Xuân Bắc: “Chưa ai trả đủ nhiều tiền để tôi diễn tại các bữa tiệc”

Thứ năm, 22/05/2014, 14:15
Là nghệ sỹ được các em nhỏ yêu thích, luôn mang tiếng cười đến cho khán giả bởi phong cách dẫn chuyện hóm hỉnh, có duyên, chuyên mặc áo chim cò, hoa hoét nhưng Xuân Bắc lại nhận mình là người “cực khó tính” trong công việc.

Đến hẹn lại lên, dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay nhóm hài Xuân Bắc - Tự Long lại tái xuất với vở kịch “Bí mật chuyện kể phần 2- Âm mưu Đại Ma Vương” và hứa hẹn chương trình sẽ khác lạ hẳn so với năm ngoái. Anh có thể chia sẻ về sự mới lạ của chương trình dành cho thiếu nhi này?

Nếu như mùa hè năm trước, khán giả nhí được xem phần 1 của Bí mật chuyện kể và biết rằng đó là giấc mơ của một học sinh hư có tên là Xuân Bắc. Cậu học sinh được mẹ chiều nên rất nghịch và bướng bỉnh. Một lần vì giận dỗi mẹ, cậu bỏ đi và chẳng may lọt vào hang ổ bọn quỷ. Vì muốn cứu cậu, mẹ cậu đã bị Đại Ma Vương- do Tự Long thủ vai bắt… Thương mẹ, căm hận bọn Ma Vương và lúc ân hận thì đã quá muộn. Cậu học sinh tỉnh dậy, biết rằng đó chỉ là giấc mơ thì rất vui sướng, từ đó nguyện chăm ngoan, vâng lời mẹ.

Khi đó, không ít em nhỏ đã thắc mắc, liệu giấc mơ kia có thành hiện thực. Và ở Bí mật chuyện kể phần 2, giấc mơ của cậu bé hư đã thành điềm báo. Chỉ có cụ già trong làng mới biết cậu có thể cứu giúp dân làng. Bởi vì trong giấc mơ của cậu, Ma Vương đã trở lại cùng những âm mưu đen tối, những mục đích xấu xa, đe dọa đến cuộc sống bình yên…Ngoài nội dung đó, chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng những em nhỏ được lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ, được mẹ kể những câu chuyện cổ tích thì tâm hồn được phát triển toàn diện. Kẻ ác như phe phái Đại Ma Vương cũng bởi vì không được sống trong tình yêu thương…

Nghệ sỹ Xuân Bắc được các em nhỏ rất yêu thích

Nghệ sỹ Xuân Bắc được các em nhỏ rất yêu thích

Tại sao trong hầu hết các vở kịch, anh luôn vào vai người tốt còn Tự Long chuyên trị vào vai kẻ ác? Đây là sự phân vai một cách tình cờ, hợp lý hay bởi vì anh muốn xây dựng “hình ảnh mẫu mực” trong mắt khán giả nhí?

Vở diễn là do tôi lên ý tưởng, đạo diễn cũng là tôi nên quyền phân vai thuộc về đạo diễn. Và tôi chọn luôn… vai người tốt! (Cười)

Tôi vẫn thường nói là tôi vào vai Đại Ma Vương không hay, không dễ thương như Tự Long được. Còn Tự Long đùa bảo: “Mày cứ vào vai người tốt đi, chỉ có tao mới biết ở ngoài mày đểu như thế nào”.

Thực ra việc phân vai cũng là phù hợp với vai nào thì đóng vai đó thôi. Hơn nữa Tự Long cũng “nhường” tôi, không để giám khảo chương trình Đồ Rê Mí như tôi đóng vai ma quỷ.

Anh nghĩ sao, trong khi không ít phụ huynh dị ứng không muốn con em mình tiếp xúc nhiều với siêu nhân, súng, kiếm… thì hầu hết các vở kịch cho thiếu nhi của nhóm Xuân Bắc- Tự Long lại có những thứ đó?

Gắn bó với các em nhỏ nhiều năm nên tôi hiểu các em như hiểu chính bản thân mình. Nói đến trẻ em thì ước mơ trở thành người lớn, trở thành siêu nhân để bảo vệ người khác, bảo vệ thế giới luôn tồn tại trong mỗi bé, dù là bé trai hay bé gái. Bé gái thì muốn xinh đẹp như công chúa, còn bé trai thì muốn mạnh khỏe như siêu nhân…

Tôi không đồng quan điểm với ý kiến không cho trẻ con tiếp cận đồ chơi, súng kiếm. Không phải tôi là người không thấy phản cảm trước bạo lực. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, thay vì ngăn cản, né tránh thì hãy nhìn thẳng, dạy dỗ các em những vật dụng đó chỉ nên dùng trong trường hợp nào. Súng, kiếm chỉ phản cảm khi các em dùng để đánh nhau nhưng nó lại là thứ để chiến đấu, bảo vệ kẻ yếu và lẽ phải. Nếu cất tất cả, siêu nhân, súng kiếm đồ chơi…đi, chẳng lẽ để các bé trai chơi búp bê và các trò nấu ăn?

Không phải ngẫu nhiên khi có thông tin chiến sĩ cảnh sát bị đánh đập mà mọi người dân xung quanh chỉ biết đứng nhìn. Hay hàng ngày, chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến hoặc nghe những câu chuyện về sự vô cảm đau lòng…

Nghệ sỹ Xuân Bắc được các em nhỏ rất yêu thích

Nghệ sỹ Xuân Bắc được các em nhỏ rất yêu thích

Tạo hình nhân vật của Xuân Bắc (trên), Thành Trung (trái) và Tự Long trong vở
"Bí mật chuyện kể phần 1"

Trẻ con giờ khôn và biết nhiều chuyện. Là những nghệ sỹ thường xuyên gắn bó và diễn cho các em nhỏ, có khi nào các anh bị “đứng hình” trước phản ứng hay tình huống phát sinh từ các khán giả nhí của mình?

Nghệ sỹ chúng tôi giỏi ứng biến lắm! Chúng tôi lên kịch bản bao giờ cũng logic và lường trước các tình huống phát sinh nên phần lớn kiểm soát chương trình tốt. Nhưng tất nhiên, đi diễn nhiều năm, chúng tôi cũng từng trải qua nhiều tình huống phát sinh cười chảy nước mắt.

Một lần, Đại Ma Vương HuLa (viết tắt từ Hư Lắm) đang trổ tài khoe khoang mình có thể kêu mưa gọi sấm sét thì ở dưới có tiếng vọng lên “Gọi sấm sét đi, gọi đi xem có làm được thật không.” Đã chuẩn bị trước nên nhân viên kỹ thuật “bật” sấm sét đì đùng, tuy nhiên có em vẫn nhao nhao “Đấy là sấm sét giả, phát ra từ loa đây này”. Trong hoàn cảnh này, Tự Long đành hét: “Ở trong phòng này thì chỉ có sấm sét đó thôi, muốn sấm sét thật thì…ra ngoài chờ mưa!”

Một lần diễn khác, khi Đại Ma Vương Tự Long nói: “Ai học dốt, không chịu đánh răng, ăn nhiều, béo phì thì hãy lên đây làm đệ tử của ta”. Không ngờ có một cậu to béo chạy lên sân khấu đòi làm đệ tử thật. Đuổi khéo mà cậu cũng không chịu xuống, cứ khăng khăng đòi làm đệ tử Đại Ma Vương. Lúc này, Tự Long không biết xử trí thế nào, mà thời gian dùng dằng mất gần 10 phút rồi. Tự Long nhấm nháy với tôi khi đó đang ở trong cánh gà: “Làm thế nào bây giờ?”. Tôi mới bảo, phải thử thách khó khăn. Thế là Tự Long ứng biến luôn: “Ta quên chưa nói hết, muốn làm đệ tử của ta thì phải vượt qua được thử thách khó khăn. Hãy ăn hết một bát phân bò thì ta nhận làm đệ tử”. Thế là cậu kia bịt miệng, ba chân bốn cẳng chạy xuống ngay…

Diễn cho các em nhiều lúc diễn viên cũng không nhịn được cười. Có lần chúng tôi còn trêu, muốn làm đệ tử thì phải có nốt ruồi…ở mông. Thế là các em thi nhau kiểm tra rồi nhao nhao: “Cháu không có!”

Xuân Bắc (trái) hoạt náo khi làm giám khảo Đồ Rê Mí 2014

Xuân Bắc (trái) hoạt náo khi làm giám khảo Đồ Rê Mí 2014

Mấy năm nay, các vở diễn dành cho thiếu nhi của Xuân Bắc- Tự Long cũng chỉ quanh quẩn có thêm diễn viên hài Thành Trung, Thảo Béo, Thùy Hương…và những vai diễn phụ. Sao anh không “đổi gia vị” bằng cách mời thêm các nghệ sỹ hài khác như Vân Dung, Công Lý?

Nói thật, tôi có thể mời luôn “dàn Táo Quân” vào đóng các vở kịch. Tuy nhiên, đây là chương trình thiếu nhi, mang ý nghĩa khác, tôi chỉ đơn giản là vở diễn dành cho các nghệ sỹ gắn bó, chuyên diễn cho thiếu nhi thôi. Cũng có người hỏi, sao tôi không mời các em đoạt giải ở chương trình Đồ Rê Mí biểu diễn trong các chương trình của mình? Tôi bảo, nếu là chương trình tạp kỹ, hay ca múa nhạc tôi sẽ mời còn đây là vở kịch. Hơn nữa, nếu mời các em đoạt giải thì không thể để các em xuất hiện chớp nhoáng,  cũng phải để các em hát vài bài, mà sự xuất hiện của các em lại làm mất đi đất diễn của nhiều em nhỏ khác…

Luôn hoạt náo, gây cười, có vẻ dễ tính trên sân khấu nhưng nghe nói ngoài đời anh là người khá khắt khe và khó tính?

Đúng, tôi là người rất khó tính và có nguyên tắc riêng nhưng đó là khó tính và nguyên tắc trong công việc. Ví dụ, tôi không bao giờ nhận lời mời diễn tại các nhà thi đấu dù cát- sê cao vì ở đó điều kiện âm thanh, ánh sáng không tốt, làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình. Diễn ở không gian ngoài trời tôi cũng yêu cầu nhà tổ chức thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng sao cho đạt hiệu quả tốt nhất cho chương trình. Tôi cũng không bao giờ diễn khi khán giả đang ăn uống. Nếu trả cát – sê “khủng” ư? (Cười) Cho đến giờ vẫn chưa có ai trả đủ nhiều tiền để tôi diễn tại các bữa tiệc.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích