James Wan là một gã tí hon theo đúng nghĩa đen. Anh chỉ cao 1,61m và nặng chưa tới 60kg, nhưng năng lượng sáng tạo và cường độ làm việc khiến ngay cả những nhà làm phim năng suất nhất Hollywood cũng phải thán phục.
Sinh năm 1977 ở Kuching, Sawawak (Malaysia) trong một gia đình người gốc Hoa, James Wan chuyển đến định cư ở Úc từ năm 7 tuổi. James Wan nuôi mộng làm phim từ khi còn nhỏ, nhất là khi được xem những bộ phim giàu sáng tạo của George Lucas, Steven Spielberg và Tim Burton. Họ truyền cảm hứng cho anh đến với con đường làm phim trong những năm cuối thập niên 1980.
Trong những năm tháng tuổi trẻ đam mê điện ảnh đó, James Wan may mắn gặp Leigh Whannell, một người bạn học chung tại trường RMIT tại Melbourne, cũng có niềm say mê đáng kinh ngạc với điện ảnh. Họ trở thành một cặp bài trùng của những ý tưởng sáng tạo không giống ai.
Sau Stygian (2000), một bộ phim dài đầu tiên thuộc thể loại kinh dị giành được một giải thưởng nhỏ tại Melbourne, năm 2003 James Wan và Leigh Whannell bắt đầu hợp tác để viết một kịch bản phim kinh dị, lấy truyền cảm hứng từ những giấc mơ và nỗi sợ của họ.
Họ mang kịch bản đó đi giới thiệu với các studio nhưng hầu như không hãng phim nào quan tâm đến hai kẻ vô danh với kinh nghiệm làm phim gần như bằng 0. Nhưng họ vẫn không bỏ cuộc mà tự vận động tài chính để sản xuất bộ phim đầu tay.
James Wan và hai diễn viên Jason Momoa và Amber Heard. Ảnh: Screen Rant. |
Với sự giúp đỡ của một số người bạn, trong đó có Charlie Clouser, người đồng thời cũng soạn nhạc nền cho phim và một số diễn viên nhận khoản cát xê tượng trưng (trong đó Leigh cũng đóng một vai chính), bộ đôi bắt đầu quay bộ phim với kinh phí cực thấp mà không hề biết họ đã bắt đầu xây dựng được một nền móng vững chắc cho “vũ trụ điện ảnh kinh dị” sau này.
Tháng 1/2004, Saw được chọn trình chiếu lần đầu tiên tại LHP Sundance. Chỉ vài ngày trước khi bộ phim được trình chiếu, hãng Lionsgate “đánh được mùi” sáng tạo độc đáo của bộ phim kinh dị bạo lực có kinh phí thấp này nên đã bỏ tiền ra mua và giành được quyền phát hành toàn cầu.
Mùa Halloween năm đó, Saw - kể câu chuyện rùng rợn về một kẻ sát nhân tâm thần máu lạnh chuyên bắt những kẻ lạ mặt nhốt và tra tấn họ trong một căn phòng khóa kín - tạo được tiếng vang lớn khi thu về tới 103 triệu USD. Kinh phí làm phim chỉ vỏn vẹn 1,2 triệu USD, nghĩa là lãi gấp hơn 80 lần.
Saw có thêm 6 tập nữa, mỗi năm mỗi phim kéo dài cho đến năm 2010. Không còn được đánh giá cao như lúc đầu, loạt phim này vẫn tiếp tục mang lại lợi nhuận ròng, đạt gần 900 triệu USD. Saw trở thành thương hiệu phim kinh dị có doanh thu cao nhất mọi thời đại trên toàn cầu (không tính lạm phát).
Saw là loạt phim kinh dị cực kỳ ăn khách của James Wan. Ảnh: Lionsgate. |
Dù đã có danh tiếng và nhiều lần được mời ngồi vào ghế đạo diễn để tiếp tục chỉ đạo các tập tiếp theo của Saw, James Wan từ chối thành công có sẵn để thử nghiệm các bộ phim mới.
Năm 2007, James đạo diễn Dead Silence và Dead Sentence thuộc thể loại kinh dị - hình sự có chủ đề báo thù từ ý tưởng kịch bản của anh và Leigh. Đáng tiếc, cả hai phim có kinh phí 20 triệu USD này đều thất bại về doanh thu và không được giới phê bình đánh giá cao.
Trong khi đó, các tập của Saw cũng bị chỉ trích là “thấy bở đào mãi” với những ý tưởng nghèo nàn và lặp đi lặp lại. James Wan thừa nhận sự thành công quá nhanh đã khiến họ chủ quan và đánh mất những ý tưởng sáng tạo thuần khiết của giai đoạn đầu. Họ đã dừng lại 3 năm để chuẩn bị cho sự trở lại đột phá hơn.
Năm 2010, với kịch bản của Leigh, James Wan trở lại với chiếc ghế đạo diễn bộ phim kinh dị tâm lý rùng rợn Insidious. Từ chối những khoản đầu tư lớn, họ quay trở lại với dòng phim kinh dị kinh phí thấp với sự hợp tác của nhà sản xuất Jason Blum, người cũng thành công tương tự với bộ phim kinh dị kinh phí cực thấp Paranormal Activity.
The Conjuring trở thành một vũ trụ điện ảnh kinh dị đầy hấp dẫn. Ảnh: Warner Bros. |
Insidious chỉ mất 1,5 triệu USD để sản xuất, tức là chỉ cao hơn một chút so với Saw. Phim có sự tham gia diễn xuất của hai ngôi sao Patrick Wilson (người trở thành bạn thân và cộng sự của James trong nhiều phim sau này) và Rose Byrne.
Sau khi trình chiếu và gây tiếng vang trong chương trình “Midnight Madness” tại LHP Toronto, hãng phim Sony và Fim District đã mua và giành quyền phát hành Insidious. Ra rạp vào tháng 4 năm 2010, Insidious thành công lớn khi thu về gần 100 triệu USD toàn cầu.
Được truyền thêm cảm hứng, James Wan lập tức ký hợp đồng với hãng New Line để đạo diễn The Conjuring với kinh phí 20 triệu USD. Cùng lúc đó, anh cũng lên kế hoạch để đạo diễn phần tiếp theo của Insidious 2 với kinh phí 5 triệu USD.
Năm 2013, The Conjuring và Insidious 2 thu được thành công kép khi thu về lần lượt là 318 và 161 triệu USD, đều là những sản phẩm siêu lợi nhuận của Hollywood.
Đấy là thời điểm mà James Wan lên ý tưởng mở rộng vũ trụ điện ảnh kinh dị với những thương hiệu phim ăn theo The Conjuring và Insidious. Những bộ phim ăn khách sau đó như Annabelle (2014), Insidious Chapter 3 (2015), The Conjuring 2 (2016), The Nun (2018) và một loạt phim nữa trong thời gian tới cho thấy tầm nhìn và khả năng sáng tạo của James Wan và người bạn chí cốt Leigh Whannell.
Dường như mọi thứ James Wan biến vào đều chạm thành vàng. Và gã biên kịch, đạo diễn, sản xuất gốc Á có vóc dáng tí hon phải khiến cả Hollywood nể phục.
Phim kinh dị luôn là thể loại phim dễ sinh lãi nhất do kinh phí thấp nhưng đồng thời cũng là thể loại phim dễ rơi vào sáo mòn nhất bởi mục tiêu duy nhất của chúng là đánh vào nỗi sợ hãi của khán giả.
James và Leigh luôn biết cách để tránh những công thức hù dọa dễ dãi của dòng phim này. Bối cảnh hay sự kiện trong các bộ phim kinh dị của James đều diễn ra ở Mỹ hay phương Tây nói chung, nhưng anh luôn tìm cách để mang vào đó thế giới tâm linh châu Á qua những câu chuyện kể từ người mẹ gốc Á của mình.
Đều khai thác nỗi sợ của con người nhưng trong loạt phim Saw, James Wan chú trọng đến tính tàn bạo của bạo lực và đặt ra câu hỏi về sự phi nhân tính của con người.
Thành công của Furious 7 có dấu ấn đặc biệt của James Wan. Ảnh: The Daily Beast. |
Còn trong vũ trụ điện ảnh kinh dị sau này, các nhân vật của anh đều là những con người bình thường bị đẩy vào những tình huống khủng khiếp, hay xoay quanh các bậc cha mẹ đang cố gắng trong tuyệt vọng để bảo vệ con cái của họ khỏi những thế lực đen tối.
Nếu trong Saw, James đánh vào nỗi sợ của khán giả bằng những màn tra tấn thể xác thì trong các bộ phim sau này, anh lại chú trọng đến nỗi sợ tinh thần, đến những ám ảnh của con người trước những thế lực siêu nhiên mà họ không hiểu được.
Dù hái ra tiền nhờ phim kinh dị và trong đầu vẫn còn hàng loạt ý tưởng sáng tạo, James Wan luôn biết cách để thoát ra khỏi những thế mạnh sẵn có của mình để thách thức ở một tầm cao hơn.
Năm 2015, khi đang lèo lái vũ trụ kinh dị hái ra tiền, James nhận lời đạo diễn Furious 7 sau khi người đồng nghiệp (đạo diễn gốc Đài Loan Justin Lin) tạm rời khỏi loạt phim bom tấn tiền tỷ sau khi đã thực hiện 4 tập phim liên tiếp.
Không chỉ giữ vững, thậm chí đưa những màn hành động và đua xe của thương hiệu này lên một tầm cao mới, điều khiến phần 7 của loạt phim này trở thành phần ăn khách kỷ lục (1,516 tỷ USD) chủ yếu là nhờ sự tri ân đầy xúc động của James dành cho Paul Walker, một trong hai tài tử chính của bộ phim (cùng với Vin Diesel) qua đời sau một tai nạn đầy thảm kịch trước đó.
Trong những giây phút cuối của Furious 7, những hình ảnh sống động của Paul Walker trong 6 phần phim trước đó được tái hiện trên nền bản nhạc See You Again do Charlie Puth và rapper Wiz Khalifa thể hiện đã khiến khán giả phải nhòa lệ.
Furious 7 đạt doanh thu lên đến 1,516 tỷ USD, đưa loạt phim tốc độ lên một tầm cao mới. Ảnh: Universal. |
Đánh trúng và đúng thời điểm vào tâm lý và cảm xúc của khán giả, dù là trong phim kinh dị hay phim hành động bom tấn, luôn là một biệt tài của James Wan và lý giải tại sao hầu như mọi thứ anh đụng vào đều có thể biến thành vàng.
Doanh thu 1,516 tỷ USD doanh thu từ Furious 7 cao hơn 1.000 lần so với kinh phí làm bộ phim đầu tiên của James Wan sau 12 năm. Đấy là một điều mà có nằm mơ, anh cũng không thể tưởng tưởng được. Và ngay cả những nhà làm phim sừng sỏ nhất của Hollywood cũng khó có thể tưởng tượng được.
Và ở thời điểm cuối năm 2018 này, James Wan lại là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở Hollywood khi bom tấn mới nhất của DC Comics là Aquaman được trình chiếu.
Không phủ nhận kế thừa những sáng tạo của các bậc thầy đi trước như George Lucas, James Careron hay Steven Spielberg, nhưng dấu ấn của James Wan trong Aquaman vẫn rất rõ nét.
Không chỉ là những sáng tạo kỹ xảo đột phá để tạo ra một thế giới huyền ảo dưới đại dương, James Wan cũng biết cách để biến siêu phẩm của DC Comics thoát khỏi những nhược điểm đang khiến hãng phim này ngày càng thất thế trước Marvel.
Phá bỏ được lối kể chuyện rối rắm, dài dòng và thậm chí “tỏ ra nguy hiểm” với những triết lý nửa vời, Aquaman tuyệt đối là một bộ phim giải trí thuần túy với những cảnh hành động mãn nhãn và mang lại nhiều tiếng cười hài hước.
Aquaman của James Wan đậm chất giải trí, có khả năng giúp vực dậy thương hiệu Vũ trụ Điện ảnh DC. Ảnh: Warner Bros. |
Đây không hẳn là một bộ phim đột phá nhưng nó là bộ phim cần thiết để vực dậy thương hiệu Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU) đang trong cơn khủng hoảng tìm hướng chinh phục khán giả trước đối thủ sừng sỏ Marvel Universe.
Aquaman thậm chí cũng được dự báo trở thành bộ phim đạt doanh thu tỷ USD đầu tiên của DCEU và mở ra một hướng đi mới cho vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng này. Công lớn một lần nữa lại thuộc về James Wan, gã khổng lồ tí hon đến từ châu Á.
Trong khi đang tiếp tục điều hành vũ trụ kinh dị với một loạt phim mới mà James giữ vai trò sản xuất, lên kế hoạch để đạo diễn Aquaman phần 2, anh còn tham vọng đạo diễn loạt phim Batman nhưng với phiên bản… kinh dị.
“Trước đây, cũng giống như nhiều đạo diễn khác, tôi thích ý tưởng được đạo diễn bộ phim Batman. Nhưng tôi muốn biến nó trở thành một phiên bản kinh dị. Tôi thích thú với ý tưởng được làm một bộ phim về Batman thực sự đáng sợ. Tôi cảm giác nó sẽ rất tuyệt”, James nói.
Sau khi đã thành công vang dội với “vũ trụ kinh dị” và “vũ trụ siêu anh hùng”, hãy chờ đợi sự hòa trộn của hai vũ trụ này dưới bàn tay của James Wan sẽ như thế nào.
Theo Zing