Thuốc điều trị bị ăn bớt trắng trợn
Theo đó, vào khoảng 18h ngày 14/8 tại Khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da liễu Hà Đông (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Người phát hiện sự việc một điều dưỡng viên, khi chị này đang đi kiểm tra việc uống thuốc của các bệnh nhân bị bệnh phong đang điều trị nội trú.
Ngay sau đó, điều dưỡng viên này đã điện thoại trực tiếp cho ông Vũ Văn Trình, PGĐ Trung tâm Da liễu Hà Đông để báo cáo sự việc. Ông Trình đã ngay lập tức chỉ đạo các điều dưỡng viên lập biên bản thuốc đã phát thực tế trong vòng 3 ngày (13,14 và 15/8) với các thành phần liên quan.
Biên bản kiểm tra thuốc được lập vào ngày 14/8.
Theo nhà chức trách, qua kiểm tra thực tế 5 bệnh nhân phong đang được điều trị, sự thật đau xót sau đó được phơi bày khi cả 5 người này đều không nhận được đủ số lượng thuốc ghi trong bệnh án cũng như số lượng thuốc trong kho đã xuất ra. Cụ thể, mỗi bệnh nhân đều thiếu ít nhất từ 2 đến 3 loại thuốc trong tổng số thuốc được phát ra. Mỗi loại thuốc cũng thiếu từ 12-24 viên.
Đáng lo ngại là việc phát thiếu thuốc này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị của bệnh nhân hoặc thậm chí sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cũng như di chứng sau này.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc làm rõ hành vi phát thiếu thuốc trên nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trước đó, được biết, cũng chính tại Khoa điều trị nội trú này đã xảy ra trường hợp ăn bớt thuốc của bệnh nhân để trục lợi bất chính khiến bệnh nhân cũng như các cán bộ, công nhân viên đang công tác tại đây bức xúc và phẫn nộ. Sau đó, những người liên quan cũng đã bị kỷ luật.
Chồng chất
Chỉ riêng tại Trung tâm Da liễu Hà Đông từ vài năm trở lại đây liên tiếp để xảy ra những sự kiện đau lòng đáng lưu ý.
Trước đó, tại thông báo của Công an quận Hà Đông (Hà Nội) gửi Sở Y tế Hà Nội: “Thực hiện việc giao chỉ tiêu, kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Da liễu Hà Đông đã tiến hành mua thuốc để cấp miễn phí cho bệnh nhân đến khám bệnh nhưng thực tế không dùng để cấp cho bệnh nhân mà dùng một phần để chuyển xuống quầy bán thuốc dịch vụ của trung tâm bán cho bệnh nhân đến khám.
Quá trình điều tra làm rõ số thuốc thất thoát tương ứng với 6 phiếu xuất kho trị giá 181.111.350 đồng. Số lượng thuốc còn lại khoảng 66.160 viên thuốc Lanseva do không sử dụng nên Trung tâm Da liễu Hà Đông đã chuyển cho các đơn vị khác để phục vụ việc khám bệnh”.
“Một số cán bộ, nhân viên trung tâm còn có hành vi lập khống hồ sơ, chứng từ để hợp thức hóa việc cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân như sổ khám, đơn thuốc, phiếu cấp thuốc miễn phí. Xét thấy sự việc xảy ra phức tạp, nghiêm trọng gây mất đoàn kết trong nội bộ, tuy nhiên thời gian xảy ra đã lâu, một số giấy tờ sổ sách quan trọng đã thất lạc.
Các đối tượng do việc vi phạm đều chỉ đạo bằng miệng, không có giấy tờ chứng minh, khai báo quanh co, không thành khẩn nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn, chưa đủ căn cứ để xử lý đối tượng”, cảnh sát quận Hà Đông nêu rõ.
Những bệnh nhân như thế này đã từng bị ép ăn thịt sống, giờ lại bị ăn bớt thuốc điều trị.
Thời điểm tháng 5/2012, dư luận không thể quên vụ việc chấn động tại cơ sở này khi các hộ lý ở Khoa điều trị nôi trú đã bỏ đói và “ép” hơn 20 bệnh nhân phong phải ăn thịt sống. Sự việc trên được phát hiện khi một y tá đi thăm các bệnh nhân phong bị bệnh nặng này và phát hiện ra các bệnh nhân ở đây đang kêu khóc vì không có cơm ăn.
Sau khi tìm hiểu, y tá này được biết trước đó vào sáng 4/5/2012, các hộ lý của khoa điều trị nội trú này đã phát cho mỗi người một suất gạo đủ dùng trong hai bữa trưa vào tối, vài miếng thịt và một ít rau sống để họ tự xoay sở rồi bỏ đi.
Khoa nội trú của Trung tâm Da liễu Hà Đông.
Điều đáng nói là các bệnh nhân phong này đều là những người đã bị tàn phế sau di chứng của bệnh phong nên không thể tự nấu ăn được và được chăm sóc một cách toàn diện. Sau khi y tá này phát hiện ra sự việc đã báo cáo cấp trên, tuy nhiên một số người có trách nhiệm liên quan đều tỏ thái độ vô trách nhiệm
Sau khi báo chí nêu sự việc, giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, xác minh và kết luận sự việc trên là có thật đồng thời kỷ luật những người liên quan. Tuy nhiên, khi đó Sở Y tế định kỷ luật cả những người phát hiện sự việc đã dũng cảm đứng lên tổ cáo những sai phạm, tiêu cực tại trung tâm này đến các cơ quan chức năng và báo chí.
Trước sực ép của dư luận, giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo đã không kỷ luật những cán bộ công nhân viên dũng cảm đứng lên đấu tranh với tiêu cực để những người mắc phải căn bệnh quái ác này được sống và chăm sóc một cách tốt nhất.
Nghi ngờ về năng lực của Sở Y tế Hà Nội Trong thời gian qua, ngành y tế Hà Nội dưới sự điều hành ông giám đốc Nguyễn Khắc Hiền đã liên tiếp để xảy ra quá nhiều bê bối: Vụ bắt bệnh nhân ăn thịt sống ở Trung tâm da liễu Hà Đông; vụ “nhân bản” xét nghiệm máu tại bệnh viện Hoài Đức; vụ chết người tại phòng khám Maria; vụ bác sĩ thiếu trách nhiệm làm bệnh nhân tử vong tại bệnh viện đa khoa Hà Đông; vụ bao che cho những sai phạm tại chợ thuốc tân dược Giảng Võ; vụ ăn bớt văcxin ở Trung tâm Y tế dự phòng; vụ điều dưỡng viên đánh rơi năm bé sơ sinh… Đáng chú ý, hầu hết các vụ việc trên đều do chính những nhân viên từ bên trong nội bộ cơ quan “tố” ra ngoài nên sự việc mới được đưa ra ánh sáng. Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi rằng, trên thực tế còn bao nhiêu cơ sở y tế ẩn chứa đầy tiêu cực bên trong nhưng chưa bị phanh phui? Qua đó, họ cũng có quyền tự hỏi về trách nhiệm quản lý và điều hành của giám đốc Nguyễn Khắc Hiền khi chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội như vậy xảy ra? Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND thành phố Hà Nội cần đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc, không để sự quản lý yếu kém này tiếp tục diễn ra. |
Theo Tienphong