Đầu năm học mới, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD&ĐT về đào tạo nhân lực ngành y. Thứ trưởng Lê Quang Cường nêu ra một số vấn đề còn tồn tại trong đó có việc quá nhiều cơ sở đào tạo cả trong và ngoài công lập, thậm chí trường đào tạo đa ngành cũng tham gia đào tạo nhân lực y tế.
Thông tư của Bộ Giáo dục lại quy định việc thẩm định mở ngành đào tạo thuộc các Sở Giáo dục, do đó, không có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế. Điều này khó đảm bảo chất lượng.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục cho khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với trình độ trung cấp dược, điều dưỡng, y sĩ. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Thực tế, qua khảo sát, có nhiều đơn vị không đảm bảo được năng lực chuyên môn, dẫn đến không đảm bảo được chất lượng đào tạo, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế và cần có sự thẩm định về chuyên môn của Bộ và các chuyên gia y tế.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở ngoài công lập cần căn cứ vào cả tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Điều này sẽ giúp đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế.
Theo báo cáo của Sở Y tế địa phương, qua các kỳ tuyển dụng, nhân lực y tế trình độ trung cấp ra trường khá nhiều (gồm dược, điều dưỡng, y sĩ) trong khi khả năng tuyển dụng của các cơ sở y tế có hạn. Nguyên nhân là có quá nhiều cơ sở đào tạo tham gia đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp, kể cả các trường đại học, cao đẳng.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục cho khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành nói trên để thí sinh có định hướng khi chọn ngành học và có giải pháp hạn chế tuyển sinh đối với những ngành này.
"Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Bộ Y tế đề xuất phải xây dựng Thông tư liên tịch và các văn bản hướng dẫn quy định riêng về đào tạo nhân lực y tế là các hoạt động đào tạo đặc thù nhưng vẫn bảo đảm thực hiện luật Giáo dục", công văn nêu rõ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để có cơ sở đánh giá và tìm giải pháp cho những bất cập trong công tác đào tạo nhân lực y tế, ở giai đoạn trước mắt, Bộ Giáo dục cần thành lập đoàn giám sát, kiểm tra liên Bộ để kiểm tra các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt với các trường ngoài công lập.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bùi Văn Ga cho biết, từ tháng 7, Bộ đã mời lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sang họp bàn về vấn đề hợp tác đào tạo giữa hai bên. Các kiến nghị mà Bộ Y tế nêu ra đều đã được Bộ Giáo dục chấp thuận. Hai bên thống nhất trong việc mở ngành sẽ mời cán bộ của Sở y tế tham gia.
Còn đánh giá chuyên môn vẫn giao cho các trường bởi chức năng của Bộ Giáo dục chỉ quản lý về mặt nhà nước. Tuy nhiên, sau khi ngành được mở, hai Bộ sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát.
Về việc các trường ngoài công lập và đa ngành cũng đào tạo Y, Dược, Thứ trưởng Ga cho hay, khối ngoài công lập chỉ có ĐH Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang) được phép đào tạo ngành Y dược. Còn các trường đa ngành chỉ có hai đại học quốc gia, ĐH Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng. Điểm tuyển sinh khoa Y dược của những trường này cũng không phải thấp.
"Rất nhiều trường đại học đề nghị được mở ngành Y dược vì những ngành này thu hút học sinh nhưng Bộ không đồng ý. Bộ thẩm định rất kỹ hồ sơ, xem xét trường đó có đủ năng lực không, khu vực đó có cần thiết không", Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Đối với các ngành đào tạo Y dược, Bộ Giáo dục cũng yêu cầu khi đăng ký chỉ tiêu phải thông qua Bộ Y tế chứ không được gửi thẳng lên Bộ Giáo dục nữa.
Trước đó, trong buổi tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận, các địa phương có ý chê trách bộ GD&ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y.
Họ cho biết, việc này tưởng như rất bài bản, đúng quy trình nhưng trên thực tế có chuyện các cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thiết bị thực hành đã thuê của các đơn vị phân phối. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, họ đem đi trả. Chất lượng đào tạo của những trường này cũng rất kém.
"Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ thẩm định việc này và đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh", Bộ trưởng Luận nói.
Ông Luận cũng cho rằng, cả hai Bộ cần phối hợp chặt chẽ để có một quy trình thẩm định nghiêm túc, thực chất. Nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng đối với ngành Y vì đây là ngành đào tạo đặc biệt.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy nghề.
Theo VNE