Đào bới tìm kiếm xác nạn nhân cuối cùng trong vụ lở núi khu vực hòn Chúa - Mũi Thuyền huyện Tây Hoà (Phú Yên). Ảnh: L.Phong
Thương vong về người, thiệt hại về tài sản lên hàng trăm tỉ đồng. Nhưng để giải “bài toán” này lại là vấn đề quá tầm của chính quyền các địa phương…
Hàng loạt vụ lở núi
Đến cuối ngày 24/11, việc tìm kiếm thi thể nạn nhân bị sạt núi, vùi mất tích tại khu vực Hòn Chúa - Mũi Thuyền, huyện Tây Hòa (Phú Yên) vẫn tiếp tục. Trước đó, lúc 11h ngày 23/11, 4 thanh niên địa phương này đi bẫy rừng, bị “mất tích”. UBND xã Sơn Thành Tây đã huy động các lực lượng vào núi tìm kiếm thì phát hiện một đoạn núi bị sạt lở.
Sau nhiều giờ đào bới đã tìm thấy 3 thi thể. Nạn nhân là Trương Quốc Công (SN 1980), Bùi Công Khải (SN 1983 - đều trú tại thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây) và Phạm Ngọc Nghĩa (SN 1982, trú thôn Mỹ Bình). Nạn nhân còn lại là anh Lương Ngọc Tính (SN 1979, trú thôn Tịnh Thọ) vẫn chưa tìm thấy. Suốt ngày 24/11, chính quyền xã Sơn Thành Tây huy động các lực lượng để tìm kiếm nạn nhân.
Trong khi đó, tại huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) cũng xảy ra vụ sạt lở núi nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nhiều người dân. Chủ tịch UBND huyện - ông Lê Văn Tùng - cho biết, vụ sạt núi xảy ra rạng sáng 22/11 với khối lượng đất đá hơn 20.000m3. Có ít nhất 3 cơ quan nhà nước là Trạm khuyến nông, Trạm Thú y và Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sơn Tây đã bị vùi lấp nặng, làm hư hỏng bàn ghế, tủ, máy tính... Rất may không xảy ra thiệt hại về người.
Sống chung với sạt lở
Tại huyện Bắc và Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn đang xảy ra tình trạng cô lập vì sạt núi, tắc đường. Tại huyện Bắc Trà My, số lượng đất đá do sụt trượt núi vùi lấp công trình giao thông lên đến 60.000m3. Tại đèo An Khê, QL19 đi qua TX.An Khê (Gia Lai) và huyện Tây Sơn (Bình Định) cũng đang trong tình trạng sạt lở, sụt lún suốt 8km với 21 điểm sạt lở, nhiều đoạn bị lở đến nửa phần đường, có nơi đất, đá sụt lún tạo thành những vực sâu hàng trăm mét. Riêng đoạn đỉnh đèo tiếp giáp tỉnh Bình Định dài 3km đã có hơn 10 điểm sạt lở.
Ông Lê Quý Đức - GĐ Cty sửa chữa đường bộ Gia Lai - cho biết, nguyên nhân sạt lở ở đèo An Khê là do mưa lớn khiến nước từ trên núi đổ xuống, bị ảnh hưởng nặng nhất là các điểm từ Km64 +500 đến Km67+500. Hiện lượng đất, đá sạt lở của đèo An Khê chưa thống kê được.
Ông Võ Đình Dũng - GĐ Khu Quản lý đường bộ 5 (Cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết, mưa lũ, sạt lở, tắc đường... đã là “điệp khúc” chưa bao giờ dứt tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Mỗi năm, thiệt hại riêng ngành giao thông lên đến con số hàng ngàn tỉ đồng. Để khắc phục bước đầu, đảm bảo giao thông cơ bản, các địa phương đều phải ứng vốn, khắc phục với số tiền 400 - 500 tỉ đồng mỗi tỉnh.
Tuy nhiên, để có phương án kiên cố hóa, xây dựng bền vững thì kinh phí cần tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi tỉnh vẫn chưa đủ. Còn theo ông Tùng - Chủ tịch huyện Tây Trà, Quảng Ngãi - thì thực trạng sạt núi có từ lâu, song hiểm họa này ngày càng bất thường và gia tăng tính khốc liệt, khó lường. Khó có thể đổ lỗi cụ thể, nhưng có thể thấy thực trạng phá rừng, làm thủy điện, cắt núi làm đường giao thông... có ảnh hưởng nhiều đến hiện tượng sạt núi. Tuy nhiên, đó là vấn đề quá tầm của chính quyền địa phương, trước mắt phải biết “sống chung” với sạt lở.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng xung yếu, chính quyền các địa phương chỉ còn biết cách “dò đoán”, tổ chức hỗ trợ di dời từng phần trong nhiều năm.
Theo Lao động