Có lộ trình cho hôn nhân đồng giới?

Thứ sáu, 16/08/2013, 21:54
Công nhận hay không hôn nhân cùng giới - vấn đề này lại đang "nóng" trên bàn nghị sự Chính phủ trong phiên họp ngày 13/8. Đây là một trong những nội dung đang còn được tranh cãi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân.

Dù cho cánh cửa pháp luật còn chưa mở rộng đối với hôn nhân cùng giới, nhưng trên thực tế cuộc sống, hạnh phúc của nhiều cặp uyên ương cùng giới là có thật.

Gia đình cầu vồng

Yến (31 tuổi) và Hương (30 tuổi), là một cặp đôi đồng tính nữ, đang sống và làm việc tại TP.HCM. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc, yêu thương nhau và đang cùng nuôi một con gái. Họ là một trong số rất ít các cặp đồng tính dám lên tiếng ở nhiều diễn đàn khác nhau để ủng hộ cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới).

dong tinh

Hàng chục cặp đôi "không phân biệt giới tính" đã "nhập vai" vào những cô dâu, chú rể trong ngày hội "yêu là cưới" hôm 17.5 ủng hộ cộng đồng không phân biệt giới tính (LGBT).

Yến và Hương đã tham gia “Ngày hội gia đình cầu vồng” lần đầu tiên trên cả nước, tổ chức cuối tháng 6 vừa qua tại TP.HCM, mà ở đó, nhân vật chính là những cặp đôi LGBT. Hơn 30 cặp đã chân thành chia sẻ với nhau những đau đáu rất đời thường, làm thế nào để xin con nuôi, nuôi dạy con cái, khi con bị hàng xóm trêu chọc vì bố mẹ đều là đàn ông hoặc đều là đàn bà, kinh nghiệm đối mặt với dư luận khi dị nghị về cuộc sống “đặc biệt” của họ.

Có cặp đôi nữ đã sống với nhau 50 năm mà vẫn hạnh phúc. Cuộc sống của 2 người phụ nữ có những cử chỉ âu yếm nhau như tình nhân ở xóm nghèo lao động ban đầu không ít dậy sóng. Nhưng rồi sự thân thiện và lương thiện của họ khiến người xung quanh dần thay đổi cách nhìn nhận. Họ xin nuôi một cô con gái năm nay đã lớn, cô gái cũng chưa một lần cảm thấy phải xấu hổ vì có 2 người mẹ trong  gia đình.

Bạn Hoàng Ngân - một người đồng tính nữ 28 tuổi sống và làm việc tại Hà Nội - kể câu chuyện của mình: “Có một thời gian tôi từng nghĩ đến việc lấy chồng cho bố mẹ vui lòng. Nhưng như vậy là  không sống thật với gia đình, và là bất công cho người chồng tương lai ấy.  Hiện tại, tôi khá công khai về xu hướng tính dục của mình với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, và may mắn được thông cảm, chia sẻ.

Tôi nghĩ việc hôn nhân đồng giới được các cơ quan nhà nước đưa ra thảo luận là một bước tiến đáng mừng, cho thấy xã hội đã nhìn nhận cộng đồng LGBT, gần đây các vấn đề về cộng đồng được đưa ra thảo luận cũng tạo điều kiện để kiến thức đúng đắn đến với các ban ngành xã hội cũng như người dân Việt Nam”.

Không thể né tránh

Ước tính cộng đồng LGBT tại Việt Nam hiện nay chiếm 3% dân số, tương đương 2,5 triệu người, và ngày càng có nhiều trường hợp người đồng tính chung sống với nhau thành một gia đình.

dong tinh

Hàng chục cặp đôi “không phân biệt giới tính hay xu hướng tính dục” đã “nhập vai” vào những cô dâu, chú rể trong ngày hội “Yêu là cưới” hôm 17/5/2013 ủng hộ cộng đồng LGBT.

Anh Huỳnh Minh Thảo - một người đồng tính nam, Giám đốc truyền thông và dịch vụ của ICS - một tổ chức về quyền của LGBT tại VN - đặt câu hỏi:

"Nếu không cho người đồng tính lấy nhau, họ sẽ lấy ai? Thử tưởng tượng một xã hội mà người đồng tính bị  kỳ thị. Với những vụ tự tử, những đời sống gượng ép, những gia đình tan nát khi nhận ra chồng hoặc vợ không hề yêu mình. Những đứa con bị  bố mẹ từ mặt hay những người suốt  đời phải chật vật đi tìm kiếm câu trả lời cho bản thân.

Hẳn đó chẳng thể nào là viễn cảnh mong đợi của bất cứ ai trong chúng ta. Giá trị gia đình truyền thống của chúng ta là yêu thương và chia sẻ. Hãy nhớ, ở đâu có yêu thương, ở đó là gia đình".

Anh Thảo cho biết, vì chưa có luật bảo trợ hay thừa nhận, nên dù là sống chung với nhau thì những người đồng tính vẫn không được xem là “thân nhân”. Nếu một  trong hai người có vấn đề về sức khoẻ, thậm chí liên quan đến tính mạng, thì người còn lại dù có yêu thương ra sao cũng đành ngồi đó nhìn. Không xác nhận phẫu thuật được, không bảo lãnh hay đứng ra với bất kỳ tư cách pháp nhân nào được, và vô số các bất cập khác...

Anh Thảo cho rằng, “cùng với xu hướng chung của cả thế giới, vấn đề hôn nhân cùng giới, bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT thật sự đã trở thành  chủ đề không thể né tránh của chính phủ”.

Cách đây chưa lâu, nhân Ngày quốc tế phòng, chống kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới 17.5, rất nhiều hoạt động của cộng đồng LGBT đã diễn ra như sự kiện “Yêu là cưới” tại Hà Nội, hàng chục bạn trẻ với trang phục cưới chỉnh tề lên “xe hoa” được trang hoàng với dòng chữ “Yêu là cưới - Chúng tôi ủng hộ hôn nhân đồng giới” diễu hành qua các trung tâm thương mại, phố đi bộ, quán ăn, công viên...

Tháng 8 được chọn là thời điểm bùng nổ các hoạt động ủng hộ cho cộng đồng LGBT. Những đoàn diễu hành xe đạp mang tên “Tự hào Việt Nam” (VietPride) ở Hà Nội đã có hàng trăm người tham gia. Những hoạt động tương tự đã và sẽ diễn ra trong tháng 8 tại 11 tỉnh, thành như:

TP.HCM, Tiền Giang, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang... Tôn vinh sự đa dạng, giống logo của cộng đồng LGBT, “mỗi người là một màu sắc cầu vồng”,  có người là đồng tính nam, có bạn là đồng tính nữ, có bạn là song tính, chuyển giới, và không thể thiếu những gương mặt Ally  - người bình thường ủng hộ LGBT.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nên có cơ chế pháp lý bảo vệ... người đồng giới có quan hệ chung sống

Hiện nay có 2 luồng ý kiến: Thứ nhất là sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính, tuy nhiên theo một lộ trình. Thứ hai là không đồng ý việc thừa nhận hôn nhân đồng tính.

Cá nhân tôi cho rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật...

Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì theo tôi, cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau.

Theo Laodong

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn