Hơn 20.000 nhà dân bị ngập. Tài sản của 100.000 dân như lúa, rau, hươu, trang trại gà, đầm tôm... trôi hết. Chưa thể thống kê hết những hộ gia đình bị thiệt hại tiền tỉ, riêng những hộ bị mất trên 100 triệu đồng nhiều vô kể.
Người biết, người không
Trận lũ theo ông Tuy nói chính là “trận xả lũ” từ hồ Vực Mấu có trữ lượng 75 triệu khối nước thuộc địa bàn xã Quỳnh Trang, phía Tây thị xã Hoàng Mai. Khi tâm bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình thì ở thị xã Hoàng Mai chỉ ảnh hưởng trong tầm gió cấp 7, cấp 8.
Tuy nhiên, nước từ lưu vực của hồ Vực Mấu (rộng 230km2, bao gồm một số huyện của Thanh Hóa) dâng lên mức 21,69m (mức cho phép là dưới 21m).
Vì thế, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Nghệ An và Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu là hai đơn vị trực tiếp quản lý hồ Vực Mấu đã cho phép xả lũ từ 19g30 ngày 30-9.
Lực lượng cứu hộ đưa một người phụ nữ ra khỏi vùng ngập lũ ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An - Ảnh: Vũ Toàn |
Do nước tiếp tục dâng trên mức cho phép nên từ 0g-4g30 ngày 1-10, hồ Vực Mấu lần lượt mở bốn cửa còn lại. Lúc 23g cùng ngày khi mực nước chỉ còn 20,88m thì đóng cửa trở lại. Ông Trần Văn Lập, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết trong thời gian trên hồ Vực Mấu đã xả 100 triệu khối nước.
Ngày 2-10, trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng khẳng định: “Việc xả lũ ở hồ Vực Mấu là đúng quy trình. Vấn đề là trước khi xả lũ có thông báo cho cư dân vùng hạ lưu hay không. Đó mới là vấn đề cần phải truy xét, làm rõ bởi nếu người dân hạ lưu được thông báo trước việc xả lũ với khối lượng 100 triệu khối nước thì họ có cách ứng phó, không đến nỗi để thiệt hại hơn 800 tỉ đồng”.
Ngày 1-10, khi có mặt tại xã Quỳnh Trang, chúng tôi hỏi ông Nguyễn Văn Tiến - chủ trang trại 400 con gà đẻ, 3.000 quả trứng ấp, bốn con hươu - có được thông báo việc hồ Vực Mấu xả lũ hay không, ông Tiến giơ hai bàn tay lên nói: “Nếu được thông báo thì giờ không đến nỗi trắng tay như thế này. Lúc 2g ngày 1-10 thấy nước ngập đến giường tôi mới biết. Một lúc sau thấy nước cứ dâng lên nên chúng tôi lo cứu người, không thiết nghĩ đến hươu nai gì nữa”.
Nghe chuyện, ông Lập nói: “Đoàn công tác chúng tôi vào một số trọng điểm lũ hỏi chuyện này thì người nói có nghe thông báo, người nói không. Theo báo cáo của công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Nghệ An thì 7g ngày 30-9 công ty thông báo bằng điện thoại cho chủ tịch các phường, xã, 8g có thông báo bằng văn bản về việc xả lũ. Vì thế, trong cuộc họp ngày 2-10, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng giao thị xã Hoàng Mai nghiêm túc kiểm tra các phường, xã có nhận được thông báo của công ty không. Nếu nhận được thì trách nhiệm thông báo với người dân vùng hạ lưu như thế nào. Sau đó mới làm rõ trách nhiệm”.
Quảng Nam: thủy điện xả lũ nhiều hơn thông báo ban đầu
Ngày 3-10, ông Phan Đức Tính, phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam), cho biết do các thủy điện đã ngừng hoặc xả với lưu lượng giảm nhiều nên lũ bắt đầu xuống. Tuy nhiên, hiện tại nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã vẫn còn bị chia cắt. Đến chiều 3-10, nhiều tuyến đường tại Hội An vẫn ngập sâu trong nước từ 0,5-1m. Trong đó, tuyến đường Bạch Đằng (ven sông Hoài) bị tê liệt hoàn toàn. Các tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Tiểu La... cũng bị ngập cục bộ. Người dân phải dùng thuyền đi lại trong lũ.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Đại Lộc, nguyên nhân khiến mực nước lũ tăng nhanh trong chiều 2-10 là do các hồ thủy điện xả lũ, trong đó chủ yếu là thủy điện Đăk Mi 4 với lưu lượng 1.800m3/giây. Sáng 2-10, Ban quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4 thông báo “sẽ mở cửa van của đập tràn kể từ lúc 9g sáng 2-10 để điều tiết nước từ hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng từ 1.000-1.800m3/giây và sẽ điều chỉnh lưu lượng xả lũ theo diễn biến của lũ nhằm duy trì mực nước hồ chứa ở mực nước bình thường”.
Nhưng đến 12g, thủy điện Đăk Mi 4 đã xả lũ về hạ du với lưu lượng 2.744m3/giây làm cho mực nước các sông vùng hạ du lên nhanh bất thường khiến người dân lo lắng.
“Do nước về quá nhanh, cộng với tin đồn vỡ đập gây hoang mang trong nhân dân, có nơi người dân tự sơ tán, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của dân” - ông Phan Đức Tính nói.
Gia Lai: ngập nặng do xả lũ Ban phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Gia Lai cho biết do mưa to kéo dài nên trong hai ngày qua mực nước thượng nguồn sông Ba liên tục đổ về khiến các huyện vùng hạ lưu như Ia Pa, Kon Chro, thị xã Ayun Pa, Krông Pa ngập lụt nặng. Ông Hồ Văn Diện - phó chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa - cho biết đã cử lực lượng ứng cứu khẩn cấp di dời hơn 20 hộ dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Ông Diện cũng nói mực nước sông Ba dâng cao bất ngờ gây ngập lụt là một phần do thủy điện An Khê - Kanak phía thượng nguồn xả lũ nhưng không thông báo trước. Tương tự, ông Đinh Xuân Duyên - trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kon Chro - cho rằng huyện hoàn toàn bất ngờ vì nước sông Ba đổ về nhanh, thủy điện An Khê - Kanak lại xả lũ nhưng người dân ở Krông Pa cũng không được biết. |
Theo Tuổi Trẻ