Con tàu cổ bị đắm nằm cách bờ khoảng 50m, ở độ sâu 2m, cách vị trí con tàu cổ có niên đại 700 năm đã được khai quật trước đó chừng 200m.
Từ đêm qua đến sáng nay (16/8), khu vực xung quanh con tàu bị đắm như một đại công trường. Hàng chục tàu cá của ngư dân trong vùng tụ tập, bao vây khu vực phát hiện tàu cổ, dùng máy hút nước, phun cát và lặn xuống để tìm cổ vật.
Do khai thác không đúng cách, mạnh ai nấy giành giật nên phần lớn các cổ vật được vớt lên không còn nguyên vẹn. Mặc dù có mặt tại hiện trường từ tối qua, nhưng do lực lượng mỏng nên cơ quan chức năng không thể phong tỏa được khu vực được xác định có tàu cổ bị chìm.
Khu vực phát hiện tàu cổ bị đắm. |
Đến 8h sáng nay, sau khi lực lượng công an, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương được tăng cường thì “sức nóng” từ con tàu đắm mới tạm lắng xuống. Tuy nhiên, do các phương tiện vào khai thác trái phép khá đông nên sau gần 1 giờ đồng hồ tuyên truyền, kết hợp với biện pháp ngăn chặn thì hiện trường khu vực tàu cổ đắm mới được lập lại.
Hiện nay, vẫn còn nhiều chủ tàu cố ý neo đậu sát khu vực tàu cổ bị chìm để chờ thời cơ khai thác trái phép. Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho con tàu cổ mới được phát hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi và chính quyền xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân và triển khai lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: "Trước mắt, chúng tôi sẽ tuyên truyền cho dân biết đây là di sản văn hóa dưới nước, là tài sản quốc gia nên không ai được khai thác, trục vớt trái phép nữa.
Nếu nhân dân địa phương có ý thức bảo vệ, gìn giữ và ai khai báo với cơ quan chức năng sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu tổ chức, cá nhân nào khai thác, trục vớt trái phép con tàu cổ này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng bảo vệ con tàu đắm".
Như vậy, kể từ năm 1998 đến nay, đây là con tàu cổ thứ ba được tìm thấy tại vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Laodong