“Chết” nhưng đừng làm đám tang
Đạo diễn Phượng Hoàng cho biết, thời cải lương video thịnh hành, 1 tháng anh quay 10 vở tuồng có ít nhất 7 cái đám tang. Vai của anh không phải đào kép chánh “chết” cũng là nghệ sĩ dàn bao.
Đạo diễn Lê Lộc góp thêm: “Đặt hình trước đầu quan tài là điều tối kỵ với nghệ sĩ nên hầu như các cảnh quay này phải sử dụng ảnh giả hoặc lược bỏ để không ảnh hưởng đến họ”.
"Trong những trường hợp diễn viên không chịu “chết”, tác giả phải sửa lại cảnh, giấu nhân vật đó đi hoặc khi quay cho thế thân”, NSND Huỳnh Nga nói.
Danh hài Hoài Linh bên tấm ảnh thờ… chính mình. |
Nghệ sĩ lão thành Ánh Hoa, người đóng trên 200 vai bà mẹ đều có số phận bi thảm, kết thúc vở diễn hoặc bộ phim đều chết, nhớ lại: “Có lần đoàn phim này sử dụng ảnh tôi chết của đoàn phim khác, đạo diễn không để ý nhưng tôi nhìn qua bối cảnh là nhớ ngay. Dù đóng các vai bà già nhưng cách hóa trang và mỗi cái chết đều khác nhau nên tôi ghi nhớ. Lúc đó, tôi đề nghị đổi ngay hình thờ thì mới quay, chứ chẳng lẽ chết mà cũng photocopy?”.
NSƯT Thanh Nga nhớ mãi cảnh khóc tức tưởi khi ôm NSƯT Út Bạch Lan - đóng vai người mẹ - chết trên tay cô (vở Con gái chị Hằng). Cô nói không sợ đóng vai chết nhưng sợ nhất cảm giác người thân mất đi. “Với nghệ sĩ chúng tôi, không ai sợ đóng vai chết. Chết giả nhưng được công chúng yêu mến còn hơn là cứ sống với vai diễn mà khán giả ngoảnh mặt thì đau đớn biết chừng nào”, NSƯT Thanh Nga tâm sự.
“Chết” nhiều lần thì… “hên”
Đạo diễn Chánh Trực cho biết, hiện nay, nhiều diễn viên trẻ rất ý thức làm nghệ thuật nghiêm túc, luôn sẵn sàng đóng vai người chết mà không cần thế thân, cũng như chấp nhận để hình ảnh thật lên bàn thờ. Nếu phải diễn vai người chết để nhân vật được sống mãi với thời gian cũng là giá trị chân chính của người làm nghề. Diễn viên trẻ Mai Phương - người liên tục “chết” trên sân khấu vở Người vợ ma - cho biết, cô đã “chết” từ lúc mới ra trường, khi tham gia bộ phim Xóm cào cào của đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh. “Nhiều người cũng sợ vì có kiêng có lành nhưng với tôi, chuyện trưng ảnh cũng bình thường, dù có lúc cảm thấy rờn rợn”, Mai Phương bày tỏ.
Mai Phương trong vở kịch Người vợ ma. |
Còn nghệ sĩ Mạnh Tràng kể vui: “Khi tập vở Áo cho người chết, đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu hỏi tôi có ngại để hình trên bàn thờ không? Vì vai của tôi chỉ ngay màn đầu đã bị tai nạn qua đời. Tôi không ngại và tìm một tấm hình để rọi lớn đúng kích cỡ hình thờ nhưng thầy Giàu bảo không cần. Sau đó, thầy để trên bàn thờ một khung hình rỗng rồi bảo tôi đứng phía sau ló mặt vào. Hiệu ứng của pha diễn đó đã thành công vì nhân vật của tôi tuy đã chết nhưng vẫn quan sát những người trong ngôi nhà. Dễ gì được diễn vai người chết để có thể trải nghiệm như vậy”.
Điểm lại danh sách các vở đã đóng, nghệ sĩ Hồng Nga cho biết, chị có gần 100 vai chết. “Hễ nhận kịch bản nghe đạo diễn bảo tuồng này chị chết, tôi nửa mừng nửa sợ. Mừng vì vai chết sẽ ít xuất hiện, thời gian trống còn làm việc khác. Lo vì không lẽ có một tấm hình thờ cứ sử dụng hoài. Thế là đạo diễn Lê Lộc mời một nhiếp ảnh gia đến và yêu cầu tôi mang theo áo dài, áo bà ba, tóc giả. Cứ thế chụp hàng trăm tấm ảnh chân dung để dành… thờ”, nghệ sĩ Hồng Nga kể.
Theo nghệ sĩ Trung Dân, đóng vai chết phải chui vô hòm mới sợ. “Có lần quay một vở cải lương ở Bạc Liêu, sau cả ngày tắm nắng mệt nhoài tới cảnh quay tôi bị liệm. Được đặt vào quan tài với xung quanh là hoa thơm ngát nên tôi ngủ ngon lành. Đến lúc mở mắt ra đoàn phim đã chuyển qua quay cảnh khác, lúc đó mới thấy sợ”, nghệ sĩ Trung Dân kể.
Một lần, đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá được mời về Đoàn Cải lương Tây Ninh dựng vở mới. “Trong đoàn có 2 cô diễn viên trẻ sợ ma nên khi nghe tôi về dựng vở thì lên tiếng trước: 'Thầy ơi, đừng có dựng vở có người chết, tụi con sợ lắm'. Tôi trả lời: 'Thầy đâu có dựng vở một người chết mà toàn bộ đều chết'. Bởi đó là vở cải lương Người trong cõi chết”, đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá kể.
Theo Đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá, sau khi diễn vở cải lương này, 2 cô đào đã hết sợ ma vì toàn bộ nhân vật trong vở đều là “người cõi âm”.
Theo Nguoilaodong