Thông tin cho biết, hàng trăm người đã tử vong khi các cuộc đụng độ nổ ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Theo các nhà phân tích, tình trạng máu đổ đã đánh dấu một khởi đầu mới đầy bạo lực ở Ai Cập tiếp sau 6 tuần bế tắc chính trị và có nguy cơ ảnh hưởng rộng khắp trong khu vực.
Trong một thông báo đọc trên truyền hình, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã yêu cầu quân đội ủng hộ Bộ Nội vụ trong việc áp đặt các biện pháp mới.
Mohamed ElBaradei, Phó Tổng thống lâm thời, từ chức hôm 14/8 sau khi chiến dịch trấn áp diễn ra. Trong thư từ chức gửi lên ông Mansour, ông ElBaradei nhấn mạnh rằng "có nhiều cách thức hòa bình để chấm dứt cuộc đụng độ này trong xã hội".
Trước đó trong ngày, lực lượng an ninh Ai Cập đã tiến vào hai trại biểu tình ở Cairo mà những người ủng hộ Morsi đã tập trung suốt 6 tuần qua. Trại nhỏ hơn gần Đại học Cairo được dọn xong ngay trong buổi sáng.
Có nhiều thông tin khác nhau về số người tử vong. Bộ Y tế Ai Cập cho biết, 149 người chết ở Cairo và trên toàn quốc cùng 1.400 người bị thương. Trong khi đó, con số mà Tổ chức Anh em Hồi giáo đưa ra là 2.200 người tử vong và hơn 10.000 người bị thương.
Tướng Abdel Fattah Othman, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ, thông báo trên một đài truyền hình địa phương rằng họ đã bắt giữ một số lãnh đạo của Tổ chức Anh em Hồi giáo.
"Đó không phải là hồi kết mà là khởi đầu của những đối đầu bạo lực ở Ai Cập", Li Guofu - Giám đốc Trung tâm Các Nghiên cứu Trung Đông ở Viện Các nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nhận xét.
Phía Tổ chức anh em Hồi giáo tiếp tục kêu gọi người Ai Cập đổ ra đường để tố cáo cuộc "thảm sát".
Nhà Trắng đã lên án chiến dịch trấn áp ở Ai Cập và phản đối tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Ai Cập. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng chỉ trích mạnh mẽ những hành động bạo lực mà lực lượng an ninh Ai Cập thực hiện trong khi người phụ trách chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton bày tỏ sự xót xa trước tình trạng giết chóc.
Morsi là Tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập. Việc ông bị quân đội phế truất ngày 3/7 được coi như một lời nhắc nhở về sự non nớt của quá trình chuyển giao dân chủ ở nước này. Các chuyên gia cũng cho rằng bạo lực ở Ai Cập chứa đựng những bài học quý giá cho nhiều nước khác.
Hình ảnh cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình ở Ai Cập làm hàng trăm người thiệt mạng:
Theo VNN