Nhiều năm qua, vấn nạn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) “làm ăn bát nháo” gây thâm thụt ngân sách, bức xúc dư luận đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với đại đa số người dân.
Bằng chứng là việc hàng loạt các đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây với những con số hàng trăm nghìn tỷ đồng thất thoát gây rúng động dư luận như: Vinashin, Vinalines…
Thậm chí, tại một buổi gặp mặt quan trọng với Thủ tướng Chính phủ trong năm 2013, thay vì việc báo cáo thành tích đạt được, các “ông lớn” nhà nước lại đua nhau “than nghèo, kể khổ” với tổng số nợ lên tới con số hơn 1,3 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp này đều được coi là những đầu tàu, là bệ đỡ của nền kinh tế với khá nhiều những “đặc ân” được Nhà nước “ban phát” trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Thực tế trên đã làm cho bất kỳ ai quan tâm đến kinh tế Việt Nam đều không khỏi tỏ ra lo ngại.
Vấn nạn của các doanh nghiệp nhà nước liệu có được khắc phục? |
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013 (VBF 2013) hồi tháng 12/2013 vừa qua, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham, cảnh báo: Thực tế sẽ không ai quan ngại nếu các DNNN không được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, khả năng tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp...
Đây chính là vấn đề kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế do làm giảm đầu tư tư nhân. Nếu Việt Nam không cải cách DNNN, nguồn vốn FDI vào sẽ bị hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (Dự luật) để lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt.
Một trong những điểm đáng chú ý trong Dự luật lần này chính là việc bổ sung thêm hẳn một chương mới về DNNN đặc biệt là “Nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN”.
Theo đó, Dự luật quy định: DNNN được thành lập và chỉ tập trung hoạt động trong các ngành, nghề chính gồm: Công nghiệp quốc phòng; các ngành công nghiệp độc quyền tự nhiên; các ngành, lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn…
Để tránh vướng phải những hệ lụy xấu từ việc làm ăn thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty như vừa qua, Dự luật đã đưa ra một điều kiện quan trọng đó là: DNNN phải hoạt động kinh doanh đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Đặc biệt, DNNN phải đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo định kỳ, DNNN phải có đánh giá và báo cáo về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc: Vốn nhà nước tại doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển khi giá trị thực tế vốn đầu tư đó tăng thêm hoặc tỷ suất lợi nhuận của nó trong kỳ báo cáo ít nhất bằng lãi suất bình quân trái phiếu chính phủ ở thị trường trong nước ở cùng thời điểm.
Mặt khác, một điểm đặc biệt quan trọng khiến dư luận rất chú ý là Dự luật đã có quy định rõ về quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với chủ sở hữu nhà nước trong các DNNN.
Theo đó, tại điều 172 của Dự luật, quy định: Các cơ quan nhà nước không được can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp; Chính phủ không được ban hành các quy định tạo lợi thế hoặc đặc quyền riêng cho DNNN.
Điều này đảm bảo cho việc sẽ tách bạch quyền chủ sở hữu vốn nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp trên cơ sở Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan chủ sở hữu chuyên trách và độc lập với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Khác với những quy định hiện hành, theo Dự luật mới, cơ quan chủ sở hữu sẽ là người quyết định mục tiêu, ngành nghề kinh doanh của các DNNN tránh tình trạng ôm đồm, đầu tư tràn lan kém hiệu quả như hiện nay.
Đặc biệt, cơ quan chủ sở hữu sẽ quyết định cơ cấu tổ chức quản lý; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên của công ty và những cán bộ quản lý khác; quyết định khen thưởng, kỷ luật và mức thù lao, tiền lương và lợi ích khác.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Tổ chức giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của công ty, hội đồng thành viên và Ban kiểm soát.
Chia sẻ với báo giới, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), đánh giá: Đó là những nội dung mới nhằm tách bạch quyền chủ sở hữu khỏi cơ quan quản lý nhà nước tồn tại từ trước đến nay.
Bởi lẽ, hiện tại các bộ, ngành, tỉnh vừa là đại diện chủ sở hữu vừa là cơ quan quản lý nhà nước, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” làm cho quản lý nhà nước thiếu nghiêm minh, thiếu chặt chẽ và kém hiệu quả. Vì vậy, theo tôi, nội dung này rất cần được quan tâm thảo luận để trình Quốc hội xem xét và thông qua.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng CIEM, một trong những người chấp bút cho dự luật, cho biết nội dung mới nhằm vào những mục tiêu quan trọng như: Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp không phân biệt thành phần, hình thức sở hữu nhà nước hay tư nhân...
"Đây là bước chuẩn bị quan trọng tạo động lực mới cho các doanh nghiệp sẵn sàng hội nhập sâu rộng khi hàng loạt hiệp định kinh tế, thương mại…, sẽ được ký kết trong thời gian tới", ông Cung nói.
Theo BizLive