‘Quái xế Baby’: Hành động gay cấn, âm nhạc đỉnh cao

Thứ hai, 03/07/2017, 08:34
Sở hữu cốt truyện đơn giản và mang đậm tính giải trí, nhưng “Baby Driver” chắc chắn là tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất của mùa hè năm nay bởi tính độc đáo và phong cách cực chất.

Baby (Ansel Elgort) là chàng thanh niên ít nói, thích nghe nhạc mọi lúc mọi nơi và sở hữu khả năng lái xe siêu hạng. Do món nợ mắc phải trong quá khứ, cậu làm việc dưới trướng tay trùm Doc (Kevin Spacey) với vai trò tài xế trong các phi vụ cướp ngân hàng táo tợn do lão chỉ đạo.

Đến một ngày, số nợ giữa Baby và Doc được thanh toán trọn vẹn. Chàng thanh niên giải nghệ, trở lại cuộc sống bình thường bên cạnh người cha nuôi tật nguyền Jon (CJ Jones) và cô gái mà mình yêu thương là Debora (Lily James).

Song, bóng ma quá khứ không dễ dàng buông tha Baby như thế. Cậu bị ép phải trở lại phía sau tay lái để thực hiện tiếp một phi vụ mới. Nó tưởng chừng đơn giản, nhưng lại gây ra hàng loạt biến cố không ai ngờ tới.

Baby Driver là bộ phim mới nhất của đạo diễn Edgar Wright - nhà làm phim người Anh được biết tới qua nhiều tác phẩm hài hước độc đáo về phong cách, đa dạng về thể loại như Shaun of the Dead, Hot Fuzz, Scott Pilgrim vs. The WorldThe World's End. Thai nghén ý tưởng câu chuyện về gã quái xế Baby từ năm 1994, nhưng anh phải mất hai thập kỷ mới có thể hiện thực hóa dự án.

Ra mắt lặng lẽ giữa mùa phim hè vốn là sân chơi cạnh tranh đầy khốc liệt giữa các dự án bom tấn có trị giá hàng trăm triệu USD, Baby Driver chẳng có ngân sách khủng hay quá nhiều ngôi sao. Nhưng nó không hề lu mờ khi đang là một trong những tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao nhất năm, và trở thành “ngựa ô” khiến nhiều bộ phim lớn cũng phải dè chừng.

Do chính Edgar Wright viết kịch bản và làm đạo diễn, Baby Driver thể hiện rất rõ phong cách đặc trưng của nhà làm phim tài năng người Anh. Phim sở hữu mô-típ quen thuộc với câu chuyện tổng thể cực kỳ đơn giản, dễ nắm bắt. Song, tác phẩm không vì thế hời hợt hay nhàm chán nhờ có hàng loạt sáng tạo độc đáo từ Wright mà không ai có thể bắt chước.

Từng sự kiện, tình huống trong phim diễn ra gọn gàng và hợp lý, hầu như không có chi tiết thừa thãi hay lạc điệu. Các câu thoại trong phim được trau chuốt cẩn thận, chi tiết, và đa dạng về mặt ngôn ngữ lẫn thông tin, thể hiện rõ ràng cái chất riêng của từng nhân vật.

Điều này giúp Baby Driver mang kết cấu chặt chẽ với phần tiết tấu liền mạch, còn mỗi sự kiện trong đó đều trở nên chất lượng và đáng nhớ.

Đạo diễn Edgar Wright đã khéo léo kết hợp nhiều thể loại vào trong phim một cách hài hòa. Là một tác phẩm hành động, Baby Drivercó những trường đoạn đua xe, đấu súng kịch tính đến nghẹt thở. Thế giới tội phạm trong phim tuy có chút trào lộng nhưng vẫn khắc nghiệt và tàn bạo.

Song, bên cạnh đó, Baby Driver còn đem đến cho khán giả câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, thú vị giữa hai người trẻ tuổi đồng điệu, kết nối với nhau nhờ tình yêu âm nhạc.

Điều đặc biệt là Edgar Wright điều khiển và tiết chế bộ phim cực kỳ hợp lý. Không có yếu tố nào quá nổi bật và lấn át các yếu tố còn lại, mà tất cả được phát triển đồng đều qua mỗi sự kiện diễn ra.

Hài hước nhưng không lố lăng nhảm nhí, tàn bạo nhưng không máu me bạo lực, tình cảm nhưng không ủy mị bi lụy, Baby Drivertạo ra nhiều hương vị hấp dẫn, được hòa trộn tinh tế và tự nhiên, đáp ứng mọi nhu cầu giải trí.

Điểm nhấn lớn nhất của Baby Driver chắc chắn là âm nhạc. Nhân vật Baby vốn là cậu bé mang tình yêu với âm nhạc từ nhỏ. Sau một vụ tai nạn xe hơi khiến thính giác bị khiếm khuyết, hầu như lúc nào cậu cũng đeo tai nghe, đắm chìm trong những giai điệu mà mình yêu thích nhằm giúp bản thân tập trung hơn trong công việc.

Do đó, đạo diễn Edgar Wright đã đem đến cho khán giả một Baby Driver ngập tràn âm nhạc, giống như cách mà nhân vật chính trải nghiệm thế giới bên trong phim. Âm nhạc hiện hữu mọi lúc mọi nơi, xuất hiện trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh.

Mỗi bản nhạc vang lên, khán giả và nhân vật lại cùng nhau phiêu du qua từng nốt nhạc, từng âm vực, từng ca từ để thấu hiểu rõ ràng hơn ý đồ mà đạo diễn muốn truyền đạt qua từng cảnh phim.

Không chỉ là chất liệu tạo nên tiết tấu cho tác phẩm về mặt kỹ thuật thuần túy, âm nhạc còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cá tính và mối quan hệ giữa các nhân vật.

Baby và Debora đến với nhau nhờ sự đồng điệu trong cảm xúc qua từng bản nhạc mà cả hai cùng yêu mến. Người cha nuôi tật nguyền của Baby tuy hầu như không còn nghe hay nói được, nhưng vẫn cảm nhận thấy người đối diện thông qua cảm giác với âm thanh mà cả hai đang cùng thưởng thức.

Thành công của việc sử dụng âm nhạc trong phim đến từ sự phối hợp cực kỳ ăn ý giữa hòa âm cùng quay phim lẫn dựng phim. Phần hình ảnh của Baby Driver được cắt dựng cẩn thận và hợp lý, kết hợp với nhạc nền đầy mượt mà và thông suốt.

Ngoài ra, Baby Driver còn sử dụng nhiều cảnh quay long-take độc đáo, có tính toán thời gian và bối cảnh rất cẩn thận, rồi kết hợp với cả bài nhạc sao cho hoàn toàn trùng khớp về tiết tấu và giai điệu. Thành quả chính là một số trường đoạn ấn tượng không khác gì video ca nhạc độc lập.

Song, việc Baby Driver chứa đựng trên dưới 30 ca khúc khác nhau đòi hỏi khán giả phải có hiểu biết nhất định về âm nhạc đại chúng mới có thể nắm bắt trọn vẹn tinh thần tác phẩm.

Ngoài ra, một số chi tiết nhỏ gợi nhắc đến các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Goodfellas, Bonnie & Clyde hay Monsters, Inc. được cài cắm trong phim chắc chắn khiến một bộ phận người xem cảm thấy thú vị, và dĩ nhiên cũng yêu cầu kiến thức nhất định về điện ảnh.

Thành công của Baby Driver còn đến từ hệ thống nhân vật độc đáo, do dàn diễn viên chất lượng thể hiện. Mỗi gương mặt trong phim đều có điểm nhấn riêng, từ bề ngoài cho đến hoàn cảnh, tính cách: từ vai chính Baby trẻ tuổi, phớt đời của Ansel Elgort cho đến ông trùm Doc lọc lõi, cáo già của Kevin Spacey; từ Bats cục súc, hung hãn và điên rồ của Jamie Foxx đến bộ đôi si tình nhưng không kém phần liều lĩnh Buddy (Jon Hamm) và Darling (Eiza González)…

Các nhân vật của Baby Driver dù sở hữu nhiều đất diễn hay chỉ xuất hiện thoáng qua trong một vài phân cảnh cũng đều có vai trò nhất định trong câu chuyện và để lại ấn tượng cho người xem. Nhìn chung, dàn diễn viên thể hiện trọn vẹn nhân vật của họ, và không có ai hoàn toàn nổi bật hay bị lép vế.

Có tiết tấu nhanh, mượt mà và khá đồng bộ từ đầu đến cuối vô tình khiến Baby Driver thiếu đi một điểm nhấn cao trào cần thiết.

Ngoài ra, có chút đáng tiếc khi nửa cuối phim hơi lộn xộn, thiếu đi sự chặt chẽ như nửa đầu, đặc biệt bởi một số nhân vật có biến chuyển tính cách chưa thực sự thuyết phục.

Độc đáo, ấn tượng và đầy phong cách, Baby Driver chắc chắn là một trong những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn và chất lượng nhất năm nay. Hội tụ đầy đủ mọi yếu tố có thể đáp ứng những yêu cầu khó tính nhất từ khán giả, đây là lựa chọn không thể bỏ qua đối với người hâm mộ bộ môn nghệ thuật thứ bảy trong năm nay.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc dưới tựa Quái xế Baby.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích