Hà Trần: Thanh Tùng đã sống trọn, sống đẹp một đời nghệ sĩ

Thứ tư, 16/03/2016, 09:24
Trong mắt của Hà Trần, nhạc sĩ Thanh Tùng là người toàn tài, tín nghĩa và chung thủy. Nữ ca sĩ khẳng định âm nhạc của ông là nguồn cảm hứng không vơi cạn cho nghệ sĩ đi sau.

Có thể nói, thế hệ nghệ sĩ nhạc nhẹ khai mở ở Hà Nội những năm 1980 - 1990 đã yêu và chịu ảnh hưởng nhiều từ nhạc sĩ Thanh Tùng. Tuy không có duyên được giao lưu nhiều với chú, cũng không hát nhiều bài của chú nhưng tôi là một trong những nghệ sĩ đó.

Nhạc sĩ Thanh Tùng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: T.L

Tôi nhớ hồi bé mê đắm ngắm chị Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh hát nhạc chú Thanh Tùng trên tivi. Sau đó, chị Thanh Lam, Cẩm Vân, Lệ Quyên, Ái Vân… giành các giải thưởng ca hát lớn cũng với những bài hát của Thanh Tùng. Tôi còn đặc biệt nhớ hình ảnh chị Hồng Nhung răng khểnh duyên dáng tạo dấu ấn riêng với Lời tỏ tình của mùa xuân...

Âm nhạc của Thanh Tùng đi vào đời sống tuổi trẻ tươi mới, tích cực. Chú là hình mẫu của nhạc nhẹ thời ấy, phải nhấn mạnh điều này, vì âm nhạc ngoài Bắc trong giai đoạn giao thời ngoài nhạc đỏ, nhạc vàng chỉ toàn các bài hát “kiểu Liên Xô”.

Cuối những năm 1990, đầu 2000 tôi có nhiều dịp hát nhạc chú hơn. Ít gặp mặt, nhưng những lần giao tiếp ngắn ngủi, tôi vẫn có nhiều ấn tượng tốt về người nhạc sĩ này. Chú là nghệ sĩ sắc sảo ngôn ngữ, rõ ràng thái độ, sống rất phong lưu, tay chơi, nhưng cũng rất nghĩa hiệp.

Gia thế và danh tiếng lẫy lừng là thế, nhưng vẻ như chú Tùng luôn gác cuộc sống xã hội ngoài cánh cửa nhà mình. Chú dành tín nghĩa, chung thủy và cả những bài hát ân cần cho vợ con của mình.

Có lần, khoảng đầu 2003, tôi theo chú Trần Tiến, chú Tùng và vài nhạc sĩ khác ra Nha Trang theo chương trình của một trại sáng tác. Bố con tôi ngồi bên bàn tiệc chiều nghe các nhạc sĩ tán chuyện âm nhạc. Chú Tùng và chú Tiến thi nhau đấu khẩu, tôi ngồi nghe rất vui. Bình thường chú Trần Tiến vốn hoạt ngôn và giỏi gây ấn tượng nhưng có vẻ hôm ấy bị chú Thanh Tùng cho “đo ván”.

Ông tướng mạo sư tử gặp ông tướng kỳ lân, thủng thẳng câu nào thâm thuý câu đó, một kiểu thâm thuý ít thấy ở người miền Nam. Tiếp xúc với nhạc sĩ Thanh Tùng ngoài đời con người thâm trầm, sắc bén còn duyên dáng hơn cả con người âm nhạc.

Hôm nay tiễn chú về cội, nhưng con cháu trong nghề sẽ luôn trân quý gia sản âm nhạc của chú. Hình ảnh người nghệ sĩ một đời tài hoa, một đời phong lưu Thanh Tùng sẽ luôn gợi cảm hứng sống cho nhiều người, tôi tin thế. Một người không thân ra đi mà lòng mình thấy mất mát, hẳn nhiên chú đã sống trọn, sống đẹp một cuộc đời nghệ sĩ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn