'Cuộc chiến' tiền tỷ giữa game show và phim truyền hình trên giờ vàng

Thứ sáu, 07/07/2017, 08:45
"Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử" được ví như hai phát súng đầu tiên của phim truyền hình trong cuộc chiến với game show trên sóng VTV. Nhưng cục diện liệu có đổi khác?

Ba tháng trở lại đây, mọi tình tiết và diễn biến của hai bộ phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng Người phán xử được dự đoán, bàn tán sôi nổi từ vỉa hè, quán cóc đến mạng xã hội. Sau thời gian bế tắc, thậm chí từng bị cho là đi vào đường cùng, đã rất lâu rồi phim Việt trên sóng VTV mới được quan tâm đến thế.

Tên phim liên tiếp xuất hiện trong danh sách những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên Google - điều mà trước đây chỉ game show, truyền hình thực tế mới làm được với những cái tên như The Voice, Vietnam Idol, Gương mặt thân quen, Ơn giời! Cậu đây rồi và gần nhất là The Face hay Sing My Song.

Game show, truyền hình thực tế bắt đầu bùng nổ vào thời điểm phim truyền hình bế tắc. Ảnh: BTC.

Cuộc chiến rating khốc liệt trên sóng truyền hình

Phim truyền hình và game show là hai thể loại giải trí hoàn toàn khác nhau nhưng lại tồn tại trên cùng một "sân chơi" là truyền hình và hướng đến cùng đối tượng khán giả. Đây cũng là hai thể loại chịu tác động mạnh mẽ khi nhà đài chủ trương xã hội hóa.

Các nhà đài bắt đầu xã hội hóa phim truyền hình kể từ tháng 7/2010 sau quy định mới của Luật Điện ảnh sửa đổi là tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim.

Các đơn vị phim tư nhân, các công ty truyền thông tích cực tham gia vào việc sản xuất phim để đáp ứng chủ trương này. Thị trường phim truyền hình trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Phim tăng lên về mặt số lượng, vừa đáp ứng được nhu cầu của nhà đài vừa mang lại nguồn quảng cáo không nhỏ.

Nhưng khi chất lượng phim truyền hình xuống dốc không phanh, khán giả bắt đầu quay lưng. Khung giờ vàng gần như bị lãng phí, và tất nhiên lợi nhuận từ việc quảng cáo cũng sụt giảm. Nhận thức được điều này, các công ty truyền thông tư nhân bắt đầu chuyển sang mua hàng loạt format nước ngoài để làm game show, truyền hình thực tế.

Giai đoạn 2013-2016, truyền hình thực tế ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt các game show âm nhạc, hài, thời trang được mua bản quyền, Việt hóa và trở thành “món ăn” hấp dẫn khán giả truyền hình cả nước.

Giữa thời buổi game show như "nấm mọc sau mưa", các nhà sản xuất phải tìm đủ mọi "chiêu trò" để thu hút dư luận, thậm chí dàn dựng cả scandal để chương trình của mình được chú ý.

Cuộc chiến rating giữa các game show trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Chương trình này mời được Mỹ Tâm làm giám khảo thì game show kia bằng mọi giá cùng phải mời được Hà Hồ cho tương xứng. Với sự xuất hiện của những ngôi sao từ ca nhạc, đến diễn viên hài, game show thường xuyên thành chủ đề gây bão mạng.

Phim truyền hình vốn đã bế tắc lại càng trở nên lu mờ trong cơn bão game show. Thỉnh thoảng mới có một bộ phim gây chú ý trong khi truyền hình thực tế được sản xuất ồ ạt, hết The Voice lại đến X Factor, Sing My Song, hết Vietnam's Next Top Model lại đến The Face.

Suốt một thời gian dài, giá quảng cáo chương trình truyền hình thực tế như Sing My Song hay The Face, khung giờ vàng cuối tuần luôn giao động từ 190-240 triệu/ 1 block 30s, trong khi phim truyền hình chỉ dừng ở mức 60-75 triệu/ 1 block 30s, khoảng cách "một trời một vực".

Sống chung với mẹ chồng là bộ phim nhận được nhiều quan tâm thời gian gần đây. Ảnh: VFC.

Phim truyền hình trở thành 'con đường mới'?

Giá quảng cáo trong khung giờ vàng phim truyền hình chỉ nhích lên với Tuổi thanh xuân. Giá quảng cáo Tuổi thanh xuân phần 2 trong thời điểm phát sóng trên VTV3 là 160 triệu/ 1 block 30 giây.

Đặc biệt, với sức nóng của Sống chung với mẹ chồng Người phán xử, VTV được cho là đã kiếm tiền tỷ cho mỗi tập phim phát sóng. Đây là điều mà các phim truyền hình khó làm được.

Năm 2017, phim truyền hình bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trong khi game show dần bão hòa, nếu không muốn nói là thoái trào. Sản xuất một cách đại trà, không tính đến phản ứng của người xem, nhiều chương trình nhảm, gương mặt quen thuộc, truyền hình thực tế dường như đã không được trọng vọng như trước.

Trả lời Zing.vn, danh hài Việt Hương nhận định game show phát triển ở Việt Nam là nhu cầu tất yếu, theo xu hướng chung của thế giới. Nhưng chị cũng cho rằng một khi đã đến đỉnh cao, truyền hình thực tế sẽ đi xuống để nhường ngôi cho một loại hình giải trí khác.

Ca sĩ Quang Minh, trưởng nhóm Oplus, cũng đồng quan điểm khi cho rằng game show đã có sự thoái trào: "Qua theo dõi nhưng cuộc thi gần đây, không khó để nhận ra sự lặp lại của những gương mặt quen thuộc. Sự bão hòa là khó tránh".

Trao đổi với phóng viên, một chuyên viên tổ chức sự kiện cũng cho biết những chương trình gần đây đơn vị của chị chủ yếu mời các diễn viên truyền hình trong hai bộ phim đang hot chứ không mời những gương mặt bước ra từ truyền hình thực tế hay game show.

"Quán quân các cuộc thi như The Voice, X Factor, Gương mặt thân quen đều không có sức hút với truyền thông, công chúng còn không nhớ mặt. Thế nên, vài tháng trở lại đây những diễn viên trong Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử luôn là lựa chọn hàng đầu để làm khách mời tại các sự kiện", nguồn tin này giải thích.

Game show bão hòa đúng lúc phim truyền hình trên sóng VTV có sự chuyển mình. Một câu hỏi được đặt ra là liệu các đơn vị sản xuất có quay trở lại với phim truyền hình sau thời gian ồ ạt sang làm game show?

Tất nhiên, để làm một bộ phim truyền hình gây được tiếng vang bao giờ cũng khó hơn sản xuất một game show có format nước ngoài.

Nói như đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì một bộ phim truyền hình thành công và thu hút được khán giả phải hội tụ được đầy đủ yếu tố, từ kịch bản tốt, kỹ năng công nghệ làm phim được đầu tư, đến một dàn diễn viên chuyên nghiệp, hết tâm hết sức với nghề. Các công ty tư nhân liệu có dám "mạo hiểm"?

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích