Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình được đưa ra thảo luận trong phần cuối phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Nhiều vấn đề lớn, quan trọng lần lượt được đề cập như việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; vấn đề giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng trong chế độ tài sản theo luật định; vấn đề xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài…
Bộ trưởng - Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử “can gián” quy định công nhận việc mang thai hộ, chấp nhận hôn nhân đồng giới. Theo ông Phử, những vấn đề này chưa phù hợp với truyền thống, thói quen suy nghĩ của người Việt Nam.
“Có thừa nhận hôn nhân đồng giới thì trong thâm tâm cũng vẫn thấy “gờn gợn”. Tuy nhiên, bộ phận người đồng tính cũng là những công dân trong xã hội, đảm bảo quyền lợi cho họ cũng là vấn đề cần xem xét” – ông Phử diễn giải.
Ngược lại quan điểm này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại cho rằng nên ủng hộ quy định cho phép mang thai hộ bởi thực tế có những cặp vợ chồng rất muốn có con. Đó là mong muốn chính đáng của mỗi người, mỗi gia đình nhưng vì người vợ không thể mang thai được, cuộc sống gia đình cũng thiếu hạnh phúc, nhiều nguy cơ mâu thuẫn.
Bà Tiến phân tích thêm, thực tế, không cho phép thì vẫn có những cách thức làm chui, bất hợp pháp để nhờ mang thai hộ. Nữ Bộ trưởng dẫn chứng, nhiều người nổi tiếng, giàu có ở Việt Nam cũng đã chọn cách ra nước ngoài để “làm dịch vụ”, chủ yếu sang Thái Lan.
Nhấn mạnh ý nghĩa đây là một quy định mang tính nhân văn, Bộ trưởng Y tế khẳng định hoàn toàn ủng hộ vấn đề này.
Tuy nhiên, bà Tiến lại nêu nhiều băn khoăn đối với quy định về ly thân được bổ sung thêm trong dự thảo luật.
Bộ trưởng Y tế đặt câu hỏi, nhiều gia đình, cả 2 vợ chồng vẫn sống cùng một nhà, cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính, chăm sóc, nuôi dạy con cái nhưng tư tưởng, tình cảm thì mỗi người có thế giới riêng, có phòng riêng. Nêu giả thiết “đăng ký” sống ly thân, bà Tiến nghi ngại ít người muốn “khai báo” thật về đời sống riêng, về tình trạng hôn nhân, gia đình, đời sống của vợ chồng mình.
“Đưa chế định này ra có làm vấn đề thêm phức tạp? Có quy định này, người sống ly thân thật mà không khai báo thì có phạm luật, có chế tài xử lý?” - nữ Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường “trấn an”, chế định ly thân trong dự thảo luật được quy định rất chặt chẽ. Ông Cường giải thích thêm “ban soạn thảo day dứt, nghĩ nhiều về việc này cũng vì mục đích bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em”. Bộ trưởng đề xuất giữ nội dung này để trình Quốc hội cho ý kiến thêm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc, mục đích là bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong gia đình nhưng cần xem xét những điều kiện chặt chẽ như vợ chồng phải cùng khai báo, cam kết về việc thiết lập trạng thái ly thân với cơ quan chức năng.
Lưu ý thêm về quan điểm cho phép mang thai hộ, không cấm hôn nhân đồng tính, Thủ tướng cho rằng, thực tế xã hội đòi hỏi, yêu cầu thì cần nêu các ý kiến khác nhau ra để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ vì đây không còn là “chuyện của Việt Nam nữa” mà đều là những vấn đề của toàn cầu.
Cũng trong ngày 13/8, Chính phủ thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Dự án luật được bổ sung những quy định mới và sửa đổi những quy định không phù hợp, không khả thi của Luật hiện hành nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường; đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và bổ sung một số nội dung mới liên quan đến tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường; coi trọng công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường;... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ban soạn thảo cần làm rõ các quy định về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về môi trường trong Luật, tránh sự chồng chéo và nhầm lẫn giữa các khái niệm. Thủ tướng cho rằng không đưa vấn đề tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh vào Luật, tuy nhiên cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm xử phạt những vi phạm liên quan đến môi trường lưu vực sông. |
Theo Dantri