“Nếu Vinashin, Vinalines được cổ phần hóa, chắc đã không có tiêu cực”

Thứ tư, 19/02/2014, 07:28
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là lĩnh vực, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của chính phủ trong 2 năm tới (2014-2015) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tại Hội nghị triển khai tái cơ cấu DNNN ngày 18/2 ở Hà Nội. Theo người đứng đầu chính phủ, hiệu quả quan trọng nhất của CPH là đa sở hữu sẽ tạo nên động lực. “Nếu một người quản lý mấy chục nghìn tỉ, song không có vốn của chính mình thì sẽ không có động lực” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định.

485 DN sẽ CPH vào năm 2015

Trước thực tế DNNN có vốn tín dụng chiếm 60%, nhưng đóng góp GDP có 30%, Thủ tướng yêu cầu cần phân tích để cơ cấu lại DNNN, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. “Có đến 4.000 DN được CPH đang hoạt động hiệu quả. Như ý kiến của một chuyên gia, nếu các tập đoàn Vinashin, Vinalines được thực hiện CPH sớm, chắc không xảy ra tiêu cực” – Thủ tướng nêu.

Dù hiệu quả của CPH đã rõ ràng, song trong 3 năm qua chỉ có 180 DN được sắp xếp lại, gồm 99 DN được CPH, mà 44 trong số này đã thuộc Bộ GTVT. “Nhiều bộ, ngành, DN còn chậm chạp. Như Bộ Văn hóa có 16 DN gần như chưa làm gì. Hay Tổng Công ty hàng hải cũng vậy” – Thủ tướng quan ngại.

cổ phần hóa DNNN

Dù nguyên nhân khách quan là do khủng hoảng kinh tế, tiền đầu tư thiếu, nhà đầu tư ít, song Thủ tướng chỉ rõ, lý do cơ bản nhất là sự thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm để chấp hành nghị quyết. Dự kiến, trong 2 năm tới, sẽ có 432 DNNN chờ được CPH. Song Thủ tướng yêu cầu phải rà soát tiếp, để nâng số lượng được CPH lên 485 DN vào năm 2015. Mục tiêu đặt ra, là phải giảm mạnh số DN mà NN giữ cổ phần chi phối, đồng thời rà soát để đưa thêm DN vào danh sách CPH nhằm giảm bớt tỉ lệ cổ phần mà NN nắm giữ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, chủ trương sắp tới sẽ thu hẹp số lượng các DN 100% vốn NN, chỉ giữ 100% vốn ở một số lĩnh vực và địa bàn quan trọng, liên quan đến quốc phòng an ninh, cần thiết cho nền kinh tế. Còn cơ bản các DN đều phải CPH.

Thủ tướng yêu cầu phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của từng bộ trưởng, từng chủ tịch tỉnh. Người đứng đầu chính phủ đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN – hàng tháng phải họp giao ban, để xử lý các vướng mắc xảy ra.

“Phải quyết tâm làm. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định nhất để có thực hiện được việc CPH hơn 400 DN trong 2 năm tới hay không. Lãnh đạo DN nào không thông, chần chừ, thì đề nghị các Bộ trưởng mời họ sang làm việc khác, nhưng không được đề bạt cao hơn” – Thủ tướng chỉ đạo.

Thoái vốn phải có trật tự, chứ không thể “tán loạn”

Trong quản lý chủ sở hữu, các Bộ trưởng phải trực tiếp đề xuất, làm rõ nhiệm vụ công ích, chính trị và kinh doanh. “Ví dụ, điện lực, nhiệm vụ chính trị chung là đảm bảo điện, nhưng phải bán theo giá thị trường. Còn khi bán điện cho người nghèo, ngân sách sẽ chi hỗ trợ là 30.000đ/hộ” – Thủ tướng chỉ rõ.

Hay như ngành dầu khí, nếu thực hiện thăm dò những nơi xa xôi, cần bảo vệ do yêu cầu chủ quyền thì liệt vào nhiệm vụ công ích. Còn các hoạt động khác phải hạch toán kinh doanh. “Phải minh bạch giữa kinh doanh và công ích. Từng DN phải làm. Các Bộ trưởng phải làm. Phải tách ra mới thấy hiệu quả thật của các DN là như thế nào”.

Liên quan đến nhiệm vụ thoái vốn, Thủ tướng yêu cầu phải chia làm 2 loại: DN đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và DN đã CPH nhưng NN vẫn giữ tỉ lệ cổ phần cao, thì bán tiếp. Theo đó, các bộ chỉ quản lý những tập đoàn lớn, các Tổng Công ty lớn. Còn các công ty đầu tư ngoài ngành nên chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

“Chúng ta kiên quyết phải thoái vốn, song “rút lui” trong trật tự và hiệu quả, chứ không phải bỏ chạy tán loạn. Vì chủ trương đầu tư đa ngành là của Chính phủ, Nhà nước đề ra, song qua thực tiễn thấy không hiệu quả, nên ta thoái vốn” – Thủ tướng chỉ đạo.

Bên cạnh nhiệm vụ CPH, thoái vốn, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các DN tập trung nâng cao quản trị DN, bởi “không ai có thể làm thay điều đó được cho các đồng chí”.

Phải nộp 100% tiền CPH, thành phố nghĩ cách... trốn

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị, tiền thu được từ bán phần vốn của nhà nước sau khi CPH nên để lại cho DN, theo đề án phê duyệt để tái cơ cấu DN, thay vì thu về Trung ương. “Để thực hiện đúng mục đích làm DN lành mạnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh thì phải đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, kinh doanh. Muốn vậy, nguồn vốn NN sau khi thoái vốn nên để lại cho các Tổng Công ty, DN đó thì hơn. Tránh việc thu về một rọ, rồi phân bổ xuống thì rất hành chính” – ông nói.

Đây cũng là đề xuất của ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh. Theo ông Hà, hiện thành phố chỉ nghĩ cách đối phó làm sao để không phải chuyển hết tiền về, như đưa các DN độc lập vào Tổng Công ty, để sau khi CPH, Tổng Công ty sẽ giữ tiền và... trốn nộp lên. “Theo tôi không nên như thế, vì cứ phải đối phó rất nhức đầu và không trung thực. Nên chọn ra tỉ lệ thích hợp, chứ không nên phải nộp tiền CPH 100%” – ông Lê Mạnh Hà thẳng thắn.

Song Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định thu tiền CPH là thực hiện Nghị quyết T.Ư, các địa phương phải chấp hành. Phó Thủ tướng giải thích tiền thu về không phải cho vào ngân sách để chi tiêu, mà để tăng tiềm lực tài chính cho các DN mà Nhà nước nắm giữ.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khuyến nghị các tỉnh, thành phố nên lập phương án DN nào cần tăng vốn chính đáng, hay DN nào Nhà nước cần nắm giữ, để được trung ương cấp vốn trở lại. Còn đối với những DN mà nhà nước đã “buông”, thì không cần tăng vốn, vì mục đích là đang muốn thoái đi – Phó Thủ tướng lý giải.

Theo ông Lê Mạnh Hà, không nên giữ các công ty chiếu sáng đô thị hay vệ sinh môi trường trong danh sách DN mà NN nắm trên 50% vốn. Ông cho rằng, không có lý do gì để xác định các công ty này phải là DNNN, trong lúc chính họ gây nhiều vi phạm, lương rất cao. “Nếu tính lương tối thiểu là 1,5 triệu đồng, thì lương trung bình toàn công ty này là trên 40 triệu đồng/người/tháng. Mức lương rất cao. Rõ ràng là có vấn đề.” – ông Lê Mạnh Hà nêu.

Ông Phan Đăng Tuất – Tông Công Ty Bia Sài Gòn: Phải đảm bảo để thương hiệu Việt không bị nước ngoài thâu tóm

Một điều đáng quan ngại trong thời gian qua là những thương hiệu Việt mất đi, nhiều hơn thương hiệu mới ra. Một đất nước chỉ mạnh khi đất nước ấy có thương hiệu mạnh. Trong quá trình CPH, phải đảm bảo để các thương hiệu đó không rơi vào tay DN nước ngoài.

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng cho thấy, cải cách kinh tế VN không còn con đường nào khác ngoài thực hiện CPH hiệu quả. Song muốn huy động nhà đầu tư nội thì phải “ân xá” cho những khoản tiền có sẵn. Còn nếu không, tiền ngoại đang dư thừa của thế giới sẽ vào mua hết thương hiệu của chúng ta.

Cần có giải pháp bảo vệ nhà đầu tư trong nước, gắn liền với kiểm soát DN nước ngoài. Cần có một cơ quan chuyên trách theo dõi CPH, có tổ chuyên môn phụ trách các nhóm DN CPH có tỉ lệ cấu trúc vốn NN khác nhau.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn