Hàn Quốc - “thánh địa” phẫu thuật thẩm mỹ của Châu Á
Đây chính là lời bình của tờ tạp chí kinh doanh Mỹ - Business Insider. Ở Châu Á, không đất nước nào phát triển phẫu thuật thẩm mỹ nhanh hơn Hàn Quốc, đơn giản bởi số lượng người có nhu cầu thẩm mỹ ở đây quá lớn. Business Insider từng đưa ra con số: Cứ 5 phụ nữ Seoul lại có một người từng đi phẫu thuật thẩm mỹ. Và đó mới chỉ là con số được thống kê năm 2009.
Nếu bạn tới thăm những ga tàu điện ngầm như Sinsa hay Apgujong ở Seoul, bạn sẽ bắt gặp vô số những quảng cáo đầy hứa hẹn như thế này. |
Phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên quá phổ biến ở Hàn Quốc đến mức những nỗi sợ hãi về đau đớn thể xác khi động chạm dao kéo dường như hoàn toàn biến mất ở đất nước này. Ở đây, người nổi tiếng, nghệ sĩ, thậm chí cả hoa hậu có thể thoải mái chia sẻ chuyện nhan sắc mình có được là do tác động của dao kéo.
Hoa hậu Hàn Quốc 2012 - cô Yu Mi Kim khi bị phát hiện từng phẫu thuật thẩm mỹ đã điềm nhiên phát biểu: “Tôi chưa bao giờ nói mình đẹp tự nhiên”. Vương miện đương nhiên vẫn thuộc về cô. Những cô gái xinh đẹp của ban nhạc đình đám T-ara cũng thừa nhận đã phẫu thuật thẩm mỹ. |
Đối với người dân Hàn Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành một xu hướng tất yếu. Nó đem lại những lợi ích không thể phủ nhận. Ở đây, được phẫu thuật thẩm mỹ là một niềm hạnh phúc. Những cô gái Hàn Quốc háo hức chờ đợi khi mình đủ 16 tuổi để có thể phẫu thuật thẩm mỹ. Lúc đó, những gia đình có điều kiện sẽ tặng cho con mình món quà sinh nhật “ý nghĩa”, đó là những ca tiểu phẫu đơn giản như cắt mí mắt hay nâng mũi.
Thậm chí có nhiều bậc cha mẹ còn gây áp lực để con cái đồng ý đi phẫu thuật thẩm mỹ sớm. Một phụ nữ Hàn Quốc từng chia sẻ với tạp chí Vice của Mỹ rằng: “Thấy con cái của những nhà khác ngày càng trở nên xinh đẹp, làm sao tôi có thể chấp nhận để con mình trông như con vịt xấu xí được?”. Ở đây, phẫu thuật nâng mũi thường được các bậc cha mẹ dành tặng cho con khi đủ 16 tuổi còn “xuất” phẫu thuật cắt mí sẽ được tặng sau khi tốt nghiệp trung học.
Nói thế này có thể hơi quá nhưng với phụ nữ Hàn Quốc, dường như họ “thà chết vì đẹp còn hơn sống mà xấu xí”. Những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và tính mạng thường không được đề cập đến nhiều.
Phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành chuyện thường ngày ở Hàn Quốc đến mức mọi người đều nói về nó. Thay vì hỏi nhau mua túi xách hay đôi giày ở đâu, họ sẽ hỏi nhau đi gọt cằm hay nâng mũi ở bác sĩ nào. |
Nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Hàn - Ji Yeo khi trở về Hàn Quốc đã bị sốc trước sự ám ảnh của phụ nữ Hàn đối với phẫu thuật thẩm mỹ. Nét tâm lý xã hội này đã khiến Ji Yeo thực hiện một bộ ảnh có tiêu đề “Những cô gái ở phòng hậu phẫu” khắc họa những phụ nữ Hàn Quốc vật vã trong cơn đau sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Để đẹp, họ sẵn sàng chịu đựng tất cả. Ji Yeo đã rất sốc khi thấy những người phụ nữ vui vẻ và thỏa mãn sau khi thực hiện xong ca phẫu thuật. Dù họ rất đau, nhưng vẫn vô cùng phấn khích, ngay cả khi những vết tụ máu hay phồng rộp làm họ khổ sở, họ vẫn chỉ nghĩ tới diện mạo của mình: Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, mình sẽ xinh đẹp!
Trong khi xã hội phương Tây đề cao cá tính riêng, nét đẹp độc đáo ở mỗi cá nhân, phụ nữ Hàn lại bị "ám ảnh" bởi vẻ đẹp khuôn mẫu tới mức "răm rắp" đi phẫu thuật thẩm mỹ một cách rập khuôn. Chính điều này đã khiến du khách phương Tây khi tới Hàn Quốc khá hoang mang.
Theo kết quả một cuộc điều tra mà Hàn Quốc tiến hành đối với các khách du lịch, đa số ý kiến đều cho rằng việc phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến trong phụ nữ Hàn Quốc là một nét văn hóa khó hiểu. Họ cũng thường tò mò không hiểu tại sao diện mạo các cô gái ở đây lại quá giống nhau.
Các cô gái Hàn Quốc đều mong muốn có được một vẻ đẹp theo công thức chung: da trắng, mũi cao, mắt to, mặt thon, cằm V-line. Đàn ông Hàn Quốc cũng không còn xa lạ gì với phẫu thuật thẩm mỹ. Họ hy vọng ngoại hình khá sẽ giúp tìm được vợ xinh - tài - đảm, sẽ nhanh thăng tiến… Vẻ đẹp của nữ diễn viên - người mẫu Kim Tae-Hee rất được phụ nữ Hàn Quốc ưa chuộng. Vì vậy, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thường nhận được yêu cầu: Hãy phẫu thuật cho tôi giống Kim Tae-Hee. |
Khi đến du lịch ở Hàn Quốc, bạn sẽ nhận được vô số thông tin về các thẩm mỹ viện. Thậm chí, Hàn Quốc còn đang thành lập một đội chuyên hỗ trợ du lịch thẩm mỹ ở quận Gangnam (quận tập trung nhiều thẩm mỹ viện nhất Seoul) để cung cấp thông tin y tế cho du khách.
Việc bắt gặp người nước ngoài ngồi chờ trước phòng mổ ở thẩm mỹ viện đã không còn xa lạ với người dân Hàn Quốc. Theo thống kê, năm ngoái, gần 150.000 lượt khách du lịch thẩm mỹ đã tới thăm Hàn Quốc. Theo nhiều nhà nghiên cứu, con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên qua từng năm bởi Hàn Quốc đang đẩy mạnh hình thức du lịch này.
Trung Quốc - “Cường quốc mới nổi”
Tháng 9 vừa qua, báo chí Trung Quốc đưa một tin “khá hài” khi hai nữ du khách nước ngoài bị nhân viên hải quan Trung Quốc chặn lại ở cửa khẩu bởi họ quá giống Phạm Băng Băng.
Được biết hai phụ nữ này đã thực hiện những ca phẫu thuật thẩm mỹ khi tới du lịch ở Trung Quốc khiến khuôn mặt họ thay đổi quá nhiều, khác hẳn với ảnh dán trong các loại giấy tờ tùy thân. Điều này đã khiến các nhân viên hải quan bối rối trong cách xử lý.
Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên nhân viên hải quan Trung Quốc gặp phải trường hợp này. Có những khách du lịch sau khi trở về từ Trung Quốc bỗng nhiên có một diện mạo hoàn toàn đổi khác, nguyên nhân chính là nhờ phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong tháng 9 vừa qua, có 3 người đàn ông “fan cuồng” ở Trung Quốc đã tổ chức họp báo để khoe rằng họ đã thực hiện tương đối thành công những ca phẫu thuật thẩm mỹ để có được “nhan sắc” như Thiên vương Lưu Đức Hoa. |
Trước tình hình mới này, để tránh những rắc rối không đáng có, các khách du lịch tới Trung Quốc phẫu thuật thẩm mỹ được Chính phủ Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để làm lại hộ chiếu ngay sau khi thực hiện ca phẫu thuật.
Tuy mới nổi lên tại Châu Á trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ nhưng Trung Quốc đã được coi là một “cường quốc”. Được biết gần đây, các thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc liên lục địa và Hoa hậu Du lịch Hàn Quốc đã được ban tổ chức đưa sang Trung Quốc tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ để mỗi người đẹp một vẻ, tránh “đụng hàng”.
Tay nghề phẫu thuật thẩm mỹ của các bác sĩ Trung Quốc giờ đây đã được công nhận khi không ít sao Hoa ngữ đẹp lung linh… một cách nhân tạo. Những “mỹ nhân dao kéo” nổi tiếng Trung Quốc có thể kể đến như nữ diễn viên Dương Mịch, Liễu Nham hay người mẫu Angela Baby…
Nhan sắc trước và sau phẫu thuật của Angela Baby
Mỹ - Vương quốc tự do
Đối với người Mỹ, họ không quá quan trọng đường nét khuôn mặt mà đề cao vẻ hấp dẫn hình thể. Nhìn chung người Mỹ quan niệm khá thoáng: nếu bạn không được thượng đế phú cho một nhan sắc trời sinh thì luôn có cách khác để được hài lòng: Hãy đi phẫu thuật thẩm mỹ!
Theo thống kê của Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ năm 2011, tỉ lệ ca phẫu thuật nâng ngực ở Mỹ chiếm tỉ lệ cao nhất. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tiêu chí về vẻ đẹp ở quốc gia này.
Ở Mỹ, những người đẹp nóng bỏng nhất, thường xuyên xuất hiện trên mặt báo nhất là những người sở hữu số đo vòng 1 hoặc vòng 3 “khủng”. Có thể kể ra hàng loạt những “mỹ nhân tai tiếng” như người mẫu “ngực bự” của tạp chí Playboy - Anna Nicole Smith, “cô Kim siêu vòng 3” - Kim Kardashian, hay “cô dâu tuổi teen ngực khủng” - Courtney Stodden…
Người mẫu “ngực bự” Anna Nicole Smith là “cô nàng lắm chiêu” đầu tiên của nền công nghiệp giải trí Mỹ, nổi tiếng với công thức: tóc vàng, ngực bự, scandal. Tai tiếng nhưng Anna là người đi tiên phong và đã “khai phá” ra “gu” yêu thích của người Mỹ. |
Tổng thống Obama từng quá lo ngại trước việc giới trẻ Mỹ “phát sốt” với Kim Karrdashian tới mức ông phải phát biểu chính thức trước truyền thông rằng: Người trẻ Mỹ đừng nên coi sự giàu có và nổi tiếng của Kim Kardashian là biểu tượng của thành công thực sự.
Tuy vậy, những nhân vật như cô Kim vẫn ngày ngày xuất hiện trên khắp các mặt báo Mỹ, gây bão trong dư luận. Họ không bao giờ được coi là nghệ sĩ nhưng tần xuất phủ sóng “điên đảo” của họ chẳng thua kém gì những ngôi sao hạng A của Hollywood. Điều đó cho thấy người Mỹ thực tế cũng rất “ám ảnh” với phẫu thuật thẩm mỹ, với những “bơm, độn, nâng...”
Theo Dân Trí