Cơ duyên nào đưa anh và cộng sự tới Việt Nam làm phim "Kong: Skull Island"?
Tôi làm phim ở Việt Nam và Đông Nam Á đã được 21 năm. Tôi khởi đầu sự nghiệp sản xuất ở Sài Gòn năm 1995. Sau đó, tôi làm Line Producer (sản xuất hiện trường) cho phim Mùa hè chiều thẳng đứng năm 2000 và Miền đất hứa năm 2004. Hiện tôi sản xuất các dự án phim Hollywood và phương Tây khi họ đến Đông Nam Á cũng như châu Á.
Năm 2014, khi tôi đang làm cho dự án Transformers 3, Ilt Jones (chuyên gia bối cảnh nổi tiếng với Inception, The Dark Knight Rises và Iron Man 3) đặt hàng tôi tìm bối cảnh mới cho Kong: Skull Island. Sau khi tôi đưa ra ba nước là Campuchia, Việt Nam và Philippines, ông ấy chọn Việt Nam.
Nhà sản xuất Nicholas Simon trên trường quay bom tấn ở Ninh Bình cuối tháng 2. |
Quá trình chuẩn bị bối cảnh Việt Nam cho phim diễn ra thế nào?
Từ cuối 2014, tôi cùng êkíp khảo sát kỹ từ Đồng bằng sông Mekong tới các dãy núi ở Hoàng Liên Sơn. Khi đạo diễn Jordan Vogt-Roberts và các nhà sản xuất đến khảo sát tiền kỳ vào tháng 8/2015, chúng tôi đã chuẩn bị xong xuôi từ khâu xin visa tới vận chuyển. Tôi làm cho họ thấy Việt Nam không chỉ có cảnh quan tuyệt vời mà còn có môi trường làm phim thân thiện.
Sau khi đi khảo sát bối cảnh, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đưa ra các quyết định sáng tạo dựa trên quan sát bản thân. Anh ấy quyết định bấm máy ở đâu, lấy chi tiết nào trong bối cảnh được chọn. Rồi chúng tôi chuẩn bị trong hơn một năm trước khi đưa đoàn phim sang triển khai vào tháng 2 vừa qua.
Trải nghiệm một tháng quay "Kong: Skull Island" ở Việt Nam của đoàn phim như thế nào?
Đấy là hành trình tuyệt vời. Trước khi phim bấm máy, tôi đã thiết lập xong mọi thứ ở khâu tiền kỳ. Vì thế, giai đoạn ghi hình diễn ra trơn tru từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3. Tôi mừng vì thấy công việc hoàn thành tốt đẹp.
Tôi yêu mọi cộng sự người Việt trong đoàn. Tôi chỉ muốn làm việc với họ nữa và nữa. Tôi cũng cảm nhận được điều đó từ mọi người trong êkíp.
Việt Nam kết nối thế nào với hai bối cảnh còn lại là Hawaii (Mỹ) và Australia?
Chúng tôi quay phim từ tháng 10 đến 12 năm ngoái ở Hawaii và tháng 1 ở Australia. Việt Nam là bối cảnh chúng tôi ghi hình cuối cùng, sau khi xong ở Australia. Bối cảnh ở Việt Nam giúp định hình phong cách hình ảnh cho toàn bộ phim. Việt Nam đẹp kỳ lạ, độc đáo và sẽ là thứ mới mẻ chưa bao giờ khán giả toàn cầu được thấy trên màn bạc.
Anh thấy làm "Kong: Skull Island" khác gì so với hồi làm "Avengers: Age of Ultron" ở Bangladesh năm 2015?
Việt Nam là bối cảnh quan trọng của Kong: Skull Island nên chúng tôi đưa các ngôi sao cùng 225 thành viên của mọi bộ phận chính sang quay trong bốn tuần. Trong khi đó, chúng tôi chỉ đưa tổ sản xuất phụ gồm 25 người (không có ngôi sao) sang Bangladesh để quay Avengers trong bốn ngày vì bối cảnh đó nhỏ trong phim.
Nicholas Simon chia sẻ anh có trách nhiệm thúc đẩy các dự án bom tấn đến Việt Nam. |
Sản xuất "bom tấn" ở Việt Nam khác thế nào so với ở các nước Đông Nam Á và thế giới?
Kong: Skull Island là dự án điện ảnh quy mô lớn nhất từng quay ở Việt Nam. Mỹ và Australia từ lâu đã hình thành ngành công nghiệp đủ sức làm những phim quy mô lớn thế này. Để quay ở Việt Nam, chúng tôi mang tới nhiều cơ sở vật chất có ở Australia và Mỹ nhưng chưa có ở Việt Nam. Chúng tôi nhập khẩu vào Việt Nam nhiều thiết bị đặc biệt như máy bay hạng nhẹ có chỗ để đặt hai máy quay. Chúng tôi cũng phải tổ chức vận chuyển và nơi ăn chốn nghỉ dã chiến cho cả đoàn.
Thực ra quay phim ở Việt Nam không khó khăn nếu các đoàn phim nước ngoài biết lên kế hoạch trước kỹ lưỡng. Tuy nhiên, quy trình về thuế và hải quan ở đây nên được đơn giản hóa để giảm các khó khăn và thu hút các dự án hàng đầu quốc tế đến Việt Nam ghi hình. Sau những năm làm việc ở Đông Nam Á, tôi thấy Thái Lan là nước xây dựng được dịch vụ sản xuất điện ảnh thành công nhờ các chính sách cởi mở. Họ kéo được các dự án hơn 100 triệu USD đến quay phim.
21 năm làm phim ở Việt Nam cho anh những gì?
Từ 1994 tới nay, tôi trưởng thành là nhà làm phim có tư duy toàn cầu. Tôi đã sản xuất các dự án bấm máy ở Mỹ, Mexico, châu Âu và khắp châu Á. Tôi thích ứng được các tiêu chuẩn quốc tế mà hồi khởi nghiệp ở Sài Gòn bản thân không biết.
Lúc khởi nghiệp ở Việt Nam, tôi không biết gì về nghề sản xuất và chỉ làm những video quảng cáo nhỏ. Mùa hè chiều thẳng đứng cho chúng tôi trải nghiệm quý giá. Lần đầu tiên chúng tôi quay phim trên mặt nước Vịnh Hạ Long và thấy được vẻ đẹp Việt Nam trên màn ảnh. Bốn năm sau, dự án Miền đất hứa (The Beautiful Country) thử thách việc làm phim trong điều kiện kinh phí eo hẹp (6 triệu USD cho cả ba bối cảnh New York, Texas và Việt Nam). Ở Việt Nam, chúng tôi quay trong 36 ngày ở Hà Nội, Ninh Bình và Nha Trang với êkíp chỉ 25 người từ Scandanavia và Thái Lan.
21 năm cho tôi nhiều bạn bè người Việt trong ngành điện ảnh. Chúng tôi "già" đi cùng nhau. Giờ tôi thấy có trách nhiệm thúc đẩy các dự án quốc tế đến Việt Nam, giúp ngành công nghiệp trong nước phát triển. Tôi lập hãng sản xuất riêng từ năm 2010 cũng với tiêu chí đó.
Có nhiều thứ ở Việt Nam đã thay đổi từ 1991 tới nay nhưng bát phở đêm muộn chưa bao giờ thay đổi. Dù ăn ở đâu trên đất nước này, món đó vẫn ngon như thế.
Sau "Kong: Skull Island", anh quay dự án gì ở Việt Nam hay Đông Nam Á?
Ngay sau phim này, tôi làm phim mới - Prayer Before Dawn- ở Thái Lan. Đây là dự án phim truyện ngân sách thấp của đạo diễn Jean-Stephane Sauviere (người từng tranh giải Un Certain Regard ở Liên hoan Cannes 2008). Ngoài ra, chúng tôi có nhiều dự án thương mại truyền hình và nhiếp ảnh đang sản xuất ở Singapore, Lào, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam cũng được cân nhắc là bối cảnh cho một số dự án khác nhưng chúng tôi chưa công bố được.
Theo VNE