Trong danh mục đề cử Phim nước ngoài hay nhất (Best Foreign Language Film) tại lễ trao giải Oscar lần thứ 86, người Campuchia vô cùng tự hào khi đất nước họ tiếp tục có phim lọt vào top 5. The Missing Picture (Bức tranh bị mất tích) của đạo diễn Rithy Panh mặc dù không dành được tượng vàng nhưng tiếp tục là minh chứng cho sự khởi sắc của điện ảnh Campuchia.
Cùng thời điểm này, Hội Điện ảnh Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các khâu chuẩn bị cho lễ trao giải Cánh diều vàng 2014. Sau một năm có rất nhiều tác phẩm điện ảnh ra rạp, nhìn vào danh sách 12 phim tranh giải, 9 trong số đó là các bộ phim giải trí vốn dĩ đã quen thuộc với các khán giả. Xét trên khía cạnh tích cực, giải thưởng điện ảnh trong nước đang đến gần hơn với đời sống công chúng; nhưng nhìn rộng ra, điện ảnh Việt có lẽ đang dậm chân ở nơi người ta tìm kiếm tiếng cười nhiều hơn là giấc mơ chạm tay đến những giải thưởng ngoài biển lớn.
Cùng điểm lại những bộ phim Việt từng đại diện cho điện ảnh Việt đến với lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh - Oscar:
Mùi đu đủ xanh - Oscar 1994
Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 66 (1994), lần đầu tiên một bộ phim Việt Nam lọt vào danh sách đề cử rút gọn hạng mục Phim nước ngoài hay nhất. Mùi đu đủ xanh (The Scent of green Papaya) của đạo diễn Trần Anh Hùng đã đưa Việt Nam vào lịch sử giải thưởng danh giá này. Cho đến nay, Mùi đu đủ xanh vẫn là bộ phim duy nhất lọt vào danh sách đề cử rút gọn, và là một chuẩn mực rất riêng cho dòng phim nghệ thuật nước nhà.
Cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh - phim nói tiếng Việt duy nhất được đề cử giải Oscar.
Mùi đu đủ xanh kể về cuộc đời nhân vật Mùi, từ khi còn là một cô bé mười tuổi (Man San Lu) đến khi trưởng thành (Trần Nữ Yên Khê). Bối cảnh của phim là vào những năm 50 tại Sài Gòn. Bộ phim là nỗ lực của đạo diễn Trần Anh Hùng tái hiện lại một phần tuổi thơ đã mất (anh di cư qua Pháp lúc còn nhỏ), nhằm khắc họa con người và không gian văn hóa Việt Nam.
Mùa len trâu - Oscar 2006
Có thể nói, bộ phim Mùa len trâu đã làm rạng danh điện ảnh Việt Nam khi liên tiếp nhận được giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế. Phim được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép dự giải Oscar 2006 tranh giải Phim nước ngoài hay nhất theo đề nghị của hãng phim Giải Phóng và Cục Điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, Mùa len trâu không được lọt vào để cử.
Mùa len trâu.
Trước đó, phim Mùa len trâu đã đoạt giải đặc biệt LHP quốc tế Amazonas (Brazil), giải đặc biệt LHP Locarno (Thụy Sĩ), giải thưởng cao nhất cho phim truyện nhựa LHP Amiens (Pháp), giải đạo diễn xuất sắc LHP Chicago (Bắc Mỹ), giải thưởng cao nhất tại LHP Asian Marine, giải thưởng Namur, và mới đây nhất là giải Quay phim xuất sắc nhất của LHP châu Á - TBD lần thứ 50.
Chuyển thể từ tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, phim Mùa len trâu không chỉ phô diễn một vẻ đẹp đặc biệt của không gian bao phủ bởi nước, mà ở đó nước cũng là một nhân vật. Nó biểu tượng cho cái chết (nước lụt, không có nơi chôn cất người, xác chết chìm trong nước, cây cối, con trâu cũng mục nát dưới nước), nhưng cuộc sống cũng vươn lên từ môi trường chết chóc ấy, cá đẻ trứng và lúa mọc lên cho người nông dân lương thực. Nước là hiện thân của cái chết và sự sống...
Quá khứ ấy, ký ức ấy không hoàn toàn mất đi khi tìm được sự đồng cảm, thú vị của người xem đương đại. Nhiều LHP như Namur (Bỉ), Rotterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan), Amazonas (Brazil)... đã mời và nhiều nước ngỏ lời mua bản quyền Mùa len trâu để trình chiếu. Tuy nhiên, phim lại gặp nhiều vấn đề vô cùng gian nan trong việc công chiếu cho khán giả Việt Nam thưởng thức.
Phim Mùa len trâu, do Hãng phim Giải Phóng, Hãng Novak Production - Vương quốc Bỉ và Hãng 3B Production - Cộng hoà Pháp hợp tác sản xuất trong 5 năm với phần hậu kỳ được thực hiện tại Pháp và hoàn thành vào năm 2004.
Chuyện của Pao - Oscar 2007
Một bộ phim giàu chất thơ nhưng đậm tính đời, ngập tràn cảm xúc về cuộc đời thật của cô gái người Mông tên Pao. So với câu chuyện mà nhà văn Đỗ Bích Thúy viết trong "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", đạo diễn Ngô Quang Hải đã khiến cái không khí ảm đạm ấy trở nên tươi sáng, thấu tình hơn.
Chuyện của Pao là tác phẩm điện ảnh để đời của đạo diễn Ngô Quang Hải.
Tuy nhiên, Chuyện của Pao - ứng cử viên của Việt Nam tranh đua giải Oscar 2007 cho Phim nước ngoài hay nhất không có mặt trong danh sách rút gọn gồm 9 phim đi tiếp vào vòng sau. Từ danh sách chín phim này, ban giám khảo chọn ra các đề cử cho giải phim nước ngoài hay nhất.
61 nước đã gửi phim tới Viện Hàn lâm Mỹ dự tranh đề cử Oscar phim nước ngoài hay nhất 2007, con số kỷ lục tính đến thời điểm đó. Năm 2005, chỉ có 58 nước gửi phim.
Đỗ Hải Yến tham gia diễn xuất trong phim.
Chuyện của Pao từng đoạt bốn giải Cánh diều vàng tưởng nhưng khó có thể đọ sức nổi với Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu. Tuy nhiên, điều bất ngờ, ngay cả Hoàng Kim Giáp cũng "trượt vỏ chuối", không có mặt trong danh sách 9 phim năm đó.
Áo lụa Hà Đông - Oscar 2008
Tháng 10 năm 2007, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có quyết định chính thức giao Cục Điện ảnh gửi phim Áo lụa Hà Đông tham dự giải Oscar lần 80 tại Mỹ.
Đây là lần đầu tiên một hãng phim tư nhân (Hãng phim Phước Sang) có phim được chọn tham dự giải Oscar; và sau Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh dự Oscar 2006, một lần nữa đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar phim nước ngoài hay nhất là một bộ phim của đạo diễn Việt kiều - Lưu Huỳnh.
Trương Ngọc Ánh và diễn xuất tuyệt vời trong Áo lụa Hà Đông.
Sau giải phim được khán giả yêu thích nhất tại LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc), Áo lụa Hà Đông đã đoạt luôn 4 giải thưởng Cánh diều vàng 2006 của Hội điện ảnh Việt Nam dành cho phim hay nhất (cùng với phim Hà Nội, Hà Nội), đạo diễn xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất và quay phim xuất sắc nhất. Nhưng quan trọng hơn, bộ phim đã thật sự dành nhiều cảm tình của khán giả với những thước phim làm người xem xúc động.
Tuy nhiên, Áo lụa Hà Đông cũng chưa lọt qua vòng đề cử.
Đừng đốt - Oscar 2010
Đừng đốt là bộ phim truyện nhựa chuyển thể từ cuốn nhật ký của bác sỹ quân y Đặng Thùy Trâm, do Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh thực hiện, hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam sản xuất.
Đạt số điểm cao nhất 9,62 so với năm bộ phim Việt cùng “chạy đua” ứng thí tham dự Oscar lần thứ 82, Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh nghiễm nhiên dành vé đến Mỹ. Chiều ngày 1/10, Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ đã nhận được bản phim nhựa Đừng đốt.
Diễn viên Minh Hương vào vai bác sỹ Đặng Thùy Trâm.
Có tất cả 6 bộ phim được đưa ra để hội đồng tuyển chọn phim tham dự Oscar (do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch thành lập) chấm điểm. Có thể kể đến những cái tên như Đẹp từng centimet, Huyền thoại bất tử, Đừng đốt, Giải cứu thần chết... Trong đó, Đừng đốt nổi bật lên là phim xuất sắc nhất, với số điểm rất cao, 9,62 điểm. Đáp ứng được tất cả các tiêu chí đề ra, Đừng đốt đã trở thành đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar lần thứ 82 của Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ.
Cảnh trong phim Đừng đốt.
Mặc dù vậy, Đừng đốt cũng chưa gây được tiếng vang và không được lọt vào danh sách rút gọn.
Khát vọng Thăng Long - Oscar 2012
Cuối năm 2011, Hội đồng duyệt phim đã lựa chọn 3 bộ phim: Cánh đồng bất tận, Khát vọng Thăng Long và Long Thành cầm giả ca để bỏ phiếu, theo đó sẽ chọn ra bộ phim có số phiếu bình chọn nhiều nhất tham dự lễ trao giải Oscar lần thứ 84. Bộ phim Khát vọng Thăng Long đã nhận được số phiếu bầu nhiều hơn 2 phim còn lại.
Khát vọng Thăng Long vượt mặt phim Cánh đồng bất tận đến với Oscar.
Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được sản xuất nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ phim xoay quanh cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” của triều Lê và công sức dẹp yên thiên hạ, tìm đường về Thăng Long của Lý Công Uẩn. Bộ phim được đánh giá giàu chất liệu lịch sử, giàu chất liệu văn hóa truyền thống. Phim đã từng chiếu ra mắt khán giả Việt Nam vào cuối tháng 10/2010- sau khi lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội kết thúc.
Quách Ngọc Ngoan tham gia diễn xuất trong phim.
Rất tiếc, bộ phim cũng chưa thoát khỏi "số phận" chung với những tác phẩm điện ảnh của Việt Nam đã lên đường đến Oscar.
Mùi cỏ cháy - Oscar 2013
Mùi cỏ cháy là bộ phim được chọn đại diện cho điện ảnh Việt Nam tại Oscar 2013. Phim thỏa mãn các tiêu chí của Viện Hàn Lâm điện ảnh Mỹ đề ra cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, bao gồm được phát hành trong khoảng thời gian từ 1/10/2011 đến 30/9/2012 và được chiếu thương mại liên tục ít nhất một tuần ở nội địa.
Mùi cỏ cháy - bộ phim vẫn còn khá xa lạ với khán giả Việt.
Có đề tài lịch sử, chiến tranh và ca ngợi lòng quả cảm của những thanh niên trẻ Việt Nam, cộng với các thành tích trong nước, Mùa cỏ cháy nhận được sự thống nhất từ các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn. Đây là năm mà Việt Nam có phim được gửi đi tham dự sớm nhất, trước thời hạn đăng ký mà Viện Hàn Lâm quy định là 1/10. Tuy nhiên, phim cũng không lọt vào vòng trong.
Theo Khám Phá