Để trở thành Hoa hậu, rất cần một cái duyên. Có người đẹp thi thố rất nhiều, nhưng chỉ trở thành Á hậu, sau đó lại được đi thi quốc tế vì quá đẹp. Có người may mắn "trúng" giải phụ là Hoa hậu Biển, sau đó mãi mãi được gọi là Hoa hậu, danh xưng "lậm" cả vào chuyện cô này trở thành thương gia bán hải sản.
Trớ trêu hơn cả, có trường hợp hộc tốc sắm váy đi thi Hoa hậu, đánh bại hàng trăm cô gái để được đội vương miện, nhưng cuối cùng phải xin trả lại vì thấy... làm hoa hậu mệt quá!
Cả 3 trường hợp kể trên đều từng góp mặt trong một cuộc thi nhan sắc rất nhỏ nhưng có độ bành trướng về scandal không thua bất cứ cuộc "đại chiến nhan sắc" cỡ lớn nào.
Nói là cuộc thi nhan sắc cỡ nhỏ không phải dựa trên đánh giá chủ quan, trong cuộc khảo sát ngẫu nhiên 100 khán giả với câu hỏi Kể tên 3 Hoa hậu từng đăng quang cuộc thi này, chỉ có 3 người trả lời chính xác, trong khi có tới 57 người không trả lời được tên của Hoa hậu nào. Vậy thì rõ ràng, những người đẹp nhờ cơ duyên bỗng dưng trở thành Hoa hậu, họ có quyền chẳng thiết tha với danh xưng của mình, và công chúng cũng chẳng cần biết họ là ai. Bởi đơn giản, vì đã trót tổ chức vô vàn cuộc thi, nghiễm nhiên phải có muôn vàn danh hiệu hoa hậu, người đẹp.
Ra ngõ gặp Hoa hậu
Venezuela được mệnh danh là cường quốc nhan sắc, vì đất nước này có quá nhiều Hoa hậu nổi tiếng trên toàn thế giới. Tính đến nay, Venezuela có 7 Hoa hậu Hoàn vũ, 6 lần đem về chiếc vương miện Hoa hậu Thế giới và 6 lần đăng quang Hoa hậu Quốc tế.
Tại cường quốc sắc đẹp Venezuela, có rất nhiều "lò" đào tạo Hoa hậu chuyên nghiệp. Các cô gái từ 12, 13 tuổi đã đặt mục tiêu cho mình trở thành một nữ hoàng nhan sắc và được cha mẹ gửi đến những nơi huấn luyện này. Mục tiêu của họ là vươn ra thị trường quốc tế, không những thay đổi cuộc đời mình mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè khắp năm châu. Danh hiệu "cường quốc sắc đẹp" chẳng phải là một điều rất đáng tự hào mỗi khi ai đó nhắc đến Venezuela đó sao.
Cường quốc hoa hậu - nơi người ta bắt gặp hoa khôi, người đẹp ở khắp nơi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam số lượng người trở thành Hoa hậu không hề thua kém Venezuela. Nếu như các cô gái ở Mỹ Latinh này thường thi hoa hậu cấp bang trước khi đến với cấp quốc gia, thì Việt Nam ta cũng chẳng kém cạnh. Nào là Hoa khôi xứ Lạng, Hoa hậu miền đất võ, Hoa khôi Hải Dương, Hoa khôi Đồng bằng Sông Cửu Long, Người đẹp miền sơn cước...
Đó mới chỉ là vòng cấp tỉnh, cấp khu vực, còn cấp trung ương, các cô gái Việt Nam tuổi từ 18 đến 26, cao trên 1m65 là sẽ có muôn vàn cơ hội so tài tại các cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia. Thật khó để có thể có một cuộc liệt kê chính xác đến nay có bao nhiêu cuộc thi cỡ lớn đang được tổ chức, bao nhiêu cuộc thi sẽ còn tiếp tục và cuộc thi nào chỉ tổ chức một lần rồi thôi?
Điểm khác biệt dễ thấy giữa hai "cường quốc" hoa hậu này là: Venezuela luôn thi hoa hậu hàng năm phục vụ cho mục tiêu thi quốc tế. Còn Việt Nam luôn thi nhiều cuộc thi giống nhau với tiêu chí khác nhau. Cá biệt: cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là cuộc thi uy tín và chuyên nghiệp nhưng chỉ thi có... mỗi một lần!
Khi Hoa hậu... chạy loạn
Thi hoa hậu là tấm vé thông hành nhanh nhất để các cô gái có chút nhan sắc dễ bề "tấn công" showbiz. Tiêu biểu nhất chính là trường hợp của Hoa hậu Nam Mê Kông 2009 - người sau đó bị gắn danh xưng "tú bà" và phải ra hầu tòa vì hành vi làm môi giới mại dâm gây chấn động làng giải trí Việt.
Nhưng trường hợp Hoa hậu "tú bà" kể trên chỉ chiếm số nhỏ, rất nhiều người đẹp thậm chí không đăng quang Hoa hậu nhưng sau đó nhờ sự nỗ lực, vươn lên không ngừng nghỉ nên đã đạt được những vị trí nhất định. Đại đa số các cô đều trở thành những nữ doanh nhân thành đạt, thành thạo nhiều ngôn ngữ và được đặt chân đến khắp nơi trên thế giới.
Hành trình gian nan của một Hoa hậu chỉ được chứng thực kể từ sau khi người đó đăng quang, còn thời khắc tỏa sáng trên sân khấu mới chỉ là sự khởi đầu. Dù rằng nhà tổ chức bao giờ cũng muốn tìm một cô gái hội tụ tài năng - nhan sắc, nhưng lẽ thường, rất hiếm cô hoàn thiện về nhan sắc mà sau khi đăng quang bao giờ cũng bị dư luận ít nhiều "dằn mặt".
Tiêu biểu gần đây nhất là trường hợp của Hoa hậu Diễm Hương và vụ scandal đã có chồng vẫn "lén lút" dự thi Hoa hậu Hoàn vũ. Diễm Hương rơi vào tâm bão cuộc đời với biết bao mệt mỏi, muộn phiền đến nỗi người ta ép cô phải trả lại vương miện. Dẫu vậy, cũng như nhiều người đẹp khác, "cơn bão" rồi cũng sẽ tan, người đời luôn dang tay đón chào kẻ "chạy lại" - nhất là khi họ lại là một bậc nhan sắc lẫy lừng.
Ngược đời chuyện khổ vì... vương miện!
Thùy Dung từng vướng scandal chưa tốt nghiệp THPT, Ngọc Hân từ chối dự Miss World để tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long nhưng lại đến trễ, Mai Phương Thúy dính sự cố mặc áo dài... trong suốt, Hoàng Yến bị tai nạn xe hơi và dính tin đồn "đập đá"... Rõ ràng, làm "biểu tượng nhan sắc" thì luôn bị soi nhất cử nhất động, trong khi các người đẹp không phải lúc nào cũng ăn mặc lộng lẫy như tạo dáng trên thảm đỏ. Nhưng cũng chính nhờ những sự cố đáng tiếc đó mà họ lại càng được săn đón nhiều hơn ở những sự kiện được trả giá lên đến hàng ngàn đô.
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp tuyên bố trả lại danh hiệu. Á hậu Hoàng My là một ví dụ, cô muốn được thể hiện cá tính của bản thân, muốn được nổi loạn và thể hiện tình yêu với điện ảnh, thế nên nàng Á hậu đã cắt phăng mái tóc của mình thay vì một hình ảnh Hoàng My tóc dài, đoan trang và nữ tính.
Mới đây nhất, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà tiết lộ chuyện từng viết đơn xin trả lại chiếc vương miện cho BTC vì cảm thấy quá mệt mỏi với công việc của một đương kim hoa hậu. Cũng chính từ đây, biết bao câu chuyện xấu xí nơi hậu trường bị chính những người trong cuộc phanh phui. Như việc Triệu Thị Hà bị bắt đi tiếp khách lúc nửa đêm, hay trưởng BTC cũng cáo buộc cô đi chơi thâu đêm với cháu của bà này.
Đánh "nhầm" chuông nơi xứ người
Mặc dù đạt được một số thành tích khá cao tại HH Hoàn vũ và HH Thế giới, nhưng các người đẹp Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy và Thùy Lâm đều là những người danh chính ngôn thuận đi thi. Họ là Hoa hậu của cuộc thi quy mô cấp quốc gia có danh hiệu tương xứng với tính chất quốc tế của Miss World và Miss Universe.
Trong những lần đi thi chỉ để "giao lưu", có một thực tế là mặc dù có quá nhiều hoa hậu nhưng rất ít người đẹp đủ trình độ và khả năng để đại diện cho Việt Nam trên trường quốc tế. Vì bản thân những cô gái này không nhắm đến mục tiêu to lớn ấy, nên họ bỏ qua chuyện rèn luyện ngoại ngữ, tập thể hình, trình diễn catwalk... chưa nói đến việc học kỹ năng giao tiếp, trả lời ứng xử và làm duyên với ống kính...
Phải chăng cũng vì có quá nhiều hoa hậu trong nước với vô vàn danh xưng, nên điều này vô tình trở thành rào cản với... chính chúng ta! Cơ quan chức năng lúng túng trong việc thu hồi hay xử phạt các Hoa hậu, đơn vị nắm giữ bản quyền rơi vào thế bí khi tìm đại diện, còn khán giả luôn đóng vai trò người cổ vũ để rồi lại thất vọng mỗi khi xem trực tiếp một đêm chung kết quốc tế mà đại diện Việt Nam bị loại ngay từ vòng đầu.
Hoa khôi Thể thao Việt Nam có thể trở thành Miss World?
Trong số 12 người đẹp Việt từng tham dự Miss World, họ có xuất phát điểm từ 8 cuộc thi trong nước khác nhau. Khó hiểu nhất là trường hợp của Á hậu Thiên Lý - người vừa tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nhưng được cử đi thi Hoa hậu Thế giới, đây vốn dĩ là hai cuộc thi hoàn toàn đối chọi lẫn nhau nên việc Thiên Lý ra về trắng tay không có gì khó hiểu.
Năm ngoái, vì quá "bí" người đẹp nên việc tìm kiếm các đại diện đều là theo hình thức ngỏ lời mời. Trương Thị May đăng quang Á hậu Các dân tộc Việt Nam từ năm 2007, 7 năm sau cô mới đi thi Miss Universe. Còn Lại Hương Thảo chỉ là Hoa khôi Thể thao nhưng lại được chọn thi Miss World, một danh hiệu rất nhỏ bị thúc ép ra biển lớn nhan sắc chỉ vì quá thiếu người đẹp.
Thế thì, Trương Thị May hay Lại Hương Thảo có đẹp tới cỡ nào chăng nữa, chuyện danh xưng quốc gia của họ cũng cho thấy độ thiếu chuyên nghiệp, có vẻ chẳng mặn mà gì lắm với cuộc thi có tính chất toàn cầu như Miss Universe và Miss World. Các hoa hậu Việt Nam luôn "làm nền" cổ vũ cho Hoa hậu láng giềng Philippines là hậu quả tất yếu của việc họ không được đào tạo bài bản mà chỉ ngẫu hứng đi thi cho vui, thi để lấp chỗ trống mà thôi.
Dân tộc H"mông thi Hoa hậu Đại dương? Câu trả lời dĩ nhiên là "có thể", chỉ cần là nữ công dân Việt Nam, đáp ứng đủ tiêu chí chung về độ tuổi, trình độ văn hoá, đạo đức, chiều cao, chưa lấy chồng, chưa phẫu thuật thẩm mỹ là một cô gái có thể mặc sức thi vô vàn các cuộc thi Hoa hậu kể tên dưới đây: - Sống tại Mỹ nhưng có quốc tịch Việt Nam, cô ấy có thể bay về Việt Nam để thi Hoa hậu Việt Nam 2014. - Sống tại Việt Nam và chưa từng đi ra nước ngoài, cô ấy được phép thi Hoa hậu Thế giới Người Việt. - Là người dân tộc Kinh vẫn có thể đội vương miện Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam. - Là người dân tộc H"mông, chưa bao giờ nhìn thấy biển vẫn có thể trở thành Hoa hậu Đại dương Việt Nam. - Chẳng bao giờ đi du lịch vẫn có thể trở thành Hoa hậu Du lịch Việt Nam. - Thường xuyên đi du lịch nhưng lại đăng quang Hoa khôi Thể thao Việt Nam. - Thường xuyên đi du lịch, tập thể thao hàng ngày và chờ đợi để đi thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam... Bởi vì tất cả các cuộc thi nói trên không có gì khác nhau về cách thức tổ chức, đều bao gồm trang phục áo tắm, trang phục dạ hội và phần thi ứng xử. Thứ duy nhất khác biệt là tên gọi của cuộc thi, thế nên Việt Nam có thể là đất nước của hoa hậu, là cường quốc sắc đẹp vì có quá nhiều cô gái trở thành Hoa hậu, nhiều đến nỗi khán giả thậm chí không kịp nhớ mặt, gọi tên từng người. |
Theo Khám Phá