|
Quy hoạch xây dựng còn manh mún
"Tôi chỉ mong muốn Quốc hội xem xét quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, cần phải phù hợp với thời hạn giao đất, cho thuê đất ít nhất từ 50 - 70 năm, tầm nhìn hàng trăm năm". ĐBTrầnThịQuốcKhánh(Hà Nội) |
Liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng, theo các đại biểu (ĐB) đây là khâu quan trọng của hoạt động xây dựng, nên dự thảo luật cần phải quy định chặt chẽ đầy đủ từ yêu cầu, nguyên tắc lập, trình tự lập thẩm định việc lấy ý kiến cho đến phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng một số điều, khoản về quy hoạch chưa khắc phục được những tồn tại về tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn hạn chế manh mún khi quy định thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung, xây dựng phân khu chức năng đặc thù từ 20-25 năm; quy hoạch chung cấp xã từ 10-15 năm.
“Nếu chỉ hạn chế trong 5, 10, 20 năm thì sẽ rất lãng phí. Sẽ làm cho khắp nơi trên đất nước ta như những công trình xây dựng luôn phải đập đi xây lại rồi lại phải đập đi xây lại, chưa kể việc sử dụng ngân sách trong tầm nhìn ngắn hạn sẽ dẫn đến chất lượng công trình không bền vững, không tạo được cho nhà nước và nhân dân có thời hạn ổn định để tích lũy phát triển”, ĐB Khánh lo ngại.
ĐB đề xuất: “Nói điều này tôi chỉ mong muốn QH xem xét quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, cần phải phù hợp với thời hạn giao đất, cho thuê đất ít nhất từ 50 - 70 năm, tầm nhìn hàng trăm năm”.
Không cho Bộ làm chủ đầu tư dự án
Bên cạnh vấn đề quy hoạch, các ĐB đề nghị làm rõ quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư của Ban quản lý dự án, của nhà thầu, tư vấn, người quyết định đầu tư.
ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng, luật Xây dựng 2003 không quy định cụ thể tình hình, hình thức và tổ chức quản lý dự án áp dụng theo từng giai đoạn nguồn vốn, thực tế đa số các chủ đầu tư sử dụng vốn nhà nước chọn hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án để lập ra Ban quản lý dự án trực thuộc. Việc áp dụng hình thức này đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, số lượng các ban quản lý dự án quá nhiều, năng lực quá kém và kinh nghiệm rất hạn chế và có việc phân ra giữa chủ đầu tư và đơn vị sử dụng là một vấn đề rất khó.
“Tôi đề nghị Bộ quản lý ngành của nhà nước thì không nên làm chủ đầu tư xây dựng mà giao cho các đơn vị sự nghiệp hoặc các doanh nghiệp làm chủ đầu tư”, ĐB Thạch nói.
Cần đánh giá tác động môi trường của mỗi dự án Thảo luận tại hội trường ngày 25/11 về dự thảo luật Bảo vệ môi trường, nhiều ĐB cho rằng, dự luật còn nhiều bất cập, chưa đánh giá tác động môi trường sơ bộ của các dự án sẽ được triển khai tại vùng đó. Đây chính là nguyên nhân tại sao có hàng trăm dự án thủy điện bị loại bỏ vì chưa được đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng quanh đó. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị, cần quy định nhất quán về người đứng đầu (từ trung ương đến các cấp), không được nửa vời từ khâu làm quy hoạch, quản lý theo quy hoạch đến đánh giá tác động lên môi trường. Dự án cần thể hiện rõ quy hoạch môi trường với quy hoạch kinh tế khác. "Hậu quả khôn lường do sử dụng đất rừng không rõ ràng như hiện nay là bài học cụ thể", ĐB Vở nói. ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, tình trạng thải chất thải ra ngoài môi trường, nhiều dự án ở lưu vực sông chưa đảm bảo môi trường... Vì vậy, ban hành luật này cần quy định rõ trách nhiệm quản lý chất thải nguy hại, do Bộ Xây dựng chủ trì. UBND cấp xã quản lý chất thải nguy hại từ hoạt động kinh doanh. |
Ban nội chính sẽ tiếp công dân thường xuyên Chiều qua 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Tiếp công dân với 9 chương và 36 điều, trong đó bổ sung Ban Nội chính vào thành phần các cơ quan tiếp dân thường xuyên. Luật cũng quy định Ban tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở. Luật Tiếp công dân cũng không bắt buộc người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải xuất trình giấy tờ tùy thân như dự thảo trước đó. Thay vào đó, quy định: khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có nghĩa vụ: nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có). Luật Tiếp công dân vừa được thông qua cũng không cấm việc ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi tiếp công dân, như một số ý kiến đề nghị trước, UBTV QH cho rằng: đây là quyền của công dân và những hành động trên cũng không bị cấm ở các luật Khiếu nại, Tố cáo. |
Theo Thanhnien