Điều tra viên dùng nhục hình, ép cung với Hàn Đức Long?

Thứ bảy, 23/11/2013, 13:00
Không tin chồng mình là hung thủ trong vụ án hiếp dâm, giết người cách đây 8 năm, chị Nguyễn Thị Mai (vợ của Hàn Đức Long) vẫn ngày đêm vác đơn kêu oan cho chồng. Dù nhiều người khuyên ngăn nên từ bỏ việc kêu oan trong vô vọng, nhưng qua vụ ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan, chị Mai lại tiếp tục công việc đã làm bấy lâu nay, cho dù đó chỉ là tia hy vọng mong manh nhất.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26.6.2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ngụ huyện Tân Yên) không thấy con gái tên là Yến (5 tuổi) nên đi tìm. Sáng hôm sau, có người phát hiện xác của cháu Yến tại mương nước ngoài đồng. Khám nghiệm hiện trường và tử thi cho thấy âm đạo cháu bị rách.

Sau đó, Cơ quan điều tra nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Khuyến (sinh năm 1930) và con gái của bà Khuyến là Trương Thị Năm (sinh năm 1960) tố cáo bị ông Long hiếp dâm (hai người này từng có mâu thuẫn tranh chấp đất đai với ông Long).

Cơ quan điều tra lập tức bắt giam ông Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, bị can Long thú nhận hiếp dâm mẹ con bà Khuyến và sau đó hiếp, giết cháu Yến.

Chị Mai và bà Cung (phải) trên đường đi kêu oan

Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình, tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xử giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và yêu cầu điều tra lại từ đầu. Năm 2011, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình.

Hồ sơ điều tra thể hiện bị cáo đã nhận tội nhưng tại các phiên tòa, bị cáo Long đều chối tội và khai bị đánh đập, bức cung. Đáng chú ý, vụ án xảy ra vào năm 2005 nhưng đến khi phải điều tra lại vào năm 2011 thì bị hại Trương Thị Năm cùng Trương Văn Sáu (con trai bà Khuyến) đã xin rút đơn đề nghị xử lý ông Long.

Luật sư Ngô Ngọc Trai -Trưởng Văn phòng luật Ngô Ngọc Trai và cộng sự (TP.Hà Nội) cho biết thêm: Buổi chiều cháu Yến bị sát hại, ông Hàn Đức Long xay thóc tại nhà ông Diêm Quảng Nam (ngụ cùng thôn). Cơ quan điều tra đã hỏi ông Nam xem tối hôm xảy ra vụ án có những ai xay thóc thì được ông Nam kể ra 7 người, trong đó có ông Long. Nhiều người cùng xay thóc cũng xác nhận điều này.

Bị “khủng bố” mỗi lần vác đơn đi kiện

Những ngày giữa tháng 11.2013, chị Mai và người chị ruột của ông Hàn Đức Long lại rong ruổi từ Bắc Giang xuống Hà Nội vác đơn gõ cửa các cơ quan chức năng minh oan cho chồng. Chia sẻ với phóng viên Lao Động ngay sau khi gửi đơn tới Viện Kiểm sát tối cao, chị Mai cho biết: “Kể từ khi chồng tôi bị bắt vào năm 2005 đến nay, kinh tế gia đình tôi trở nên kiệt quệ, khó khăn hơn bao giờ hết.

Tôi và chồng có hai người con, đứa con gái lớn là Hàn Thị Ninh (sinh năm 1988), ngay sau khi bố bị bắt thì đã phải nghỉ học vào năm lớp 9 do kinh tế gia đình rất khó khăn. Cũng như chị, đứa con thứ hai là Hàn Đức Trong (sinh năm 1989) cũng phải bỏ học giữa chừng khi chưa hết cấp hai”.

“Cháu Ninh sau khi bỏ học đã phải vào miền Nam làm nghề trông trẻ và đủ thứ việc trên đời. Mãi lâu sau, cháu nó mới dám quay về quê sinh sống và lấy chồng. Còn cháu Trọng thì bỏ học đi làm thợ xây, phụ hồ. Gần đây, cháu đi học thêm nghề mộc tính về quê để dễ bề chăm sóc tôi lúc trái nắng trở trời”, chị Mai vừa kể vừa khóc. Để có tiền trang trải chi phí đi minh oan cho chồng, chị Mai đã phải nhờ anh em, họ hàng đứng ra đi vay lãi hộ, số tiền lãi ngày một lớn.

Theo lời kể của bà Đào Thị Cung (70 tuổi, chị gái của ông Hàn Đức Long), ngay sau khi biết em trai mình bị bắt vì bị nghi là hung thủ hiếp dâm – giết cháu Nguyễn Thị Yến, cả gia đình tôi ai cũng ngỡ ngàng và sốc, bởi Long ở nhà nổi tiếng là người hiền lành, chịu thương, chịu khó. Điều khiến mọi người bất ngờ nhất chính là chứng cứ buộc tội anh Long rất lỏng lẻo, vậy mà cơ quan điều tra cứ kết tội anh Long là hung thủ chứ không phải ai khác.

Sau khi anh Long bị kết án, gia đình anh đã gửi đơn thư đi khắp nơi, gõ cửa mọi ngóc ngách với hy vọng sẽ có cơ quan chức năng tiếp nhận, quay lại điều tra mong giải oan, tuy nhiên, cứ mỗi lần gia đình làm đơn gửi đi thì lại bị một số đối tượng quay sang khủng bố.

Theo lời bà Cung, mấy năm trước, khi gia đình vừa hôm trước gửi đơn đi các nơi, thì sáng hôm sau, tại thửa ruộng của gia đình lẫn trong đó toàn mảnh sành, thuỷ tinh với mục đích cho vợ và gia đình ai làm ruộng không để ý sẽ bị đứt tay. Thậm chí, những kẻ này còn thường xuyên vùi lẫn kim tiêm vào trong ruộng để nếu cấy, gặt không để ý thì rất dễ bị thương.

Ngoài ra, những kẻ “khủng bố” này còn ném gạch, đá làm hỏng cả mái nhà – do kinh tế khó khăn nên em dâu tôi đành phải che tạm bằng vải bạt trong cả một thời gian dài. “Gia đình có báo chính quyền mấy lần, nhưng cứ được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Cứ gia đình đi gửi đơn là lại bị “khủng bố”, bà Cung cho biết.

Bị dùng nhục hình, ép cung để lấy lời khai?

Theo vợ anh Long, có lần đến thăm chồng khi đã bị kết án, anh Long có kể mình bị điều tra viên đánh đập, hành hạ nhục hình để ép anh nhận tội. “Chồng tôi kể các điều tra viên dùng tay, chân, gậy gỗ đánh đập chồng tôi. Do tay của chồng tôi bị tật mấy ngón, họ đã dùng bút bi xoáy vào các kẽ ngón tay để xem chồng tôi có bị tật thật hay không.

Chính vì đi cung lần nào cũng bị đánh quá đau, về nằm còn chẳng cựa mình được, cứ nhìn thấy công an là sợ, nghe tiếng công an là sợ, nên chồng tôi buộc phải liều nhận để mong ra toà sẽ được minh oan”,  chị Mai thuật lại lời của chồng. Việc bị ép cung, nhục hình để buộc ký vào giấy nhận tội, anh Long cũng đã kể cho luật sư của mình biết.

Cũng theo chị Mai, trong quãng thời gian chồng chị bị giam giữ để điều tra, hoàn thiện hồ sơ cho vụ án, chị và gia đình chưa một lần được tiếp xúc, gặp gỡ chồng và người thân mình. “Ngay cả luật sư bào chữa cho anh Long lúc bấy giờ khi đề nghị cơ quan điều tra cho tiếp cận hồ sơ của vụ án thì toàn nhận được câu trả lời là chưa xong. Đến khi họ chuyển sang toà án, hoàn tất hồ sơ thì luật sư mới biết, lúc này nội dung vụ án đã xong”, chị Mai kể.

Trong ngày 13.11, khi xuống Hà Nội để gửi đơn đến các cơ quan chức năng, chị Mai và bà Cung chỉ mong muốn cơ quan chức năng trả lời thấu đáo những câu hỏi mà luật sư bào chữa cho vụ án đã nêu ra như: Việc các chứng cứ buộc tội lỏng lẻo, các tình tiết thiếu tính logic, không đưa 49 bút lục quan trọng vào hồ sơ vụ án...

Thậm chí, theo chị Mai tất cả các luật sự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chồng chị như luật sư Nhân, luật sư Am, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Hồng Bách, Ngô Ngọc Trai... đều cho rằng “các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự và đều khẳng định chồng tôi bị oan sai”. Tuy nhiên từ đó đến nay đã 8 năm trời, những câu hỏi trên vẫn chưa có câu trả lời.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang yêu cầu xem xét lại vụ án

Liên quan đến vụ án, Văn phòng Chủ tịch Nước thông báo đã chuyển đơn đề nghị xem xét lại vụ án Hàn Đức Long sang TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Trước đó, sau khi nhận được Văn bản số 16/TTTVPL của Trung tâm tư vấn pháp luật gửi đến (ngày 7.11.2013) đề nghị xem xét lại vụ án Hàn Đức Long theo trình tự giám đốc thẩm.

Sau khi nghiên cứu đơn, Văn phòng Chủ tịch Nước đã chuyển đến Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn