Là nơi làm việc của các cơ quan địa phương và các cơ quan trung ương đóng tại địa phương, các công sở này được đầu tư tiền trăm tỷ.
Trụ sở, hội trường 300 tỷ đồng
Mặc dù là tỉnh mới được chia tách còn nhiều khó khăn, nhưng công trình trụ sở làm việc và hội trường Tỉnh ủy Hậu Giang tọa lạc tại P.4, TP Vị Thanh rất hoành tráng và đang được xem là trụ sở “khủng” nhất miền Tây. Công trình vừa đưa vào sử dụng trong tháng 4/2013 sau gần năm năm thi công. Nằm cạnh dòng sông Xà No, nhìn từ xa công trình này giống như một khách sạn cao cấp.
Trụ sở làm việc và hội trường Tỉnh ủy Hậu Giang hoành tráng. |
Công trình được xây dựng trên khu đất rộng 3,3ha. Khối nhà có hình chữ nhật, mặt tiền nhìn ra sông Xà No với 16 cây cột to, mặt sau cũng tương ứng với 16 cây cột, xung quanh tòa nhà được bố trí hệ thống phun nước để tạo cảnh quan. Toàn bộ khối nhà được dán đá hoặc trang trí bằng kính xây dựng nhìn rất sang trọng. Tòa nhà có ba tầng (không kể tầng hầm) với bốn hội trường được bố trí đều khắp các tầng, trong đó có hội trường lớn ở tầng hai với sức chứa trên 300 người được thiết kế rất hiện đại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hội trường ít khi sử dụng hết công năng, nhất là hội trường lớn vì thỉnh thoảng mới có hội nghị được tổ chức. Tòa nhà rộng lớn song với cán bộ của năm phòng và lãnh đạo Tỉnh ủy chỉ khoảng 50 người làm việc.
Công trình khởi công vào tháng 9/2008, thời điểm này tổng thu ngân sách nhà nước năm 2008 của tỉnh Hậu Giang là 2.717 tỷ đồng. Trong khi đó, công trình có tổng mức đầu tư xây dựng gần 300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Ca, phó chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, cho biết kinh phí đầu tư xây dựng được thông qua HĐND theo phân kỳ hằng năm vì công trình thi công trong thời gian dài.
“Hằng năm, Hậu Giang được trợ cấp ngân sách của trung ương. Bộ Tài chính phân bổ về HĐND, UBND tỉnh trình HĐND xem xét, trong vốn xây dựng cơ bản, dự án nào nằm trong danh mục được phê duyệt thì phân bổ vốn”, ông Ca nói thêm.
Tráng lệ ở vị trí “vàng”
Khi vệt đất ven sông Hàn được giải tỏa nhằm quy hoạch không gian đô thị cho Đà Nẵng thì cũng là lúc hai trụ sở của TAND tối cao tại Đà Nẵng và TAND Đà Nẵng được di dời đi nơi khác. Thay vào đó, chính quyền Đà Nẵng đã bố trí cho hai đơn vị này hai khu đất ở vị trí đắc địa để xây dựng trụ sở mới nằm ở ngã tư đường 30-4 - Núi Thành.
Trụ sở TAND tối cao tại Đà Nẵng xây dựng trên diện tích khoảng 6.000m2 tại ngã tư đường 30-4 - Núi Thành với quy mô sáu tầng và một tầng hầm cùng các trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại, tổng mức đầu tư khoảng 115 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương. Trụ sở này được xem là công sở thuộc diện đồ sộ tại Đà Nẵng đến thời điểm này, nằm uy nghi tại vị trí “vàng” đối diện công viên tượng đài. Sau hai năm xây dựng, hiện công trình này đang trong giai đoạn hoàn thiện các khâu cuối cùng.
Trụ sở TAND tối cao tại Đà Nẵng đang hoàn thiện. |
Nằm cách trụ sở TAND tối cao tại Đà Nẵng chừng vài chục mét, trụ sở của TAND TP Đà Nẵng cũng vừa mới đi vào hoạt động. Công trình này cao sáu tầng, có trang thiết bị hiện đại, phòng xử lớn và đầy đủ các phòng chức năng với tổng vốn đầu tư 105 tỷ đồng.
Đại diện TAND TP Đà Nẵng cho biết trụ sở mới dù có diện tích lớn đều được bố trí nơi làm việc cho thẩm phán, thư ký... Ngoài ra, các phòng họp, hội trường, phòng chức năng khác như phòng hòa giải, phòng dành cho hội thẩm nhân dân cũng đều được bố trí để làm việc.
Xin đất nhiều nhưng sử dụng chẳng bao nhiêu
Ông Trần Quang Minh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh rất bức xúc về việc nhiều ngành ở trung ương xin cấp đất nhiều để xây dựng trụ sở hoành tráng. Tuy nhiên, ngay cả xây rất to thì vẫn còn dư rất nhiều đất. Điều này thấy rất rõ tại trụ sở TAND tỉnh Bến Tre, TAND huyện Mỏ Cày Nam hay khối tư pháp huyện Chợ Lách. Trong đó TAND tỉnh Bến Tre sử dụng khu đất rộng tới 14.300m2, nhưng chỉ xây dựng một góc, chừa khoảng sân rộng như sân bóng đá.
Trụ sở TAND tỉnh Bến Tre bề thế với khoảng sân rộng. |
Ông Minh nói thêm: “Tỉnh rất bị động trong việc thẩm định, giao đất cho các cơ quan ngành trung ương vì dự án họ làm mình không biết quy mô, nhu cầu đất thật sự thế nào. Thường họ đề nghị giao đất nhiều để làm luôn sân, nhà xe, các công trình phụ. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong thấy còn thừa nhiều đất, rất lãng phí. Nếu được quy hoạch và thẩm định thì tỉnh sẽ không cấp nhiều đất như vậy”.
Không chỉ thế, việc đề nghị cấp đất xây trụ sở cũng đã làm địa phương lúng túng vì quy hoạch bị phá vỡ. Rõ nhất là tại huyện Mỏ Cày Nam. Tỉnh đang quy hoạch sắp xếp lại các khu hành chính, tư pháp, tòa án, viện kiểm sát...
Tuy nhiên, thời gian qua TAND tỉnh và Viện KSND tỉnh đề nghị cấp đất sớm để xây dựng trụ sở cho huyện. Vì có thòng thêm câu “nếu không có quỹ đất thì trung ương chuyển vốn đi nơi khác” nên tỉnh phải tìm quỹ đất công để giao cho hai cơ quan này. Bây giờ mỗi “ông” xây một trụ sở to đùng ở hai nơi khác nhau. Tình thế này bắt buộc tỉnh phải điều chỉnh lại quy hoạch của huyện Mỏ Cày Nam.
Ông Cao Văn Trọng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết hiện tỉnh không có nhiều quỹ đất công “sạch” (đã giải phóng, san lấp mặt bằng sẵn) để giao cho các cơ quan trung ương. Tuy nhiên đất công đang là ao thì còn. Do đó tới đây các cơ quan trung ương đề nghị cấp đất xây dựng trụ sở cho ngành dọc cấp tỉnh, huyện thì UBND tỉnh sẽ giao các ao này, chủ đầu tư dự án tự san lấp mặt bằng để xây dựng. Diện tích đất giao cũng vừa phải vì tỉnh Bến Tre rất nghèo, đất đai ít.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bến Tre, để tránh tình trạng mỗi ngành, mỗi đoàn thể đều muốn có một trụ sở, hiện nay tỉnh chủ trương xây dựng trụ sở UBND các xã, phường với quy mô lớn hơn trước để bố trí tất cả các ngành, đoàn thể, y tế, công an... vào làm việc trong khu này.
Năm 2013 tỉnh Bến Tre đã xây dựng tám trụ sở UBND xã với vốn đầu tư 19,2 tỷ đồng. Tính ra mỗi trụ sở chỉ hơn 2 tỷ đồng. Trong khi đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Bến Tre xây dựng 135 trụ sở UBND xã mới đến năm 2015, nhưng không thể làm được vì thiếu vốn.
Theo Tuổi Trẻ