Xe cá nhân lưu thông theo giờ
Việc quản lý, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân sẽ được thắt chặt. Thực hiện phân luồng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và ngày nhất định trong tuần kết hợp với biện pháp tăng tần suất của phương tiện công cộng và ưu đãi giá vé đối với hành khách tại thời điểm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; tăng cường các tuyến đường một chiều đối với phương tiện cá nhân; tổ chức phân tách làn dành riêng cho xe gắn máy và làn xe thô sơ trên các tuyến đường ra vào nội thành có đủ điều kiện về mặt cắt ngang.
Áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ phương tiện cơ giới theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài, tăng dần theo mật độ giao thông; nghiên cứu, thí điểm dự án chuyển đổi phí trông giữ xe thành giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội thành thành phố; có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành các công trình đỗ xe thiết yếu trong nội thành.
Nâng cấp, quản lý chặt chẽ diện tích vỉa hè, ưu tiên cho người đi bộ; thiết kế vỉa hè, lối ra vào các công trình công cộng thuận lợi cho người khuyết tật tham gia giao thông; đẩy mạnh việc tổ chức tuyến phố, khu phố dành riêng cho người đi bộ và xe đạp kết hợp với các tuyến vận tải công cộng và bãi đỗ xe cơ giới cá nhân; ưu tiên bố trí diện tích để tổ chức điểm trông giữ xe đạp và các dịch vụ cho thuê xe đạp tự động trong nội thành.
Việc lưu thông theo giờ trong ngày và ngày trong tuần được cho là giúp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân. |
Cùng với đó sẽ có những nghiên cứu giải pháp tăng cường quản lý sử dụng xe đạp điện, xe máy điện an toàn, hợp lý; có các chính sách ưu đãi về thuế và phí đối với đơn vị kinh doanh và người sử dụng xe đạp. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển trung tâm điều khiển giao thông đô thị, tích hợp quản lý và điều hành hệ thống đèn tín hiệu, hệ thống giám sát giao thông trực tuyến, hệ thống kiểm soát giao thông bằng camera, tăng cường xử lý vi phạm của phương tiện giao thông qua hình ảnh.
Tham vọng giao thông tại 5 thành phố lớn
Theo quan điểm của Bộ GTVT, phát triển các phương thức vận tải hợp lý, đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nguồn lực đầu tư, khai thác tối đa năng lực sẵn có của kết cấu hạ tầng giao thông tại các thành phố nhằm bảo đảm hệ thống giao thông đô thị thông suốt, an toàn, thân thiện môi trường, với chi phí đi lại phù hợp với điều kiện thu nhập của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của các đô thị.
Việc phát triển các phương thực vận tải tại các thành phố lớn sẽ hướng tới một tỷ lệ hợp lý giữa vận tải công cộng và vận tải cá nhân theo hướng ưu tiên phát triển và khuyến khích người dân trong các đô thị đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng vừa và lớn, kết hợp với sử dụng các loại phương tiện cá nhân thân thiện môi trường; phát triển có kiểm soát dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi; kiểm soát mức độ phát triển và có lộ trình cụ thể hạn chế mức độ sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân trong khu vực trung tâm và trên những tuyến đường có mật độ tham gia giao thông cao tại các thành phố lớn...
Bởi vậy, trong Đề án này, Bộ GTVT xây dựng nội dung khá lớn về giao thông đô thị với nhiều tham vọng phát triển cho 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.
Phương tiện cá nhân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ nằm trong sự quản lý gắt gao hơn |
Với các thành phố nói trên, sẽ tập trung phát triển hệ thống vận tải đô thị với cơ cấu hợp lý giữa vận tải công cộng và vận tải cá nhân, theo hướng khuyến khích vận tải hành khách công cộng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Ưu tiên phát triển các phương thức vận tải có sức chở vừa và lớn, phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi ở quy mô hợp lý, phù hợp với nhu cầu của từng thành phố nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống vận tải công cộng. Khuyến khích sử dụng phương thức vận tải phi cơ giới (xe đạp và đi bộ) nhằm bảo vệ môi trường, góp phần hỗ trợ phát triển vận tải công cộng và cải thiện sức khỏe của người dân.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận hợp lý của các phương thức vận tải được xác định cho từng thành phố cụ thể như sau: TP Hà Nội và TP.HCM có vận tải hành khách công cộng đảm nhận từ 20 - 25%; vận tải cá nhân chiếm 75 - 80% (trong đó đi bộ và xe đạp từ 20-30%). Các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ: vận tải hành khách công cộng là 10 -15%.
Ngoài ra, phải đảm bảo tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị, trong đó có tỷ lệ quỹ đất hợp lý cho giao thông tĩnh từ 5 - 7%, quỹ đất dành cho người đi bộ ở mức hợp lý (2%).
Riêng đối với Hà Nội và TP.HCM, từ nay đến năm 2015 sẽ áp dụng các nhóm giải pháp cấp bách để kiểm soát tình hình giao thông. Trong đó, tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Thực hiện kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân theo giờ trong ngày tại các khu vực trung tâm đô thị và trên các tuyến giao thông có mật độ cao trong thời gian cao điểm giao thông kết hợp với tăng cường vận tải hành khách công cộng.
Hà Nội và TP.HCM cũng sẽ có cơ chế ưu tiên, khuyến khích đầu tư, bố trí diện tích tập kết phương tiện tại các khu vực quảng trường, công trình công cộng để các nhà đầu tư phát triển dịch vụ, cho thuê xe đạp, xe đạp điện để cho người dân sử dụng đi lại trong các khu vực nội thành, đặc biệt là khu phố cổ, khu vực hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân (xe gắn máy, xe ô tô).
Theo Dân trí