenfos cũng được xem là có độc tính cao đối với các sinh vật và con người. Khi ngộ độc với Iprobenfos cũng có một số dấu hiệu như chảy nước miếng quá nhiều, đổ mồ hôi, chảy nước mũi và chảy nước mắt, suy hô hấp, tức ngực, thở khò khè, ho, nhức đầu, buồn nôn...

Nồng độ Chlorpyrifos trong 4 mẫu phân tích dao động trong khoảng 0,006 - 129 mg/kg. Trong đó nồng độ Chlorpyrifos trong mẫu mẫu CT2 là cao nhất. Chlorpyrifos là chất độc hại đối với con người. Da tiếp xúc với Chlorpyrifos có thể đổ mồ hôi cục bộ và các cơn co thắt cơ bắp không tự chủ. Khi mắt tiếp xúc với Chlorpyrifos có thể gây đau, chảy nước mắt và mờ mắt. Trường hợp nghiêm trọng có thể có những đại tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ, rối loạn tâm thần, nhịp tim đập bất thường, bất tỉnh, co giật và hôn mê.

Ngộ độc Chlorpyrifos sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi, co thắt cơ không tự chủ, co giật, và cuối cùng tê liệt tứ chi cơ thể và các cơ hô hấp. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể có những đại tiện không tự nguyện hoặc đi tiểu, rối loạn tâm thần, nhịp đập bất thường tim, bất tỉnh, co giật và hôn mê. Cái chết có thể là do suy hô hấp hoặc dừng của tim.

Nồng độ Isoprothiolane ở 2 mẫu CT1 và C4 vượt giới hạn cho phép lần lượt là 51,5 và 7,3 lần. Isoprothiolane là chất diệt nấm, có ảnh hưởng đến động vật có vú và côn trùng. Thuốc diệt nấm này có tác dụng phụ đối với con người dẫn đến kích ứng mắt, tổn thương mắt nặng và nhiễm độc cấp tính nghiêm trọng.

Cypermethrin có nồng độ trong 4 mẫu phân tích dao động từ 0,46 – 516 mg/kg và đều vượt giới hạn cho phép trong QCVN. Trong đó nồng độ Cypermethrin cao nhất là ở mẫu CT1 (vượt tiêu chuẩn cho phép  5.162 lần). Cypermethrin có thể gây kích ứng da và mắt nếu con người tiếp xúc với nó.

Bà con cần bình tĩnh

Có lẽ hiểu được kết quả kiểm nghiệm nói trên chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị pháp lý nên anh Nguyễn Thiện Thế - người được nhân dân giao nhiệm vụ đi lấy kết quả kiểm nghiệm từ Hà Nội trở về - nói: “Kết quả kiểm nghiệm chỉ được ký tên TS Nguyễn Thành Đồng, còn lãnh đạo Viện Công nghệ môi trường Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN tranh luận nhau mãi rồi cuối cùng cũng không chịu đóng dấu của viện.

thuoc tru sau

Mẫu được niêm phong để đưa đi làm kiểm nghiệm độc lập.

Người dân chúng tôi buồn lắm. Nếu chúng tôi là một khách hàng bình thường khác thì chắc mọi việc dễ dàng thôi. Qua câu chuyện ở viện, chúng tôi thấy những người ở viện đó sợ dân chúng tôi đem kết quả này để đối chứng với kết quả kiểm nghiệm nơi khác”.

Trở về từ Hà Nội, rất mệt mỏi và buồn bã, ông Cáp Long Quân nói: “Tôi nghĩ rõ ràng là đã có sự tác động nào đó nên mới xảy ra cơ sự không đóng dấu hôm nay. Hôm nọ chúng tôi mang mẫu ra thì được tiếp đón, cam kết sẽ giúp người dân rất nhiệt tình, niềm nở. Nhưng hôm ra lấy kết quả thì ngược lại hoàn toàn...”.

Ngay trong đêm 17/9, nhiều người dân đã mang kết quả kiểm nghiệm từ Hà Nội về đến gặp ông Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm Trương Ngọc Linh bày tỏ bức xúc, đòi hỏi lãnh đạo địa phương phải lên tiếng để bảo vệ sự sống cho người dân.

Ông Linh nói: “Bà con cần hết sức bình tĩnh. Chúng ta phải chờ đợi khi có kết quả của cơ quan điều tra, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã Yên Lâm xin hứa sẽ sát cánh cùng bà con, phối hợp cùng cơ quan chức năng làm rõ những sai phạm tại Nicotex Thanh Thái, kiến nghị cấp trên xử lý nghiêm minh, triệt để, mang lại niềm tin cho nhân dân”.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn