Ngán ngẩm “Chợ” trên sóng truyền hình

Thứ tư, 14/05/2014, 14:46
Nhìn lại những “ồn ào” trên truyền hình thực tế tại Việt Nam trong những năm qua, dễ thấy rằng, những chương trình “sạch” chỉ đếm trên đầu ngón tay, thay vào đó là những cái “chợ” với đủ mọi thói tật, hành vi...

Nhiều nhưng không chất

Có thể nói, chưa bao giờ trên các kênh truyền hình ở nước ta lại rộ lên nhiều chương trình giải trí như hiện nay. Tần suất của những chương trình này dồn dập đến mức, công chúng đôi khi còn lúng túng vì không biết nên chọn kênh nào hay xem chương trình giải trí nào. Tuy số lượng nhiều như thế nhưng đáng tiếc là rất ít chương trình thực sự có chất lượng. Đa số các “sân chơi” chỉ hấp dẫn lúc quảng bá hay trong màn khởi đầu, còn sau đó để lại cho người xem một cảm giác nghèo nàn, nhạt nhẽo.

Có một thực tế, trong các chương trình giải trí đó, truyền hình thực tế đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong “thực đơn” giải trí của công chúng Việt.

Từ khi du nhập vào Việt Nam khoảng 6 năm trước đây, “những làn sóng ngoại lai” này đã tạo được những dấu ấn nhất định và chiếm một chỗ đứng đáng kể trong lòng công chúng. Nhìn lại người ta sẽ phải giật mình vì nếu như 6 năm trước mới chỉ có 1 chương trình truyền hình thực tế lên sóng thì đến nay, số lượng các chương trình truyền hình thực tế lớn và nhỏ đã có đến gần 20 chương trình. Đây là một con số đáng kinh ngạc cho thấy sự phát triển với tốc độ quá nhanh của truyền hình thực tế tại Việt Nam.

gameshow

Các gameshow mang tính thực tế trên truyền hình đang ngày càng mất điểm trong mắt công chúng

Không chỉ tăng về số lượng mà các chương trình còn phong phú hơn về thể loại, từ âm nhạc cho đến thời trang, điện ảnh, người mẫu, mạo hiểm… tất cả đều có đủ.

Bên cạnh các chương trình đã có thâm niên như: “Vietnam’s Next Top Model”; “Vietnam Idol”; “Vietnam’s Got Talent”... là những cái tên mới như: “Giọng hát Việt nhí” (The Voice Kids); “Tôi là người chiến thắng” (The Winner Is); “Người giấu mặt” (Big Brother); “Nhân tố bí ẩn” (X-Factor)... Một số lĩnh vực như thời trang, âm nhạc lại có đến 3-4 “sân chơi” với tần suất khá dày đặc. Thậm chí, ngay chính chương trình đó vừa kết thúc đã lại có một mùa sau nối gót. Tuy nhiên, sự phát triển như “vũ bão” này lại kéo theo khá nhiều điều tiếng, vô hình trung khiến công chúng ngán ngẩm và có một số bộ phận khán giả quay lưng hẳn với truyền hình thực tế.

Chẳng kể đâu xa, chỉ ngay trong các chương trình tìm kiếm tài năng về âm nhạc trong những năm gần đây cũng đủ loại ầm ĩ: Kết quả của “The Voice” mùa thứ 2 gây nhiều tranh cãi vì cho rằng người đăng quang (Thí sinh Vũ Thảo My) chưa thực sự xứng đáng; Sự lên ngôi của quán quân “Vietnam Idol” 2012 (Ya Suy) hay “Vietnam’s Got Talent” mùa thứ 2 (Trần Hữu Kiên) đều là những chiến thắng chưa thực sự thuyết phục… Điều đó cũng dễ hiểu bởi những tài năng đó chưa thực sự chín và với tần suất dày đặc các chương trình tìm kiếm tài năng, thi thố giọng hát như thế thì lấy đâu ra nhiều giọng ca vàng thế?!

Một minh chứng rõ ràng nữa là chương trình tìm kiếm người mẫu Việt Nam - “Vietnam’s Next Top Model”, một cuộc thi quy mô nhất dành cho nghề người mẫu nên rất được các bạn trẻ gửi gắm hy vọng. Những năm đầu tiên chương trình “hot” và “hoành tráng” nhờ có sự dẫn dắt của siêu mẫu Hà Anh, Xuân Lan nhưng càng về sau càng trở nên mờ nhạt so với mùa đầu.

Tính đến nay đã qua 3 mùa phát sóng với sự đăng quang của những cái tên như Huyền Trang, Tuyết Lan, Hoàng Thùy và mùa 4 đang tiến vào chung kết. Thế nhưng, dường như “Vietnam’s Next Top Model” đang giảm dần sức nóng và không còn mấy khán giả chịu ngồi nhà theo dõi sát sao từng tập, từng thử thách của thí sinh như mùa đầu tiên.

Không phải bỗng nhiên khán giả lại quay lưng lại với truyền hình thực tế bởi cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Sự thừa thãi của truyền hình thực tế, cũng như các món ăn, khi ăn quá nhiều sẽ thành bội thực. Và khán giả đã không còn háo hức khi các chương trình cứ lần lượt lên sóng suốt tuần, suốt tháng, suốt năm. Khi “món ăn” đã nhạt thì ban tổ chức lại “thêm mắm thêm muối” bằng những chiêu PR tên tuổi cho nghệ sĩ, những scandal chẳng giống ai hay những màn tung hứng đánh lạc hướng khán giả... Tất cả tạo nên một hương vị thập cẩm vô cùng khó nuốt.

Thay máu bằng chiêu trò

Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Thụy Kha khẳng định rằng, truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng như những cuộc đánh bạc “được ăn cả ngã về không” bởi những “sân chơi” may mắn “vớ” được tài năng thì ít mà phần nhiều chỉ là sự lên ngôi của những tài năng được PR quá mức với những màn tranh đấu nhạt nhòa. Để kéo khán giả ngồi trước màn hình, nhà sản xuất liên tục lặp lại và các chiêu trò cũ được tái sử dụng từ lần này sang lần khác, thế nên dù chương trình có “thay máu” thì cũng chẳng khá hơn là bao.

Minh chứng là thời gian trước trong chương trình “Người giấu mặt”, 2 thí sinh Quỳnh Trang và Trinh Lương đã không ngại khỏa thân đến 90% để mong muốn giảm trọng lượng một cách tốt nhất. Có thể việc cởi đồ gây sốc kia là một phút ngẫu hứng của thí sinh, cũng có thể là sự dàn dựng của chương trình nhằm thu hút người xem để phá đi sự lặng lẽ vốn có trước đó.

Nhưng dù thí sinh cố tình “phơi ngực” để kiểm tra cân nặng, hay ê-kíp sản xuất chủ định dàn dựng kịch bản thì đây cũng là hành động coi thường khán giả và làm mất hình ảnh của một show truyền hình thực tế mới ra mắt. Như vậy thì còn khán giả nào có thể đủ kiên nhẫn để ngồi xem một chương trình coi thường chính đối tượng phục vụ của nó?

Rồi ngay như “sân chơi” đình đám “The Voice - Giọng hát Việt”, đối thủ “nặng ký” của nhiều chương trình trong cùng thời điểm. Dù ban giám khảo đã được thay mới nhưng “Giọng hát Việt” 2013 vẫn lu mờ trước chính thành công của mùa đầu và không đủ níu chân người xem. Cũng có những ồn ào, những tranh cãi song chẳng đi đến đâu. Cho đến tận đêm chung kết vừa diễn ra, nhiều khán giả vẫn còn lờ mờ về các gương mặt Top 4 và tên của quán quân. Nhiều ý kiến còn nhận định rằng, chẳng mấy mà chương trình sẽ bị “đè bẹp” và “chết yểu”.

Chuyên gia tổ chức sự kiện Thế Hiển cho biết: “Đa số các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đều dùng chung 1 chiêu để hút khách đó là quy tụ các sao của showbiz Việt. Nhưng chính việc hội tụ toàn các sao khiến cho truyền hình thực tế trở thành nhàm bởi quanh đi quẩn lại toàn những gương mặt quen thuộc”.

Dễ thấy là khán giả vừa “gặp” Trấn Thành và Đoan Trang đoạt giải Nhất trong “Cặp đôi hoàn hảo” 2011, ngay sau đó đã thấy Trấn Thành trở thành MC của “Cặp đôi hoàn hảo” mùa 2013, còn Đoan Trang xuất hiện trong vai trò MC của “Bước nhảy Hoàn vũ”; Quách Ngọc Ngoan và Ngọc Anh vừa khiến dư luận xôn xao về nụ hôn nồng cháy trong “Cặp đôi hoàn hảo” 2012 thì ngay sau đó Quách Ngọc Ngoan đã xuất hiện ở sân chơi “Bước nhảy Hoàn vũ”; Ông hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng vừa là thí sinh của “Cặp đôi hoàn hảo”, quay đi quay lại đã trở thành giám khảo của cuộc thi đình đám “The Voice”.

Chưa kể nhiều thí sinh cứ liên tục “nhảy cóc” hết từ các chương trình game show này đến các cuộc thi kia... Từng đấy gương mặt với từng đấy chiêu trò diễn ra lặp đi lặp lại từ chương trình này sang chương trình khác khiến khán giả cảm thấy sóng truyền hình như những cái chợ với đủ mọi điều tiếng, cãi vã… Và những scandal đó có thể do cố tình hoặc vô tình nhưng đều mang đến ấn tượng không tốt cho khán giả.

Vẫn biết trong kinh doanh, nhà sản xuất tất yếu phải tính đến yếu tố lợi nhuận, vì không ai có thời gian và tiền bạc chỉ để thực hiện một chương trình cho vui rồi sau đó bù lỗ; Nhưng có lẽ đã đến lúc các nhà sản xuất và nhà đài nên mạnh dạn “khai tử” hoặc giãn tần suất xuất hiện các chương trình mang tính “thực tế” để điệp khúc show truyền hình Việt ngày càng nhạt nhẽo không còn tồn tại nữa.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn