Những ngày qua, dư luận không ngừng tranh cãi xung quanh việc chị em mặc áo dáng dài với chân váy xòe trong dịp Tết Đinh Dậu. Các nhà thiết kế áo dài có tiếng như Sỹ Hoàng, Đức Hùng đều phản đối gay gắt. Họ cho rằng trang phục như vậy không thể gọi là áo dài và càng không nên diện trong dịp Tết cổ truyền.
Zing.vn phỏng vấn một số nghệ sĩ - những người cũng quan tâm đến tà áo dài như ca sĩ Đoan Trang, người đẹp Hoàng My và stylist Hoàng Ku - để mang đến cho độc giả một góc nhìn khác.
Áo dài cách tân hiện đại và thuận tiện cho người mặc
Với câu hỏi "Anh/chị nghĩ thế nào về xu hướng áo dài kết hợp chân váy được giới trẻ rất ưa chuộng trong Tết Đinh Dậu?", stylist Hoàng Ku cho biết anh hoàn toàn ủng hộ. Bản thân anh cũng lựa chọn trang phục này cho một số nghệ sĩ tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ đón Tết. Cá nhân anh thích sự sáng tạo, cách tân lần này của các nhà thiết kế trẻ.
Theo anh, trang phục vừa mang đến một màu sắc mới cho tà áo dài, trẻ trung và năng động hơn, lại vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Bên cạnh đó, việc cách tân còn mang đến sự thuận tiện cho người mặc, cập nhật xu hướng của thế giới và gần gũi cho giới trẻ.
"Tôi đồng ý rằng áo dài đẹp nhất vẫn là chiếc áo dài truyền thống với cổ cao, độ ôm cơ thể vừa phải, tà áo dài gần chạm đất, mặc cùng quần lụa rộng. Nhưng điều đó không có nghĩa áo dài cách tân không đẹp", Hoàng Ku nhận xét.
Ca sĩ Đoan Trang chia sẻ áo dài truyền thống của Việt Nam là dáng cổ cao, ôm eo, tà dài, Như vậy, chỉ cần may tay loe cũng là phá cách rồi. Do đó, khó có thể so sánh khác mẫu truyền thống bao nhiêu phần trăm.
Bản thân Đoan Trang là người thích phá cách, tuy nhiên, cô nhấn mạnh phá cách mà để người ta không còn nhận ra nét truyền thống thì không hay.
Ca sĩ Đoan Trang và con gái diện áo dài cách tân. Ảnh: NVCC. |
Bà mẹ một con tâm sự dịp Tết vừa qua, các nhà thiết kế chung sức dấy lên phong trào khuyến khích mọi người, từ thành thị đến nông thôn, mặc áo dài. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
"Các nhà thiết kế cùng với nghệ sĩ, trong đó có Đoan Trang và chị Hồng Nhung..., đã tạo nên một cái Tết truyền thống - truyền thống của thời hội nhập. Đó là một mùa xuân rất đẹp khi bạn bè quốc tế của chúng tôi nhìn vào, thấy ai cũng mặc áo dài", Đoan Trang nói.
Người đẹp Hoàng My cho biết cô đã xem qua một số mẫu cách tân của năm nay là thấy "khá xinh, chứ không kỳ cục". Theo cô, sở dĩ trang phục cắt ngắn hơn vì nhu cầu tiện lợi, thời trang nhưng vẫn có nét truyền thống. Hoàng My không phản đối chuyện cách tân. Tuy nhiên cô cho rằng điều cốt lõi là ứng dụng nó trong hoàn cảnh nào.
Không có gì tuyệt đối, nhất là về thời trang
Trước việc một bộ phận dư luận lên án áo dài cách tân làm mất đi giá trị truyền thống, ca sĩ Đoan Trang bày tỏ: "Sự phá cách bao giờ cũng nhận được luồng ý kiến trái chiều. Người nào thích sự mới mẻ trên nền truyền thống thì sẽ ủng hộ. Trước đây, khi tôi mặc áo dài với quần jeans, nhiều khán giả thích vì họ thấy được nét truyền thống Á Đông trên đó. Không có gì tuyệt đối, nhất là về thời trang. Chỉ có chuyện hợp hay không hợp, thích hay không thích. Tôi nghĩ mọi người nên nhìn nhận một cách thoải mái".
Là người từng bị chê trách khi diện áo dài cách tân, Đoan Trang chia sẻ cô luôn lắng nghe mọi ý kiến, sau đó nhìn nhận lại. Những gì hợp lý thì mình nghe nhưng cái cốt lõi vẫn là giữ cá tính riêng của bản thân.
Theo ý kiến của Á hậu Hoàng My, việc lấy cái truyền thống đưa vào ứng dụng và cách điệu là điều đáng vui, chứ không đáng phải lên án.
Á hậu Hoàng My cho rằng việc nhiều người quan tâm và đổi mới áo dài là điều vui. Ảnh: NVCC. |
Cô nhấn mạnh: "Miễn nó là của mình và đừng vay mượn của ai. Những chiếc áo lấy cảm hứng từ áo dài có sinh ra thì chiếc áo dài truyền thống cũng không thể nào chết đi được.
Xuất xứ của tà áo dài là còn chưa ai có thể khẳng định nó ảnh hưởng từ đâu, văn hoá nào. Tuy nhiên trong suốt quá trình lịch sử gắn với lịch sử đất nước, tà áo dài đã luôn được thay đổi, biến chuyển từ thời vua chúa đến thời Pháp thuộc, đến thời đất nước chia cắt và thời bình, nó luôn gây tranh cãi mỗi lần bị biến tấu".
Khi được hỏi về việc một số nhà thiết kế áo dài có tiếng ở Việt Nam cho rằng những trang phục ngắn như vậy không thể gọi là áo dài và không nên diện trong dịp Tết cổ truyền, stylist Hoàng Ku cho hay: "Tết cổ truyền là một mùa lễ hội lớn mà tất cả mọi người đều có nhu cầu ăn mặc đẹp. Mọi năm các chị em phụ nữ thường sắm sửa áo váy hiện đại, thậm chí có người còn ăn mặc hở hang phản cảm.
Vậy tại sao một chiếc áo dài cách tân, mang hơi hướm của bản sắc dân tộc với chừng mực vừa đủ, dung hoà được vẻ đẹp của cả Á Đông lẫn phương Tây, lại bị phản đối gay gắt?".
Dịp Tết vừa qua, stylist Hoàng Ku cũng ủng hộ phong trào mặc áo dài. Ảnh: NVCC. |
Theo anh, đã gọi là cách tân tức là sẽ có sửa đổi. Nếu những năm 1950, chiếc áo dài được bà Trần Lệ Xuân thay bằng chiếc cổ thuyền và được ghi dấu như một cột mốc thay đổi tà áo truyền thống. Hay như những năm 1970, các cô dâu Việt dùng vải ren trắng để may chiếc áo dài cưới với 2 phần tay bồng, rồi cài xoa-re để trang phục này gọi là "áo dài cưới" hay là "váy cưới cách tân" thì cũng đều là cách mà thời thế cập nhập xu hướng hiện đại vào văn hoá thời trang.
Vì vậy, anh rất ủng hộ những kiểu mốt năm nay - từ việc mặc áo dài với chân váy midi, hay mặc với quần cullotes, quần Tây, hoặc cắt tay, không có cổ...
Theo Zing