Người dân Triều Tiên không còn “thắt lưng, buộc bụng”

Thứ bảy, 23/11/2013, 12:30
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un tuyên bố rằng người dân Triều Tiên sẽ không còn phải “thắt lưng buộc bụng”, trong khi cái hố ngăn cách giàu-nghèo ngày càng sâu rộng.

Trong bài viết đề tựa “Bắc Triều Tiên, những điều chỉnh nhỏ nhoi của Kim Jong-un”, phóng viên Philippe Pons của báo Le Monde nhận thấy là cuộc sống tại thủ đô Bình Nhưỡng có vẻ như đang thay da đổi thịt.

Một Bình Nhưỡng bảnh bao với nhiều khu phố mới, các khu giải trí, những đại lộ với những dải cỏ được cắt tỉa bằng phẳng, được bảo trì cẩn thận và lượng xe ô tô lưu thông ngày càng đông đúc. Tác giả tự hỏi: Phải chăng tất cả những hình ảnh đó đang gợi nhắc đến một ảo giác?

Bởi vì, chỉ cần rời xa một chút khu đô thị phồn hoa đó, quang cảnh đã thay đổi: Những con đường với các lề đường lồi lõm, các tòa nhà cũ kỹ, hư nát, đám đông buôn bán dọc theo những con lộ tối tăm. Tình trạng đình trệ và khan hiếm lương thực thấy rõ nhất tại các thành phố cấp tỉnh.

Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un và vợ đi thăm một khu vui chơi giải trí ở Bình Nhưỡng.

Theo tác giả, thời hoàng kim của Bắc Triều Tiên là vào những năm 1970. Những năm đó, các lĩnh vực giáo dục, kinh tế và cơ sở hạ tầng gần như đạt đến đỉnh cao.

Thế nhưng, sự sụp đổ của Liên Xô đã làm cho nền kinh tế Triều Tiên kiệt quệ trong những thập niên tiếp theo. Mà đỉnh điểm là nạn đói khủng khiếp kéo dài từ năm 1994-1998 đã cướp đi mạng sống của 600.000 người trong tổng số 24 triệu dân.

Kinh tế chính phủ và hệ thống bao cấp sụp đổ đã làm nảy sinh ra một nền kinh tế “ngầm”, nền tảng của“kinh tế thị trường”, giúp duy trì phần nào sự sống còn của đất nước Triều Tiên. Bất chấp sự kiểm soát gắt gao, nền kinh tế đó vẫn sinh sôi và giúp cho đất nước tồn tại.

Kinh tế phát triển đi kèm với bất bình đẳng xã hội

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã cho tiến hành một loạt cải tổ nội các: bổ nhiệm lại ông Pak Pong-ju (người đã từng thực hiện chương trình cải cách năm 2002) vào vị trí thủ tướng, cách chức gần một nửa quan chức cao cấp trong quân đội và đảng.

Một mặt, các biện pháp trên nhằm củng cố quyền lực cho nhà lãnh đạo trẻ. Mặt khác, Kim Jong-un không muốn trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, mà còn muốn tập trung chủ yếu vào việc cải thiện điều kiện sống của người dân.

Philippe Pons nhìn nhận kinh tế Triều Tiên có vẻ đang thoát khỏi cảnh túng thiếu một cách chậm chạp: Tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 1,3% nhờ được mùa và xuất khẩu khoáng sản như sắt, than và kim loại “hiếm” sang Trung Quốc.

Sự xuất hiện của nền kinh tế tiền tệ thay cho tem phiếu. Nhiều loại ngoại tệ lưu thông trên thị trường cũng như sự hiện diện của các dòng sản phẩm cao cấp, công nghệ cao và dịch vụ như điện thoại di động, máy tính bảng màn hình cảm ứng, điện thoại thông minh, xe ô tô nhãn hiệu nước ngoài, xe taxi (mới có gần đây), hàng quán…

Theo tác giả, tất cả những điều đó phản ảnh một sự đa dạng xã hội và sự xuất hiện của một tầng lớp đặc quyền mới, khá giả hơn đang lan rộng, bên cạnh tầng lớp lãnh đạo truyền thống.

Trong khi đó, đại đa số người dân vẫn sống trong cảnh thiếu thốn. Sự phát triển của nền kinh tế trên thực tế là “thị trường” đã làm mất đi bản chất một xã hội “quân bình”. Tầng lớp đặc quyền giờ đây tiêu xài mà không cần giấu giếm. Hố sâu ngăn cách giàu-nghèo ngày càng sâu rộng.

Cải cách ruộng đất chớm nở

Để chống lại nạn khan hiếm lương thực-thực phẩm, Philippe Pons trong một bài viết khác cho hay “cải cách ruộng đất đang chớm nở”.

Tình hình đã khá hơn trước. Mức thiếu hụt lương thực giảm từ 760 ngàn tấn xuống còn 550 ngàn tấn trong hai năm qua. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cũng giảm, từ 32% (2009) xuống còn 27,9% trong năm 2012.

Một chuyên gia nước ngoài, có kinh nghiệm về nông nghiệp tại miền bắc Triều Tiên, cho rằng quốc gia có đủ các yếu tố để cải thiện tình hình: Mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất canh tác bằng cách sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, trồng rừng để tránh thiên tai và tránh làm bạc màu đất canh tác …

Bên cạnh đó, chính quyền còn đưa ra một số biện pháp linh hoạt, khuyến khích sự năng động của người dân : Xóa bỏ chế độ bao cấp chuyển sang tự cung, tự cấp, phát triển các khu chợ trao đổi tực tiếp hàng hóa giữa các nông trang tập thể và thử nghiệm mô hình “nông trang cá nhân”: mỗi tổ lao động (4-5 người) chịu trách nhiệm khai thác mảnh đất do chính quyền địa phương giao.

Theo ĐS&PL

Các tin cũ hơn