"Không tước vương miện là tiếp tay cho cái xấu"

Thứ tư, 12/03/2014, 09:53
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, gương mặt quen thuộc giới phê bình VHNT nhận định.

Khi làm hồ sơ dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012, Diễm Hương (đoạt danh hiệu Hoa hậu Thế giới người Việt 2010) không khai báo việc mình đã kết hôn. Vi phạm này dẫn đến việc Diễm Hương bị cấm biểu diễn trên toàn quốc. Ý kiến của bà về chuyện này như thế nào?

Tất cả mọi người đều yêu quý cái đẹp nhưng ai cũng đều không yêu quý những cái đẹp dựa trên sự lừa đảo, dối trá. Diễm Hương không chỉ lừa dối người Việt mà còn lừa dối nước ngoài nữa. Như vậy, ở Việt Nam đã xuất hiện trường hợp người đẹp tham danh hiệu đến mức đạp lên tất cả mọi thứ về nguyên tắc.

PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái

Tôi cho rằng, việc tạm dừng cấp phép hoạt động trình diễn cho Diễm Hương là đúng, bởi vì không nên để người đã phạm quy tiếp tục trình diễn. Khi trình diễn, người xem lại bảo: “Ôi, kẻ nói dối kia kìa, kẻ lừa đảo kia kìa”. Thế thì còn ra thể thống gì nữa. Trong trường hợp này phải có thái độ rõ ràng, xử lý nghiêm minh và đúng quy chế. Nên nhớ Việt Nam không chỉ có một cuộc thi Hoa hậu đó mà còn có rất nhiều cuộc thi Hoa hậu sau này nữa, nên xử nghiêm để làm gương. Nếu ngay chuyện đầu tiên ấy mà cố tình giả dối thì làm sao xứng đáng đại diện cho nhan sắc Việt Nam trên đấu trường sắc đẹp trong nước và quốc tế được.

Từ khi sự việc xảy ra, Diễm Hương im lặng không nói một lời xin lỗi. Bà đánh giá thế nào về cách ứng xử của hoa hậu này?

Cách ứng xử này nằm trong chuỗi ứng xử thiếu trung thực ngay từ đầu. Tôi thử hỏi bạn, khi xảy ra việc tày đình như thế liệu bạn có cất lời lên xin lỗi được không? Rất khó nói rằng, tôi xin lỗi vì đã gian dối trong việc khai lý lịch của tôi. Vậy nên, bắt Diễm Hương phải xin lỗi thì rất khó cho cô ấy, nên cô ấy có thể chọn một thái độ tiêu cực là im lặng.

Bây giờ nói gì thì cũng vô nghĩa mà xin lỗi thì càng kinh khủng, bởi khó có thể nhận một lỗi tày đình như thế. Vì vậy, chúng ta cũng nên thông cảm và lượng thứ cho cô ấy, khi không cất lên nổi lời xin lỗi.

Hoa hậu Lưu Thị Diễm Hương

Nhiều ý kiến cho rằng, trước việc dối trá như vậy Diễm Hương nên bị tước vương miện Hoa hậu, bà có ủng hộ quan điểm này?

Nên tước danh hiệu Hoa hậu của cô ấy, bởi vì người nước ngoài họ sẽ nghĩ sao khi kỷ cương thi Hoa hậu của Việt Nam bị buông tuồng, “qua mặt” dễ dàng như vậy mà không bị phát hiện. Nếu không tước vương miện, công chúng các cuộc thi hoa Hậu quốc tế sẽ thấy rằng, Việt Nam dung túng cho những hành động sai trái.

Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu Diễm Hương là người sĩ diện, coi trọng chính mình thì hãy xin được trả lại vương miện để làm gương cho người khác. Đấy là cử chỉ sang trọng, đáng giá nhất mà cô ấy có thể làm vào lúc này.

Cảm ơn bà!

"Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền cấp phép cuộc thi Hoa hậu thuộc Bộ VH, TT&DL. Đối với cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010, Cục  Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) sẽ trao đổi với các cơ quan có liên quan như Thanh tra Bộ và có báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, cho ý kiến. Sau khi Bộ có ý kiến xử lý, Cục NTBD sẽ có văn bản đề nghị đơn vị tổ chức cuộc thi xử lý theo quy định của pháp luật và Đề án tổ chức cuộc thi đã trình Bộ VH, TT&DL. Còn về thời hạn tạm dừng cấp phép tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Diễm Hương, Cục NTBD sẽ làm việc với Thanh tra của Bộ để quyết định”.

Ông Lê Minh Tuấn

Phó Trưởng phòng Quản lý biểu diễn và Băng đĩa, Cục Nghệ thuật biểu diễn

"Việc Hoa hậu Diễm Hương lừa dối tình trạng hôn nhân khi đăng ký hồ sơ tham dự Hoa hậu Hoàn vũ cũng xuất phát từ háo danh nên dẫn đến lừa dối. Theo tôi thì việc tước danh hiệu là chuyện bình thường, bởi từ trước tới nay đã có nhiều trường hợp như vậy trên thế giới rồi”.

TS. Trịnh Hòa Bình

Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học)


Theo GTVT

Các tin cũ hơn