Nhạc sĩ có biểu diễn ở các sân khấu vẫn phải làm hồ sơ xin cấp thẻ hành nghề. Trong ảnh: nhạc sĩ Đức Huy - Ảnh: Gia Tiến |
Theo đó, việc cấp thẻ diễn ra đơn giản cho tất cả cá nhân tham gia lĩnh vực NTBD, không cần đến hội đồng nghệ thuật thẩm định. Tuy nhiên, khâu hậu kiểm với công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt sẽ được làm rất chặt chẽ. Trong tháng 11-2013, thông tư hướng dẫn việc thực hiện cấp thẻ hành nghề, chế tài xử phạt với các trường hợp vi phạm sẽ hoàn thành.
Ông Nguyễn Đăng Chương (cục trưởng Cục NTBD, đơn vị chủ trì soạn thảo đề án) cho biết: “Đề án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với các đơn vị trực tiếp biểu diễn”. Tại cuộc họp, cục trưởng Cục NTBD cũng thống kê hàng loạt sai phạm của nghệ sĩ, người mẫu gây bức xúc trong dư luận. “Nhiều cá nhân không có trình độ, khả năng chuyên môn về biểu diễn nghệ thuật đã lợi dụng các trang mạng xã hội trực tuyến, website... để phổ biến những sản phẩm kém chất lượng, trái với đạo lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều người không có năng khiếu, không được đào tạo cũng tham gia hoạt động biểu diễn nhằm mục đích doanh thu nhưng không đảm bảo chất lượng nghệ thuật” - ông Chương nói.
Theo ông Chương, nếu đề án được thông qua thì đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc cấp thẻ hành nghề cho gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu trong cả nước. Theo đề án này, kể cả những nhạc sĩ nhưng có biểu diễn ở các sân khấu thì vẫn phải làm hồ sơ xin cấp thẻ hành nghề. “Khi lên sân khấu, những người như nhạc sĩ Trần Tiến, Quang Vinh, Đức Huy hay nhiều nhạc sĩ đa tài khác vẫn được tính là nghệ sĩ biểu diễn. Với vai trò đó, họ cũng phải chấp hành quy định của pháp luật, ở đây là phải có thẻ hành nghề” - ông Chương cho biết.
Tuy nhiên, một đối tượng biểu diễn mới xuất hiện không nằm trong khung điều chỉnh của đề án cấp thẻ hành nghề là các ca sĩ nhí bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc. Tần suất biểu diễn, xuất hiện trên truyền hình cao của đối tượng này không khác các nghệ sĩ trưởng thành. Tuy nhiên, nếu cấp thẻ hành nghề, Bộ VH-TT&DL cũng đứng trước nguy cơ bị “thổi còi” vì vi phạm lao động trẻ em. “Đây cũng là nhóm đối tượng mà chúng tôi phải lưu tâm trong lần sửa dự thảo tiếp theo” - Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đồng tình với ý kiến của các nhà báo.
Theo khẳng định của Cục NTBD, đề án áp dụng đối với các nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn khi ngày càng nhiều nghệ sĩ người nước ngoài hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam một cách liên tục. Bên cạnh đó, thời hạn cấp chứng chỉ sau khi nộp hồ sơ là bao nhiêu ngày cũng chưa được nhắc đến trong đề án. Dự kiến từ nay tới cuối năm 2013, dự thảo đề án sẽ được đăng tải công khai trên website của Bộ VH-TT&DL để lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Những quy định, chế tài cụ thể sẽ được làm rõ tại thông tư hướng dẫn đề án, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 này.
Theo Tuổi Trẻ