Theo các đại biểu Quốc hội, cần làm rõ cái sai, cái đúng của cả hai bên, bệnh viện và người đi khiếu kiện trong vụ đánh tráo thủy tinh thể ở BV Mắt Hà Nội.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá.
Có ý kiến cho rằng những giải thích về nội dung khiếu kiện trong vụ đánh tráo thuỷ tinh thể còn chưa thuyết phục, có ý bao che. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
- Tính mạng và sức khoẻ của người dân là vô cùng quan trọng, cho nên quy trình điều trị cho người dân phải hết sức nghiêm ngặt. Không thể giải thích những việc làm đang bị nghi ngờ có sai trái theo kiểu mập mờ được.
Ông Lê Văn Cuông.
Tôi thấy, cách giải thích đó dường như còn mang tính bao che cho sự việc, nó khiến người trong cuộc cảm thấy không thuyết phục. Nguy hiểm hơn, với lý lẽ ấy, người dân sẽ cảm thấy hoang mang, không yên tâm với phác đồ điều trị của bệnh viện đó. Trong nhiều vụ việc sai trái của ngành y, tôi thấy còn hay có thái độ bao che để làm nhẹ trách nhiệm đi. Đây là yếu điểm cần xem xét lại.
Lâu nay dư luận cũng rất bức xúc với những vụ việc tai tiếng của ngành y nói chung và của một số bệnh viện nói riêng. Đây là hệ quả của sự xuống cấp về y đức. Tại diễn đàn Quốc hội cũng như hội đồng nhân dân các cấp, cử tri cũng đã nhiều lần lên tiếng bức xúc về vấn đề này.
Bác Hồ đã dạy “lương y như từ mẫu”. Nhưng hiện nay, vì đồng tiền, vì lợi ích kinh tế, nhiều y bác sĩ đã quên đi sứ mệnh cao cả của mình. Người dân ngày càng băn khoăn và lo lắng về những thầy thuốc hiện nay.
Có không ít vụ việc đã bị phanh phui và bị công luận phản ứng như vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Hoài Đức, vụ ba trẻ em bị tử vong sau tiêm vaccine, vụ thai phụ tử vong…. Nhưng tôi nghĩ, những tảng băng chìm trong ngành này vẫn còn lớn lắm.
Có nhiều ý kiến cho rằng hiện có tới 70% thầy thuốc hướng về phía lợi ích chỉ còn lại số ít những người tận tâm tận lực phục vụ người bệnh một cách vô tư, khách quan, đúng với y đức trong ngành y.
Sự phát hiện ngày càng nhiều các vụ việc sai trái cũng là điều tất yếu. Nó thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý cũng như sự xuống cấp trong đạo đức của ngành y.
Trong thời gian vừa qua, ngành y xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc, dư luận luôn trông chờ vào những chỉ đạo trực tiếp, đanh thép để làm sáng tỏ vụ việc và xử lý người sai phạm? Ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu ngành này?
- Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng chỉ cần ban hành các văn bản, quy định, quản lý ở tầng vĩ mô là đã làm tròn trách nhiệm, còn các nhiệm vụ cụ thể đã phân cấp cho các địa phương quản lý, sai ở cấp nào, cấp đó xử lý. Tuy nhiên theo tôi, vấn đề đó chưa thật đúng.
Mọi vi phạm dù là ở cơ sở, hay địa phương thì đều có liên đới đến Bộ Y tế nói chung và bộ trưởng nói riêng. Bộ cần đôn đốc thanh tra, kiểm tra xem các cấp đã thực hiện đúng chỉ đạo của mình chưa, để từ đó có những chấn chỉnh, hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện vấn đề kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và có giải pháp kịp thời với những vụ việc nóng của Bộ chưa kịp thời và chưa chặt chẽ. Dù là ở cấp nào thì cũng là trách nhiệm của Bộ. Người nào trực tiếp gây lên thì cũng phải chịu trách nhiệm. Nhưng người quản lý cũng cần xem xét lại trách nhiệm của mình trong lĩnh vực đó.
Bà Bùi Thị An, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội
Là một người theo dõi vụ việc, bà đánh giá thế nào về thái độ không đồng tình của bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thuỷ khi tiếp nhận kết luận vụ việc từ Sở Y tế Hà Nội?
- Hôm 1/10, tôi có nghe thông báo của đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nói rằng trong đơn tố cáo của bác sĩ Thu Thuỷ là có đúng có sai. Vậy theo tôi, trước hết phải làm rõ hai bên (bệnh viện và người tố cáo) đúng ở chỗ nào và sai thì sai đến đâu. Cái đúng của chị Thuỷ thì khuyến khích, cái chưa đúng thì ta giải thích để người tố cáo, bệnh viện và người dân đạt đến sự đồng thuận.
Bà Bùi Thị An.
Sự việc đã xảy ra hơn hai năm nhưng những giải thích của Sở Y tế Hà Nội vẫn chưa làm thoả mãn người khiếu kiện. Dư luận cũng hoang mang trước những thông tin trên. Theo bà nên xử lý theo cách nào để sự việc được sáng tỏ?
- Hôm tiếp xúc cử tri, đồng chí Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng nói sẽ cho thanh tra chéo để kết quả thanh tra được chuẩn xác. Nếu như vậy thì phải có những cấp cao hơn can thiệp.
Tôi nghĩ, bây giờ chỉ có hội đồng y khoa của Bộ Y tế mới có thể đánh giá được việc thay thuỷ tinh thể hay dùng chung chất nhầy có ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh hay không. Hội đồng này phải làm việc thật khách quan, khoa học thì mới có kết luận thuyết phục được. Ngoài ra, theo tôi, cũng nên tổ chức một cuộc đối thoại ở cấp cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cao nhất liên quan đến chuyện này.
Trong vụ việc này, người đứng đầu Bệnh viện Mắt Hà Nội phải có trách nhiệm như thế nào thưa bà?
- Tôi kêu gọi sự hợp tác từ hai bên. Đối với giám đốc bệnh viện cần xem xét lại cả một quá trình hoạt động của những người liên quan. Trong công tác sẽ có đúng, có sai, sai thì mình sửa, đúng thì phát huy.
Giám đốc bệnh viện vừa là người trong ngành, vừa nhận trách nhiệm điều hành, lãnh đạo cơ quan nên sẽ là người biết rõ nhất. Tôi nghĩ với lương tâm của người thầy thuốc, chắc chắn lãnh đạo bệnh viện sẽ sẵn sàng hợp tác để làm rõ chuyện này.
Theo TTVN