TP.HCM sẽ có 4 thành phố vệ tinh

Thứ năm, 15/08/2013, 12:09
Khi thực hiện chính quyền đô thị, TP.HCM chỉ còn chính quyền cấp TP trực thuộc Trung ương và 42 chính quyền cấp cơ sở (gồm 4 thành phố vệ tinh, 3 thị trấn và 35 xã), mỗi cấp chính quyền đều là 1 pháp nhân công quyền.

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ về đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM đang được TP.HCM lấy ý kiến, chính quyền đô thị được tổ chức dựa trên nguyên tắc chủ yếu là chính quyền địa phương có 2 cấp; gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố (hoặc thị xã). Mỗi cấp chính quyền là 1 pháp nhân công quyền, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

thanh pho ve tinh

Theo UBND TP, TP.HCM cần 1 mô hình quản lý phù hợp với đặc thù của TP

Theo UBND TP.HCM, thành phố có quy mô 8 triệu dân, nếu tính cả người vãng lai hiện gần 10 triệu người, là 1 trong 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Mang danh là thành phố nhưng TP.HCM có hơn 70% diện tích là nông thôn, còn vùng đô thị cũ đã đô thị hóa triệt để.

Do đó, chính quyền TP.HCM hiện nay thực chất đang thực hiện chức năng vừa quản lý trực tiếp đô thị đã hình thành, vừa quản lý 1 vùng nông thôn rộng lớn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Trong đề án thí điểm chính quyền đô thị, TP.HCM sẽ tổ chức lại thành 1 đô thị trung tâm gồm 13 quận nội thành cũ; 4 thành phố cấp cơ sở (là các đô thị vệ tinh xung quanh đô thị trung tâm) được xây dựng trên cơ sở 6 quận mới đô thị hóa, huyện Hóc Môn và một số xã đã đô thị hóa ở huyện Bình Chánh; diện tích vùng nông thôn còn lại sau khi thành lập 4 đô thị vệ tinh là chính quyền 3 thị trấn và 35 xã. Cơ cấu chính quyền ở mỗi cấp gồm HĐND và UBND.

Tại đô thị trung tâm chỉ tổ chức 1 cấp chính quyền, chính quyền cấp thành phố trực thuộc Trung ương sẽ trực tiếp quản lý toàn bộ đô thị trung tâm. Tại các quận, phường sẽ tổ chức các cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức Ủy ban hành chính, như “cánh tay nối dài” của chính quyền cấp thành phố chứ không phải là 1 cấp chính quyền.

4 thành phố cấp cơ sở bao gồm Đông, Tây, Nam, Bắc. Cụ thể, thành phố Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức; Thành phố Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần phường 7 của quận 8, xã Bình Hưng và Phong Phú của huyện Bình Chánh; Thành phố Tây gồm quận Bình Tân, một phần phường 7 và phường 16 của quận 8, 4 xã của huyện Bình Chánh; Thành phố Bắc gồm quận 12 và huyện Hóc Môn.

Chính quyền các thành phố vệ tinh cũng chỉ có 1 cấp. Do địa bàn rộng nên các thành phố vệ tinh này cũng được phân chia thành nhiều phường, tại các phường cũng có các cơ quan đại diện hành chính (không phải cấp chính quyền).

3 thị trấn và 35 xã cũng là cấp chính quyền cơ sở như 4 thành phố vệ tinh, có HĐND và UBND với cơ chế tự chủ cao do chính quyền cấp thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý. Do địa bàn rộng, để quản lý hành chính tại 3 thị trấn và 35 xã này, thành phố cũng thiết lập 3 cơ quan đại diện hành chính ở 3 huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ) nhưng không phải là cấp chính quyền.

UBND TP đánh giá mô hình tổ chức 3 cấp chính quyền hiện hành kém hiệu quả do cồng kềnh, trùng lặp chức năng, dựa dẫm vào nhau, trách nhiệm không rõ ràng, nhiều hoạt động không thực quyền mà mang tính hình thức, không có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp…

Với mô hình chính quyền đô thị 2 cấp, mỗi cấp chính quyền đều là 1 pháp nhân công quyền, đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền theo nội dung được phân cấp. Nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền đều được phân định rõ, tránh tình trạng chồng chéo khi thực thi, trốn tránh trách nhiệm…

Theo UBND TP, TP.HCM là 1 đô thị đặc biệt, có những tính chất đặc thù so với nhiều địa phương khác nên cần nghiên cứu một mô hình tổ chức và một cơ chế quản lý thích hợp.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn