Bài 1: Gặp vận hạn thì treo chó đuổi tà
Đang phóng xe vi vu trên con đường đèo dốc uốn lượn, ngắm cảnh núi đá nhấp nhô, đẹp như cổ tích, qua bản Chi Lầu Dung (Tát Ngà, Mèo Vạc, Hà Giang), chúng tôi bỗng khựng lại bởi một cảnh tượng kỳ lạ: Trước ngôi nhà gỗ thấp lè lè, ẩn sau ruộng ngô xanh mướt, ngay cạnh đường, có một con vật đen thui, lông dài phủ mặt, treo lủng lẳng.
Thấy sự lạ, chúng tôi dừng xe, mỗi người phán một kiểu, người bảo chồn, người bảo cáo, người bảo chó rừng, chó sói… Rốt cục, chưa rõ con gì. Nhưng cái cách treo con vật lủng liểng trên cổng nhà, với cái mùi thối nồng nặc tỏa ra, thì quả thực kinh hãi.
Chui qua cái cổng dựng tạm bằng mấy cành cây, treo con chó đen thui, theo lối nhỏ, chúng tôi tìm vào ngôi nhà thấp lè tè bên vệ đường.
Nhà không có cánh cửa, nhưng chẳng có ai. Đồng bào Mông thường lên nương cày cuốc, hoặc vào rừng kiếm củi, đặt bẫy từ sáng sớm, đến chiều tối mới về.
Hình ảnh một chú chó chết treo trước cổng, ngay bên đường |
Mặt trời ngấp nghé bên kia dãy núi, bóng tối bủa vây thung lũng, thì thấy một người phụ nữ đeo bó cỏ sau lưng về nhà.
Chúng tôi gọi bà hỏi chuyện, nhưng bà chỉ cười bẽn lẽn, không bắt lời, cứ cắm cúi đi, tỏ vẻ xấu hổ. Bà chui tọt vào trong nhà, ngồi lỳ bên bếp lửa.
Thất vọng quay ra, thì lại gặp một thanh niên lững thững đi về, lưng đeo dao phát. Nhưng hỏi gì, anh cũng chỉ “chư pâu” (không biết).
Xã Tát Ngà núi đá lởm chởm, đá đen xám ngắt, nhìn đâu cũng chỉ thấy đá. Đá dềnh lên trong những ánh mắt u buồn. Đồng bào ngày đêm cày cuốc, trần lưng trên núi đá mà vẫn đói ăn.
Điện vẫn chưa có, cuộc sống tối tăm, hủ tục từ ngàn năm nay dường như vẫn nguyên vẹn ở vùng núi đá này. Tìm được người nói tiếng phổ thông ở đây quả là khó.
Mãi sau, thấy ánh đèn xe máy lấp loáng từ chân dốc lên, tôi ra đường vẫy, “bắt cóc” được một thanh niên đi từ trong xã Nậm Ban ra thị trấn Mèo Vạc.
Anh thanh niên người Giáy giới thiệu tên là Lý A Sung, nhà ở xã Nậm Ban, chuyên nghề “quặng tặc” bán sang Trung Quốc. Giao du, va chạm nhiều, nên Sung biết nhiều… “ngoại ngữ”. Lý A Sung biết 3 thứ tiếng, gồm tiếng Giáy, Mông, và tiếng phổ thông.
Vàng A Lếnh |
Qua phiên dịch của Sung, chúng tôi mới biết sơ qua hành động treo chó chết lủng lẳng trước nhà của đồng bào Mông nơi đây.
Sung vào trao đổi với anh chàng chủ nhà nhỏ thó, rồi phiên dịch lại cho tôi. Chủ ngôi nhà này là Vàng A Lếnh, năm nay 18 tuổi.
Lếnh bảo, nhà neo đơn, lại nghèo nhất bản Chi Lầu Dung. Bố mẹ sinh 5 lần, nhưng chỉ nuôi lớn được Lếnh và người chị gái.
Chị gái đã lấy chồng, sinh con, nhưng vợ chồng con cái sống tít trên núi đá tai mèo, quanh năm quần quật với núi đá nương ngô, đến mèn mén cũng chẳng có đủ để ăn.
Xưa kia, nhà Lếnh ở sâu trong núi, nhưng được sự động viên của chính quyền, bố mẹ Lếnh đã xuống núi, dựng ngôi nhà ở gần đường, những mong cuộc sống đổi thay.
Tuy nhiên, từ ngày xuống núi, tai họa liên tiếp ập xuống gia đình Lếnh. Dựng nhà xong, bố Lếnh thường xuyên ốm đau, quặt quẹo, chẳng còn sức lực lao động nữa.
Đồng bào Mông nơi đây ốm đau không đi bệnh viện, mà mời thầy cúng bắt ma. Thầy cúng, thầy mo khắp nơi được mời đến, cúng bái tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, nhưng ông vẫn không qua khỏi.
Bố Lếnh đã về với đá từ 3 năm trước, để lại hai mẹ con Lếnh trong ngôi nhà hoang tàn giữa núi đá mênh mông.
Trò chơi chặt mía ăn tiền ở địa đầu Hà Giang |
Đầu năm nay, theo đám bạn đi chợ phiên Mèo Vạc, Lếnh đã gặp một cô gái, hơn Lếnh 3 tuổi. Hai người trò chuyện, rồi tâm đầu ý hợp. Nàng say tiếng kèn môi và men tình của Lếnh. Lếnh kéo nàng về làm vợ.
Nhà cả hai cùng nghèo, thông cảm với hoàn cảnh của nhau, nên lễ cưới cũng đơn giản với con lợn, mấy con gà, vài hũ rượu và thủ tục cúng bái của thầy mo.
Nhắc đến người vợ, Lếnh kéo vạt áo nhàu nhĩ màu đất lau nước mắt. Về ở với nhau, miếng ăn chẳng có, thấy tương lai mịt mù, tăm tối, nên vợ Lếnh đã đổi lòng. Nàng nói thẳng với Lếnh rằng, không muốn ở với nhau nữa, muốn đi lấy chồng khác.
Và con chim đã nhẫn tâm bỏ tổ. Vợ Lếnh theo một cô bạn trong bản bỏ đi mất. Nàng còn nhắn nhủ lại qua một người trong bản rằng, nàng đã sang Trung Quốc tìm chồng, không bao giờ về nữa. Nàng xin lỗi Lếnh và mong Lếnh tìm thấy người phụ nữ khác.
Lấy vợ chưa được tuần trăng, đã lại mất vợ, Lếnh chỉ biết ôm mặt khóc, tủi cho phận mình.
Mẹ Lếnh, người đàn bà lam lũ đã phải chịu quá nhiều khổ đau. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, thì nỗi đau mất con dâu, chứng kiến cảnh con trai đau khổ vật vã, khiến bà đổ quỵ.
Bà không thiết ăn, không thiết làm gì nữa. Bà nằm bẹp trên giường, miệng rên rỉ ngày đêm không ngớt.
Treo chó để... đuổi ma! |
Không biết bấu víu vào đâu, Lếnh hoang mang tột độ. Các bác, các chú đã đến nhà, họp bàn, và quyết định mời thầy cúng đến đuổi tà.
Thầy cúng được rước đến nhà Lếnh. Thầy cúng phán: “Trong nhà có nhiều ma quá. Bọn ma nó tìm cách làm hại gia đình, khiến gia đình ly tán, tan nát. Chỉ còn cách đuổi bọn ma đi, thì mới hết bệnh, hết vận rủi”.
Đồng bào Mông ở vùng đất địa đầu Hà Giang đều rất sợ ma. Họ nhìn đâu cũng ra ma. Nào ma gà, ma xó, ma suối, ma cây, ma góc bếp, đặc biệt là con ma ngũ hải chuyên hại người.
Vậy nên, trong gia đình, dòng họ, bản làng có gì bất thường, họ đổ riệt cho những con ma hành. Con người ốm đau, bệnh tật, buồn phiền... cũng đều do con ma cả. Con ma là thứ ám ảnh vô hình vây quanh cuộc sống của họ.
Có vô số sách trừ ma, đuổi tà, nhưng cái cách trừ tà của đồng bào Mông ở vùng đất xa tít xa tắp, tận cùng của địa đầu Tổ quốc này, thì quả thực quá kỳ lạ. Họ giết chó, rồi treo xác chó trước cổng nhà.
Còn tiếp...
Theo VTCNews