Những "bất công" của điện ảnh Việt

Thứ ba, 03/06/2014, 09:35
Đoàn làm phim Những người viết huyền thoại đã phải trích một số tiền không nhỏ trong kinh phí làm phim được cấp để nuôi hãng phim truyện Việt Nam. Đây chỉ là một trong số những điều khó hiểu đang hiển nhiên tồn tại trong nền điện ảnh Việt

Đoàn làm phim Những người viết huyền thoại đã phải trích một số tiền không nhỏ trong kinh phí làm phim được cấp để nuôi hãng phim truyện Việt Nam. Đây chỉ là một trong số những điều khó hiểu đang hiển nhiên tồn tại trong nền điện ảnh Việt

"Hội chứng phân biệt đối xử"

Ngay trong cái chạm tay đầu tiên với điện ảnh, Ninh Dương Lan Ngọc đã thành công rực rỡ. Với vai Nương trong Cánh động bất tận, cô sinh viên của trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM ngay lập tức được khán giả yêu thích còn giới chuyên môn tung hê. Vai Nương còn giúp cô nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại giải Cánh diều vàng - giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh Việt.

 - 1

Ninh Dương Lan Ngọc tỏa sáng với vai Nương trong Cánh đồng bất tận

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, bộ phim đem lại cho Ninh Dương Lan Ngọc không ít vinh quang ấy lại đẩy cô vào một khoảng thời gian đen tối. Cô nói rằng, khoảng thời gian ấy, cô giống như người bị mắc bệnh tâm thần nhẹ hoặc tự kỷ.

Theo chia sẻ của Ninh Dương Lan Ngọc trên truyền thông, trong hơn 2 tháng quay Cánh đồng bất tận, cô bị quát mắng liên miên, thậm chí còn bị ghẻ lạnh. Vì vậy, cô gần như mất ăn mất ngủ trong suốt khoảng thời gian đó.

 - 2

Dù đóng vai chính trong Cánh đồng bất tận nhưng Ninh Dương Lan Ngọc cho hay, trong suốt quá trình làm phim, cô bị ghẻ lạnh

Tiếp đến, trong suốt quá trình quảng bá phim, Ninh Dương Lan Ngọc gần như không được nhắc tới. Khi bộ phim sang tham dự Liên hoan phim Pusan, người được đoàn làm phim mời đi cũng là Tăng Thanh Hà và Đỗ Hải Yến, mặc dù vai trò của họ trong Cánh đồng bất tận không thể bằng Ninh Dương Lan Ngọc. Thậm chí, Tăng Thanh Hà còn chỉ xuất hiện trong một vài phân cảnh và chẳng để lại chút ấn tượng gì với người xem.

Tới lễ trao giải Cánh diều vàng, đoàn làm phim cũng một lần nữa cố tình lờ Ninh Dương Lan Ngọc đi. Chỉ một ngày trước khi trao giải, họ mới gọi điện thông báo cho cô. Ninh Dương Lan Ngọc cho hay, khi đó, việc đơn giản nhất là chuẩn bị một bộ váy tử tế, cô cũng không có đủ thời gian.

Những hành động liên tiếp của đoàn làm phim Cánh đồng bất tận khiến nữ diễn viên trẻ này cảm thấy bị xúc phạm, bị gạt ra rìa và bị coi thường.

 - 3

Ninh Dương Lan Ngọc chỉ được đoàn làm phim gọi trước khi giải thưởng Cánh diều vàng diễn ra đúng 1 ngày

Thật ra, chuyện của Ninh Lan Dương Ngọc cũng không phải là hiếm. Đoàn làm phim nào cũng cần phải quảng bá cho đứa con của mình một cách tốt nhất, vì thế, họ thường ưu tiên những diễn viên ngôi sao. Tuy nhiên, theo như Ninh Dương Lan Ngọc thì ở Việt Nam chưa có nền công nghiệp điện ảnh và mọi thứ, dường như được quyết định bởi cảm tính.

Phim càng ẩu, càng ăn khách

Dòng phim hài nhảm đang thống trị thị trường phim ảnh Việt Nam những năm gần đây. Mẫu số chung của những bộ phim này đều là được đầu tư ít, thực hiện nhanh, nội dung đơn giản, câu khách bằng những tình huống hài nhảm nhí. Những bộ phim này phần đa đều mời những danh hài nổi tiếng hoặc những nhân vật - dù diễn xuất còn gượng gạo nhưng xinh đẹp hoặc "bị" nổi tiếng bởi những scandal.

Có thể kể ra đây hoàng loạt những phim như: Hello cô Ba, Nhà có 5 nàng tiên, Yêu em anh dzám hôk?, Bay vào cõi mộng, Biết chết liền, Nàng men chàng bóng, Lọ lem Sài Gòn....

 - 4

Những diễn viên nổi tiếng (hoặc tai tiếng) thường được mời tham gia các phim hài nhảm để câu khách

Đạo diễn Charlize Nguyễn sau cú vấp của bộ phim Bụi đời Chợ Lớn đã phải cay đắng than rằng, có lẽ sau này, anh sẽ tập trung vào làm những bộ phim hài nhàm, vừa dễ thực hiện, vừa an toàn lại vừa đại thắng về doanh thu.

 - 5

Một bộ phim hài nhảm nhưng lại có doanh thu khủng

Phim "cúng cụ"

Trái ngược với dòng phim hài nhảm ăn tiền là những bộ phim được công chúng ngán ngẩm đặt cho cái tên là phim "cúng cụ". Dòng phim này thường có công thức chung: phim được đầu tư với số kinh phí khổng lồ và có lượng người xem thấp kỷ lục.

Đơn cử, bộ phim điện ảnh Ngã ba Đồng Lộc được đầu tư 32 tỷ đồng và thu về 200 triệu đồng tiền vé, Hà Nội 12 ngày đêm được đầu tư 7,5 tỷ đồng và thu về 4 triệu tiền vé. Ký ức Điện Biên được đầu tư 13,5 tỷ đồng và trong ngày công chiếu bán được 24 vé, doanh thu 700,000 VNĐ.

 - 6

Năm 2004, phim Giải phóng Sài gòn được đầu tư 13,5 tỷ

Sau khi thất bại thảm hại ở phòng vé, những bộ phim này được chiếu trên truyền hình theo kiểu đến hẹn lại lên, cứ đến ngày kỷ niệm, phim được đem ra chiếu.

Cá biệt hơn, bộ phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ được đầu tư hơn 56 tỷ với mục đích mừng kỷ niệm 100 năm Thăng Long - Hà Nội, thế nhưng phải tới hơn 4 năm sau đó, phim mới được công chiếu. Bộ phim dài tới 30 tập và được chiếu trong khung giờ vàng trên truyền hình vậy mà nó vẫn lặn mất tăm, không để lại một chút dấu tích nào với cả khán giả lẫn giới truyền thông.

 - 7

Được đầu tư khủng nhưng những phim khai thác đề tài chiến tranh chưa hút 
được công chúng

Hiệu của của những bộ phim "cúng cụ" này thì ai cũng thấy rõ, nhưng điều lạ là những bộ phim này ngày càng được đầu tư hơn. Năm 1995, bộ phim Đất nước đứng lên được đầu tư 1,8 tỷ. Năm 2004, phim Hà Nội 12 ngày đêm được đầu tư 7,5 tỷ; phim Ký ức Điện Biên, Giải phóng Sài Gòn được đầu tư 13,5. Bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn cũng được duyệt con số đầu tư lên tới 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cuối cùng bộ phim đã không được thực hiện. Nhiều người ngán ngẩm khi tin rằng, những "cơn sóng sau đè sóng trước" này, chưa biết khi nào mới có điểm dừng.

 - 8

Thái sư Trần Thủ Độ được đầu tư số tiền lên tới 56 tỷ

Phim nuôi hãng

Mới đây, Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã được ra mắt. Đây là bộ phim thuộc dòng phim "cúng cụ" hiếm hoi được khán giả yêu điện ảnh đánh giá là "xem được". Tuy nhiên, đằng bộ phim này lại có những điều cay đắng.

 - 9

Những người viết huyền thoại là một trong những bộ phim chiến tranh ít ỏi
khiến khán giả muốn xem

Những người viết huyền thoại lấy đề tài về Binh đoàn Trường Sơn, những người chịu trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn dầu vào Nam trong khi cuộc chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút.

Bộ phim được đánh giá là có cách xây dựng mới mẻ, được thực hiện một cách chỉn chu và tử tế, điều đang rất thiếu trong bối cảnh điện ảnh Việt đang ngập tràn thảm họa. Tuy vậy, có lẽ vì đã mất quá nhiều niềm tin cho những bộ phim chiến tranh trước đó, khán giả không mặn mà với Những người viết huyền thoại.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, với mong muốn đưa đứa con của mình tới với khán giả, đã phải tự đứng ra tìm cách để bộ phim được chiếu ở những rạp nhỏ, hay thậm chí là những buổi chiếu cho sinh viên.

 - 10

Những người viết huyền thoại phải trích lại một số tiền không nhỏ 
trong kinh phí được cấp để nuôi hãng phim

Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất là bộ phim mặc dù được nhà nước rót cho số tiền đầu tư là 11 tỷ đồng nhưng thực chất, các nhà làm phim chỉ được nhận số tiền 8,6 tỷ. Số tiền còn lại (2,5 tỷ) được trích để "nuôi" hãng phim truyền Việt Nam. Đây có lẽ là điều chỉ xảy ra duy nhất ở Việt Nam.

Theo Khampha

Các tin cũ hơn