Càng về sau, do nhu cầu cần đến danh xưng và vương miện mới bùng nổ các cuộc thi tìm kiếm người đẹp, đến nỗi người ta vẫn nói đùa nhau là 'hoa hậu ao làng' hay 'nữ hoàng ngõ xóm'.
Vậy là bên cạnh sự ghi nhận tích cực từ cuộc thi lớn cấp quốc gia, có những hình thức phát sinh ăn theo dẫn đến tình trạng nháo nhào và lộn xộn các người đẹp, hoa khôi, hoa hậu.
Nên không phải ngẫu nhiên mà Bộ VHTTDL phải ra chỉ thị trong một năm chỉ được tổ chức một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Và người đẹp đạt được danh hiệu ấy sẽ được đi ứng tuyển ở những cuộc thi nhan sắc khu vực và trên thế giới.
- Không chỉ ‘bạt ngàn’ hoa hậu, nữ hoàng, mà những người đẹp bước ra từ các cuộc thi này dường như còn vẽ nên đời sống xa hoa nhung lụa của giới ‘chân dài’, điều đó tác động như thế nào đến đời sống giới trẻ?
Dường như đời sống giải trí đang tồn tại cái gọi là tôn vinh 'giá trị ảo'. Các người đẹp diện những túi hàng ngàn USD, đi xe sang, luôn có đại gia tháp tùng đã vô tình vẽ nên một cuộc sống đầy cám dỗ của những chân dài khoác trên mình danh xưng hoa hậu, nữ hoàng.
Người ta thấy việc đổi đời từ chiếc danh hiệu dễ quá, nên một bộ phận giới trẻ cũng đuổi theo những giá trị ảo đó, ra sức tham gia các cuộc thi nhan sắc để lấy một danh hiệu, hoặc tìm mọi cách gia nhập showbiz.
Hoa khôi duyên dáng thời trang Lê Thị Yến Duy bị bắt vì hành vi bán dâm |
- Hệ lụy của việc này là gì thưa ông?
Từ việc ngộ nhận rằng chỉ cần đội lên đầu chiếc vương miện là dễ dàng giàu có, sống cuộc sống hào nhoáng, nhiều người đã ‘vỡ mộng’ khi nhận ra rằng nếu không lao động, cái đẹp không được định hướng đi kèm giá trị chân, thiện, mỹ thì cái hào quang đạt được đó chỉ là ‘ảo’.
Và có những người không hề ‘vỡ mộng’ đâu, họ đi thi kiếm một danh xưng, chấp nhận giá trị ảo để làm những việc phía sau nó.
Cũng của đáng tội rằng, lại hiếm có người đẹp nào đã là hoa hậu, nữ hoàng mà chịu một cuộc sống như khi chưa đăng quang, nên nhiều người chấp nhận làm những công việc mà cả xã hội lên án, phỉ nhổ như đi bán dâm.
Trong động thái chơi ngông, trong tiếng nói hào sảng của một đại gia nào đó, các hoa hậu, nữ hoàng sa ngã vào con đường bán thân để có cuộc sống xa hoa nhung lụa.
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình |
- Đó là lý do mà một bộ phận giới trẻ mong muốn đổi đời nhanh chóng ‘điên cuồng’ đi tắm trắng, gọt cằm, sửa sang sắc vóc, khát khao nổi tiếng đến nỗi sẵn sàng khoe ảnh hở hang, ảnh đi thẩm mỹ ra sao, hay tham gia những cuộc thi mà biết rằng nó chỉ ở cấp ‘ao làng’?
Rõ ràng, đang có một sự phát triển lệch lạc, đứt gãy trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ, với mong muốn chạy đua danh hiệu để được đổi đời.
Cuộc thi chui mà có thí sinh ném dải băng danh hiệu vào sọt rác mới đây là minh chứng rõ ràng nhất.
Tôi tin rằng nếu thí sinh đó đăng quang ngôi vị cao nhất, chị ta sẽ không chê cuộc thi cấp ao làng đâu, nhưng vì chị ta chắc mẩm mình là người đứng đầu, mà cuối cùng lại chỉ mang về danh hiệu phụ nên mới phẫn uất dẫn đến những ồn ào như vậy.
Rõ ràng, cuộc thi ‘củ chuối’, nhưng người dự thi cũng không phải khuôn vàng thước ngọc, mà đang ra sức chạy theo những giá trị lệch lạc để có được danh hiệu kia.
- Vậy là giá trị đích thực của nhan sắc đang bị đánh tráo?
Tôi có cảm giác chúng ta đang ‘sản xuất’ hoa hậu, khi dày đặc các cuộc thi nhan sắc ở các quy mô khác nhau được mở ra, dẫn đến tình trạng loạn hoa hậu, và nhiều chân dài dùng chiếc vương miện làm điều đáng lên án.
Một nhan sắc, gương mặt không chỉ khả ái đơn thuần, số đo không chỉ đẹp một cách cơ học mà nó gắn liền với những gì đóng góp cho cộng đồng, đó mới là sự tôn vinh đích thực của nhan sắc.
Theo VTCNews