Việt Tú là một trong những đạo diễn âm nhạc tài hoa và chuyên nghiệp nhất hiện nay. |
- Anh có thể tiết lộ anh đã làm gì trong suốt vài tháng vừa rồi?
- Tôi vừa có một chuyến đi New York gần 1 tháng sau một thời gian dài không thể thu xếp nổi thời gian để trở lại đây. Điều này rất quan trọng tôi nghĩ không được phép bỏ lỡ. Tôi đã rất cố gắng nỗ lực để biến nó trở thành hiện thực ở một khoảng thời gian hẹp có thể thu xếp vì nó giúp tôi có thể nạp lại nguồn năng lượng đã đốt sạch trong suốt mấy năm làm việc liên tục vừa qua.
Trong suốt một tháng đó mọi thứ giống như một giấc mơ không phải vì tôi chưa ở đó bao giờ, mà vì đã lâu rồi mới được sống lại bầu không khí của sự điên rồ, rạo rực mà mình đã để quên đâu đó trong suốt những tháng năm làm việc đến nỗi nhiều khi quên đi rằng đã có những lúc mình chỉ sống với những ước mơ bay bổng như vậy.
- Đi xem show để học thêm những điều mới mẻ của nghệ thuật thế giới, anh không sợ nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, khiến người ta có thể nói anh “copy”, “xào xáo” và nặng nề hơn là “đạo” ý tưởng sao?
- Điều đó là không thể tránh khỏi nếu như việc học được tiến hành không có hệ thống. Đi ra thế giới là cần thiết để có thể trưởng thành, nhưng học như thế nào để hoà nhập mà không hoà tan thì lại là một vấn đề không đơn giản. Đa phần chúng ta đi xem show theo cách cưỡi ngựa xem hoa chứ không ở trong xã hội đó, nền công nghiệp giải trí đó, thấy hay, thấy choáng ngợp nhưng không hiểu tại sao họ làm được như vậy. Tôi đã làm công việc này nhiều năm nếu cho đến thời điểm hiện tại chưa có điều tiếng gì thì tôi thấy có thể mình đã chọn cách tiếp cận đúng vấn đề cũng như may mắn phân định được rõ ràng giữa học hỏi và copy vốn chỉ là một ranh giới mỏng manh rất khó phân định trong nghệ thuật.
Đạo diễn Việt Tú tại nhà hát Lion King nổi tiếng. |
- Là một người được đào tạo bài bản từ Nhạc viện Quốc gia, đã bao giờ anh cảm thấy ngán ngẩm với hiện trạng của làng nhạc Việt nói riêng và showbiz nói chung?
- Tôi chỉ quan tâm đến việc mình làm, và cố gắng làm tốt nhất trong điều kiện có thể. Những vấn đề vĩ mô, cần sự chung tay góp sức và hành động tích cực của cả một mặt bằng xã hội, ngán ngẩm không phải là giải pháp để chấm dứt vấn đề.
- Anh có hứng thú với các gameshow truyền hình, ví như “The Voice”? Anh nghĩ làm đạo diễn sân khấu hay một chương trình dễ và khó khác nhau như thế nào?
- Thời điểm đầu tiên khi chuyển tiếp từ môi trường truyền hình ra ngoài làm, công việc kiếm sống chủ yếu của tôi là đi làm đạo diễn dàn dựng và bấm hình cho các gameshow format nước ngoài do các công ty tư nhân nhập về, có thể nói đây luôn là một công việc thú vị. Tất cả về cơ bản đều đòi hỏi kỹ năng của một người đạo diễn, ngoài ra mỗi dạng thức chương trình sẽ đòi hỏi một số kỹ năng chuyên biệt riêng.
Tổng đạo diễn một chương trình giải trí trên truyền hình trực tiếp là khó nhất vì nó vừa đòi hỏi kiến thức của một đạo diễn sân khấu đồng thời phải hiểu những kỹ thuật, thủ pháp của truyền hình, trong một chương trình truyền hình trực tiếp ngoài việc kiểm soát những gì diễn ra trên sân khấu, bạn còn cần phải hiểu công việc của người đạo diễn hình của Truyền hình để đảm bảo công việc của hai bên không dẫm chân lên nhau, đồng thời người đạo diễn hình hiểu được mong muốn của bạn. Chưa kể những căng thẳng của việc cần phải tập trung cho những đoạn lên sóng, xuống sóng để phục vụ cho quảng cáo thương mại.
- Nếu nhận được một lời làm đạo diễn một gameshow nào đó, anh có đủ tự tin tham gia hay vẫn hứng thú với chiếc ghế giám khảo khách mời hơn?
- Tôi chỉ nhận lời ngồi làm giám khảo mỗi khi có thời gian, vì đây cũng là một công việc cần đầu tư thời gian nghiêm túc chứ không phải cứ lên sóng rồi nói gì cũng được. Những lời mời đạo diễn các chương trình truyền hình thực tế vẫn đến với tôi và lý do duy nhất tôi chưa nhận lời vì không thu xếp được thời gian, một mùa của một series truyền hình thực tế thường kéo dài tới nửa năm, nếu nhận lời coi như không thể làm được bất kỳ công việc nào khác, trong khi đó các khách hàng truyền thống vẫn luôn cần được ưu tiên hàng đầu.
Anh có thói quen đi xem và ghi lại rất nhiều hình ảnh ấn tượng từ các đêm diễn của nghệ sĩ nước ngoài. |
- Nhiều người nghĩ gameshow chỉ mạnh ở chiêu và trò. Ý kiến của anh thì sao?
- Tất cả mọi chương trình giải trí mà không có chiêu trò thì rất khó thu hút được khán giả và đó là một phần tạo nên sự hấp dẫn của các chương trình giải trí. Trước đây tôi vẫn luôn có phản ứng cực đoan với các chiêu trò, nhưng suy cho cùng, bản chất của các chương trình giải trí cần đến điều đó, chưa kể đa phần chúng ta đang rất nhầm lẫn về khái niệm chiêu trò. Ngay cả trong những chương trình âm nhạc chúng ta vẫn quen gọi là “giản dị đỉnh cao” thì vẫn cần đến chiêu trò, chỉ có điều vì nó là đỉnh cao nên chiêu trò cũng đỉnh cao nên ít người xem nhận biết được mà thôi.
- Anh có thể nói gì khi “Không gian âm nhạc” (KGAN) – đứa con cưng của mình – đứt gánh giữa đường? Theo anh, đó là chuyện may hay xui trong thời điểm này?
- Tôi nghĩ mọi người cũng lại đang hiểu sai bản chất của vấn đề, cá nhân tôi chưa bao giờ cam kết KGAN sẽ làm trong một khoảng thời gian cụ thể nào đó mà chỉ cam kết sẽ mang đến khán gỉa một chương trình nghệ thuật thực sự có chất lượng. Hãy nhìn vào hiệu ứng xã hội cũng như sự tác động của KGAN lên một chuỗi các chương trình nghệ thuật tử tế sau đó trên thị trường. Với cá nhân tôi điều quan trọng nhất của một người nghệ sĩ là tạo ra những sản phẩm nghệ thuật tử tế, còn duy trì nó lâu dài là trách nhiệm của mặt bằng kinh tế xã hội. Cơm áo không đùa với khách thơ, KGAN có thể tạm ngừng để chờ những thời điểm thích hợp và điều may mắn là chưa có thành viên nào của ekip phải lên mặt báo vì phá sản cả.
- Có ý kiến cho rằng không phải vì thiếu tiền mà đơn giản là những mâu thuẫn trong nội bộ khiến KGAN không thể tiếp tục?
- KGAN sẽ luôn là một kỷ niệm đẹp với tất cả những người đã có may mắn được là một phần của dự án này bao gồm cả những khán giả cho tới bây giờ thỉnh thoảng vẫn nhắn tin hỏi tôi rằng liệu có một cơ may nào đó để có thể mở cửa trở lại chương trình. Điều đó làm tôi thấy thực sự xúc động cũng như thấy rằng những gì mình và ekip cố gắng thực hiện đã được mọi người ghi nhận không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn rất lâu sau đây nữa.
- Vợ anh nói sao khi ông xã ngần này tuổi lại còn cắp sách đi tận nước ngoài học hỏi trong thời điểm bão giá như thế này?
- Sự học là việc cần được duy trì trong cả cuộc đời. Nó là sự tái đầu tư cần thiết cho công việc đồng thời thể hiện sự tôn trọng của tôi với đồng tiền mình nhận được từ khách hàng. Việc sử dụng những đồng tiền mình kiếm được cũng như tiềm lực của gia đình vào việc tái đầu tư cho công việc còn hơn là tiêu xài hoang phí vô bổ.
Việt Tú có goute thời trang khá độc đáo và không kém phần sành điệu, cá tính. |
- Anh từng nói có năm từng sống nhờ tiền của vợ. Liệu anh có để quá khứ lặp lại?
- Không ai mong muốn điều đó, nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó. Và nếu nó có lặp lại thì điều tích cực nhất là tôi đã có kinh nghiệm để tiếp tục thoát ra khỏi tình trạng này (cười).
- Dường như Việt Tú khá kín tiếng với chủ đề gia đình, vợ con. Tại sao anh không thích khoe hạnh phúc nhỏ của mình?
- Tôi làm một công việc mang tính xã hội, bề nổi và hào nhoáng cao, và có lẽ trong gia đình chỉ mình tôi ở trong thế giới nhiều thị phi đó là đủ. Tôi hiểu những người trong gia đình muốn gì ở mình và luôn cố gắng hết sức để những đặc thù công việc không ảnh hưởng tới họ.
- Giày đỏ thêu thùa rồi quần xắn gấu điệu đà, có nhiều người nghi vấn giới tính của anh, anh không thấy phiền sao?
- Thời trang đối với tôi là một sở thích, mọi người có quyền nghi ngờ và tôi chưa bao giờ thấy phiền về điều đó cả, miễn sao việc đó nằm trong những giới hạn cho phép.
- Tôi từng nghe người ta nói: “Nam có Dũng “khùng”, Bắc có Việt Tú”. Có bao giờ anh phải thốt lên câu “Trời đã sinh Tú, sao còn sinh Dũng”?
- Dũng là một đạo diễn điện ảnh hàng đầu, và là một trong số ít những đạo diễn giỏi nhất trên thị trường hiện nay. Không có gì phải cảm thấy phiền lòng khi được so sánh hay làm việc cùng với một người bạn và người đồng nghiệp như vậy cả.
Theo Tri Thức