Ông Lê Trí Tập (trái) Ông Văn Phú Chính - Ảnh: Đ.Nam |
Và dù là vùng đất thường xuyên bão lụt, nhưng xem ra mức độ tàn phá của thiên tai và cả “nhân tai” ở miền Trung ngày một khốc liệt, dữ dội hơn. Giải pháp nào để dân có thể sống chung với bão lũ? Tuổi Trẻ trao đổi với ông Lê Trí Tập - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - và ông Văn Phú Chính - phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão kiêm giám đốc Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung.
* Ông Lê Trí Tập:
Vướng nhóm lợi ích
"Nói lũ lụt vừa qua gây thiệt hại cho dân mà đổ hết nguyên nhân do “ông trời” là nhìn nhận chưa thấu đáo, vô trách nhiệm" Ông Lê Trí Tập |
- Việc xây dựng thủy điện rồi xả lũ làm thay đổi môi trường ở cả vùng thượng nguồn đến hạ du. Bây giờ khắc phục thế nào vẫn là câu hỏi lớn. Người dân ở hạ du năm nào cũng hứng chịu lũ, nhưng tốc độ truyền lũ trước đây chậm chứ không như bây giờ. Ngày trước chưa có thủy điện, lũ chậm người ta có khoảng thời gian dọn dẹp, di chuyển người, vật nuôi, tài sản. Còn bây giờ lúc nước ở hạ du đã báo động 2 mà thủy điện lại đổ thêm thì người dân không trở tay kịp.
Phải nói rằng thiệt hại của người dân trong những đợt lũ vừa qua ở các tỉnh miền Trung có sự “góp sức” của việc thủy điện xả lũ, chứ không thể đổ hết “lũ lụt là do ông trời”. Nói lũ lụt vừa qua gây thiệt hại cho dân mà đổ hết nguyên nhân do “ông trời” là nhìn nhận chưa thấu đáo, vô trách nhiệm.
* Theo ông, có thể bắt các chủ đầu tư thủy điện đền bù hay hỗ trợ cho người dân được không?
- Theo tôi, về nguyên tắc khi anh (thủy điện) xâm phạm đến lợi ích của người khác thì anh phải đền bù chứ không thể nói là hỗ trợ được. Vấn đề là bây giờ có một cơ quan nhà nước ở địa phương cùng với công trình thủy điện đó đánh giá những thiệt hại của dân như thế nào. Phải tách bạch được cái nào thiệt hại do thủy điện gây ra, cái nào do tự nhiên chứ không thể đổ hết cho trời, cho biến đổi khí hậu. Tôi nhìn thấy câu chuyện xả lũ này đã xảy ra nhiều năm nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm, có đánh giá xác đáng mà toàn đổ cho trời để rồi hòa cả làng, chỉ có dân chịu thiệt.
Việc xả lũ của thủy điện vừa qua có gây thiệt hại đến vùng hạ du, nhưng thiệt hại bao nhiêu? Thực tế bây giờ các nhà chức trách đứng ra bàn nhưng dễ gì làm được, dễ gì xác định được tội lỗi của các “ông” thủy điện. Nếu xác định được thì đã xử lý, chứ đâu để dân kêu từ năm 2009 đến bây giờ. Cho nên bây giờ cách tốt nhất là Nhà nước phải ra tay. Thứ nhất, thủy điện phải có quy trình vận hành nghiêm ngặt nhất, tốt nhất đảm bảo cho hạ du. Thứ hai, thủy điện phải cùng với địa phương để tạo ra cuộc sống cho người dân thích nghi với lũ lụt mà hậu quả có anh đóng góp.
Giờ “ông” thủy điện chỉ “đền bù” bằng cách tạo mọi điều kiện cùng với Nhà nước làm cho dân hạ du sống được, thích nghi được với lũ. Nhưng bây giờ thực tế là chỉ hỗ trợ, mà hỗ trợ khác xa với đền bù. Hỗ trợ là cái hàm ơn, còn đền bù là trách nhiệm. Bắt “ông” thủy điện đi vào trách nhiệm, nghĩa vụ này thì bây giờ rất khó vì trước nay chúng ta chưa từng làm. Và thực tế không dễ gì làm vì ở đó có các nhóm lợi ích mà Nhà nước rất khó có thể điều khiển được các nhóm lợi ích ấy. Bây giờ mình bắt đền chắc chắn là không được, đôi khi mình nói hỗ trợ thì mấy “ông” thủy điện thấy mang tính hàm ơn thì họ làm! Không thể bắt nhau được đâu, cho nên hỗ trợ là giải pháp tốt hơn kiện cáo trong lúc này.
* Là người có thời gian dài gắn bó với nông dân, vậy theo ông, Nhà nước nên làm gì để giúp dân?
- Bây giờ chỉ còn cách luyện tập cho người ta sống thích hợp với mùa lũ ở vùng lũ mà thượng lưu có các nhà máy thủy điện. Chúng ta phải đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng lũ bằng những tính toán, quy hoạch đất đai, mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi hợp lý hơn. Phải tạo ra giống cây trồng, chủ động thời điểm sản xuất, xuống giống khi mùa lũ vừa rút và kết thúc vụ thu hoạch trước khi mùa lũ đến để tránh được thiệt hại.
Theo tôi, Nhà nước phải có những bổ sung tiêu chí trong chương trình nông thôn mới đối với vùng ngập lụt. Làm sao chúng ta phải có chỗ cho người dân để đảm bảo mạng sống cho họ, cùng với đó là phải có điều kiện sống như lương thực, thực phẩm, nước uống, ánh sáng... Muốn làm được cái này, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ.
Đừng để cứ có trận lũ xong là ta đi cứu trợ, mà phải có chính sách để người dân chủ động chuẩn bị sống chung với lũ. Thấy cảnh dân vùng lũ nhận cứu trợ mấy chai nước khoáng và thùng mì gói trong cơn lũ thì quả là không ổn tí nào cả. Để mỗi gia đình vùng lũ có bể nước uống, có ít lương thực dự trữ lúc lũ về theo tôi là không khó, những cái này Nhà nước có thể hỗ trợ để cuộc sống người dân bền vững hơn.
* Ông Văn Phú Chính:
Giúp dân ứng phó tại chỗ
- Những năm gần đây lũ lụt xảy ra ở miền Trung nghiêm trọng hơn. Như chúng ta vừa thấy trong năm nay các cơn lũ cường suất lên rất nhanh, vì vậy người dân miền Trung cần được trang bị phương thức ứng phó mới, cụ thể hơn chứ không phải chung chung như trước đây. Hiện nay chúng ta phải nhận diện tình hình lũ lụt xảy ra trong thời gian qua có những biến động rất khác biệt, bất thường hơn để có cách ứng phó. Chúng ta cũng nên xây dựng chương trình như cụm tuyến dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long.
* Theo ông, Nhà nước nên làm gì để giúp dân vùng bão lũ?
- Theo tôi, có mấy vấn đề mà Nhà nước nên làm ngay để giúp dân miền Trung phòng tránh, thích ứng với lũ. Lâu nay việc cung cấp thông tin bão đến người dân miền Trung tương đối tốt, còn lũ thì hơi hạn chế, chậm do bị chia cắt, thiếu phương tiện tiếp cận. Trước đây, mưa 3-4 ngày mới có lũ, ngập, còn như năm nay chỉ mưa một ngày là ngày sau đã lũ lớn nên yêu cầu vấn đề thông tin nhanh nhất đến người dân vùng bị ngập lũ là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, chúng ta nên hỗ trợ người dân về tín dụng để xây nhà lồng ghép chống bão lũ phù hợp với đặc điểm từng vùng. Mô hình nhà phải hợp lý, đảm bảo được nơi ở, bảo quản lương thực, kể cả vật nuôi, khi có lũ về. Chứ thực tế hiện nay khi miền Trung có lũ, tốc độ nước chảy mạnh thì không thể đưa phương tiện vào thực hiện việc sơ tán toàn bộ được. Đừng làm việc cứ đến mùa lũ là đi sơ tán dân mà hãy giúp dân ứng phó tại chỗ, chủ động.
Hiện ta đang triển khai thí điểm đề án (1002) phòng tránh thiên tai dựa vào cộng đồng. Đề án này ngân sách nhà nước là 55%, còn lại là các tổ chức phi chính phủ. Tức là cộng đồng có sự giúp đỡ về phương tiện của Nhà nước để tự quản lý, cụ thể đến mức là từng thôn xóm tự ứng cứu khi xảy ra lũ. Chính quyền tại chỗ hỗ trợ dân ứng phó tùy vào tình huống cụ thể chứ không đưa ra phương án chung chung cho toàn bộ khu vực miền Trung.
Việc thông tin lũ cũng yêu cầu khác trước đây, thông tin gần gũi để người dân dễ nhận biết hơn, ứng phó. Việc hỗ trợ tín dụng xây nhà cũng phải tính toán kỹ, ngoài phần Nhà nước hỗ trợ không hoàn lại, người dân được vay tín dụng bao nhiêu và nguồn vốn họ có để xây dựng nhà cho phù hợp.
Tuy nhiên, hiện đề án chỉ mới thực hiện được một phần do thiếu kinh phí. Qua bốn năm triển khai, hiện mới có khoảng 100 xã tiếp cận được dự án này, trong mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 6.000 làng xã được triển khai đề án.
* Trong đợt đi thị sát tình hình thiệt hại do lũ ở miền Trung mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có đặt vấn đề Chính phủ sẽ hỗ trợ giúp dân làm nhà tránh lũ. Cụ thể ra sao, thưa ông?
- Chương trình này hiện đang triển khai thí điểm với số lượng 100 căn/tỉnh, thành và triển khai dọc miền Trung từ Thanh Hóa vào tận Bình Thuận. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy các nhà mô hình tránh lũ này đã phát huy hiệu quả rất tốt, nhất là trong đợt lũ vừa qua. Tuy nhiên, hiện Bộ Xây dựng (đơn vị được giao trách nhiệm chính) vẫn chưa có tổng kết, đánh giá báo cáo về mô hình thí điểm này nên chúng tôi chưa thể nói được nhiều về mô hình này. Nhưng quan điểm là tốt, vậy nên Chính phủ mới đề xuất gói hỗ trợ xây nhà cho dân tránh lũ lên đến 800 tỉ đồng, tất nhiên trong đó có sự góp tay của chính các gia đình nằm trong vùng rốn lũ, nơi dự án được triển khai đại trà trong nay mai.
Theo Tuổi Trẻ