Một số bệnh dễ mắc vào mùa lạnh

Thứ hai, 25/11/2013, 10:16
Virus cúm lưu hành mạnh vào mùa đông và bệnh cảnh thường diễn biến nặng hơn. Bất kể ai cũng có thể mắc bệnh, thậm chí là người hoàn toàn khỏe mạnh có thể cần chăm sóc y tế. 

1. Cúm

Phó giáo sư Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu mùa cúm đến nay khoảng 4 ca phải chuyển đến khoa điều trị bởi những biến chứng nguy hiểm, như: viêm phổi, suy đa tạng... và đều là những người trẻ, khỏe.

Bệnh biểu hiện thường là hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, đau mỏi người, nếu không có bội nhiễm và biến chứng bất thường thì có thể khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, sau 2-3 ngày không đỡ, thấy nặng lên, khó thở thì người bệnh phải đến cơ sở y tế để được điều trị, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm. Một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như: người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính.

cummua1-2014-1385182047.jpg

Bệnh cúm vào mùa đông thường diễn biến nặng hơn. Ảnh: N.P.

Cúm do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, hắt hơi...). Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì không hề có tác dụng, người lại càng mệt mỏi hơn.

Để phòng bệnh, cách tốt nhất là tiêm văcxin cúm mùa trước mùa cúm xảy ra. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Thường xuyên mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao.

2. Tiêu chảy mùa đông

Thường gặp vào mùa đông nên tiêu chảy do rotavirus còn được gọi là tiêu chảy mùa đông. Đây là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 đến 24 tháng. Thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Bé cũng có thể ho, sốt.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đây là bệnh thông thường, kéo dài 3-7 ngày, điều quan trọng là bù dịch, nước bằng oresol và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuy nhiên, thực tế một số cha mẹ không tuân thủ đúng hướng dẫn (pha tỷ lệ không đúng - đặc hoặc loãng quá, uống không đủ liều...) dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời.

Để phòng bệnh, cha mẹ nên đưa con đi uống văcxin. Ngoài ra, trẻ có thể nhiễm rotavirus qua đường tiêu hóa từ thức ăn, thức uống, đồ vật nhiễm bẩn. Vì thế, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi cầm thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cha mẹ, người giữ trẻ cũng giữ tay sạch sẽ. Còn nếu thấy trẻ mệt quá, không ăn uống gì, không chơi, nằm li bì thì nên đưa bé đến bệnh viện để truyền dịch.

3. Bệnh da

Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, thời tiết mùa đông ở miền Bắc thường lạnh kèm theo hanh khô vì thế số người mắc các bệnh về da theo đó tăng lên. Trong đó hay gặp nhất là bệnh viêm da cơ địa bàn tay, bàn chân hay á sừng. Biểu hiện da tay, chân bị khô, nứt nẻ, bong vảy, thường xuất hiện ở đầu ngón sau đó lan dần hết cả bàn. Bên cạnh đó còn phải kể đến các bệnh như: viêm môi do lạnh, viêm da tiếp xúc dị ứng do lạnh ở mặt, viêm da cơ địa chung.

Phòng bệnh, điều quan trọng là giữ ấm cơ thể; sử dụng kem dưỡng làm ẩm da phù hợp với từng vị trí da: môi, mặt, tay, chân, cơ thể. Trong trường hợp bôi kem dưỡng không hiệu quả thì nên kết hợp thuốc bôi đặc trị. Ngoài ra, cần ăn uống nhiều vitamin, khoáng chất; tránh tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa, xà phòng; tắm nước ấm, không tắm nóng quá, dễ gây ngứa.

Nếu đã tuân thủ chế độ chăm sóc da đúng cách nhưng vẫn không đỡ thì cần đến các phòng khám da liễu khám kịp thời.

Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích