Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là ai?

Thứ sáu, 25/10/2013, 10:18
Phan Thị Bích Hằng, quê ở Yên Khánh, Ninh Bình, hiện đang sinh sống ở Hà Nội, là nhà ngoại cảm nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Xung quanh nhà ngoại cảm này hiện đang có nhiều thông tin trái chiều nhau.

Phan Thị Bích Hằng sinh ngày 15/2/1972, ở Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình. Bích Hằng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Từ năm 1999 đến nay Bích Hằng công tác tại Trường ĐH Quản trị Kinh doanh Hà Nội.

Phan Thị Bích Hằng cũng là một trong những cán bộ của bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Có nền tảng là một gia đình gia giáo, cuộc đời của cô thiếu nữ Phan Thị Bích Hằng sẽ êm ả trôi đi nếu như không có một biến cố lớn khiến người phụ nữ này đã trở nên nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.
Hầu hết các nhà ngoại cảm đều nói rằng họ phát hiện khả năng của mình sau một biến cố rất lớn nào đó trong cuộc đời. Có người bị ốm gần chết, có người bị tai nạn suýt chết, thậm chí đã bị “chết lâm sàng” và riêng Bích Hằng thì bị chó dại cắn và rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”.
Theo báo Công an nhân dân, vào mùa hè năm 1990, Bích Hằng và một người bạn cùng bị một con chó dại cắn, bạn gái của cô sau đó đã chết. Hằng được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, song tất cả đều bất lực. Một thầy lang đã chữa cho cô bằng bài thuốc của ông, sau một đợt lên cơn dại Hằng tỉnh lại và khỏi bệnh.
Sau đó, khi đã khỏe mạnh hẳn, Phan Thị Bích Hằng đã dần dần phát hiện năng lực được cho là kỳ lạ của mình.
Một trong những trường hợp được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất là việc Bích Hằng đã tìm mộ cô em gái của giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Loạt bài dài kỳ này được giới thiệu trên báo Công an nhân dân vào năm 2007.
Em gái của giáo sư Phương tên là Vũ Thị Kính (SN 1929), chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng một thời. Tháng 6/1950, trong trận càn quét, địch đã bắt được bà. Sau khi tra tấn dã man, chúng đã ra tay giết hại nữ du kích quả cảm này.
Nhờ năng lực ngoại cảm của mình, Phan Thị Bích Hằng đã thông qua một tấm ảnh của bà Kính để “trò chuyện” từ đó hỏi thông tin về phần mộ của bà. Phan Thị Bích Hằng đã giúp gia đình giáo sư Phương tìm lại phần mộ của cô em gái sau hàng chục năm trời gia đình đi tìm mà không có kết quả.
Ngoài ra, Phan Thị Bích Hằng cũng được biết đến qua việc tìm mộ Tướng công Hoàng Công Chất. Tháng 3/2007, trên tờ An ninh thế giới đăng bài “Tìm những linh hồn ở K’Nác” nhắc đến thành công của Bích Hằng trong việc dùng khả năng ngoại cảm tìm thấy 400 thi thể liệt sĩ ở cánh rừng K"Nác, huyện K"Bang, tỉnh Gia Lai.
Đã có một thời gian, tên tuổi của người phụ nữ đặc biệt này liên quan đến hàng loạt tin đồn về “số phận” của cầu Bãi Cháy, cầu Thăng Long rồi Long Biên... Tin đồn còn khẳng định Phan Thị Bích Hằng đã bị bắt giữ ngay sau khi có những phát ngôn gây sốc.
Câu chuyện này càng khiến dư luận tò mò khi cho rằng, chính nhà ngoại cảm Bích Hằng tuyên bố sẽ chịu ngồi tù đến hết đời nếu chị dự báo sai. Những tin đồn lan truyền với tốc độ chóng mặt, qua mỗi làng quê câu chuyện càng được thêu dệt, trở nên ly kỳ hơn.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã không giấu nổi bức xúc với những tin đồn trên. Chị khẳng định chưa bao giờ đưa ra phán đoán nào như thế và cho biết từ trước đến nay, chị chỉ có một công việc duy nhất là đi tìm mộ.
Sau tin đồn về số phận những cây cầu, Bích Hằng lại dính vào một vụ lùm xùm khác là dự đoán sai vị trí của chiếc xe khách bị cuốn trôi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh trong đợt lũ lụt lịch sử năm ngoái. Trước đó, để hỗ trợ thêm cho công cuộc tìm kiếm, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã liên lạc nhờ sự giúp đỡ của hai nhà ngoại cảm là Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Liên.

Trên tờ Tiền phong ngày 20/10/2010 có trích dẫn lời ông Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh rằng, các nhà ngoại cảm (Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Liên) cho biết: Vị trí xe bị nạn cách cầu Bến Thuỷ trong vòng bán kính 1,2 km về phía hạ lưu (thuộc vị trí xã Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Tuy nhiên, vị trí chiếc xe khi được vớt lên hoàn toàn khác, cách cầu Bến Thủy khoảng 3km chứ không phải 1,2km về phía hạ lưu cầu Bến Thủy như các nhà ngoại cảm đoán.
Từ vụ việc này, dư luận lại dấy lên nghi ngờ: Phải chăng Phan Thị Bích Hằng đã mất khả năng? Thậm chí trên nhiều diễn đàn mạng còn cho rằng, Bích Hằng đã mất khả năng từ khi sinh con thứ hai!
Gần đây nhất trên tờ Pháp luật Việt Nam cũng đăng tải những ý kiến nghi ngờ năng lực của một số nhà ngoại cảm nổi tiếng. Tháng 10 năm 2013, trong một chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Đài Truyền hình Việt Nam, có phóng sự nói rằng tất cả các mẫu vật được Viện Pháp y Quân đội giám định lấy từ một số hài cốt mà Bích Hằng tìm được đều là giả mạo hoàn toàn.
Qua đó, VTV khẳng định nhà ngoại cảm Bích Hằng đã "gian trá" và "thất đức". Bà Ngô Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sĩ và người có công đã dẫn chứng về trường hợp liệt sĩ Lê Tiến Hệ, gia đình sinh sống tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Gia đình liệt sĩ Hệ đã cậy nhờ nhà ngoại cảm Bích Hằng tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm. Qua áp vong, nhà ngoại cảm Bích Hằng cho gia đình biết mộ liệt sĩ Hệ đang ở Kon Tum.
Tuy nhiên, giấy báo tử của liệt sĩ này lại cho biết anh không hy sinh ở Kon Tum! Sau đó, gia đình liệt sĩ Hệ đã đưa mẫu hài cốt thu được ở Kon Tum tìm thấy bằng phương pháp ngoại cảm đi xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy nhà ngoại cảm đã đoán sai.
Giữa lúc những lời thị phi về khả năng tìm mộ của chị lên cao và hồ sơ nhờ tìm mộ còn xếp đầy ở nhà, Phan Thị Bích Hằng lại đột ngột tuyên bố giải nghệ và chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn khác là kinh doanh bất động sản. Trên VTC News, Phan Thị Bích Hằng đưa ra rất nhiều lý do cho việc giải nghệ này như: sức khỏe không đảm bảo, muốn dành thời gian cho việc học hành và gia đình… tuy nhiên, độc giả thì không thể không đặt dấu hỏi.
Báo Lao động online ngày 30/10/2010 dẫn ý kiến của bạn đọc Trần Hoàng Châu Phố (TP.HCM) cho rằng: “Đây là việc riêng của cá nhân nhà ngoại cảm. Báo chí đăng thông tin này sẽ “vô tình” tạo tâm lý đối với những người có nhu cầu tìm mộ và tìm đến nhà ngoại cảm ngày một đông hơn. Đại loại lời tuyên bố “tạm ngừng” này cũng giống như một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay có những lời “tuyên bố” gây sốc trong dư luận hoặc tạo những scandal để đánh bóng tên tuổi của mình”.
Tuyên bố giải nghệ của Phan Thị Bích Hằng còn khiến dư luận “đoán già đoán non” liệu có phải Bích Hằng đã thực sự bị mất năng lực nên mới tuyên bố giải nghệ? Thực hư của tin đồn này khó ai có thể kiểm chứng nhưng điều chắc chắn rằng, sau những sự cố trên, niềm tin của dư luận đối với nhà ngoại cảm đã có phần bị lung lay.
Bởi vậy, thiết nghĩ, thân nhân liệt sĩ cũng cần lưu ý lời khuyến cáo của bà Ngô Thị Thúy Hằng: “Không nên bỏ qua khâu giám định ADN đối với hài cốt liệt sĩ tìm thấy theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm".
Theo Infonet

Các tin cũ hơn