Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, những người nằm trong diện tinh giản không chỉ là cán bộ, công chức trong biên chế mà còn cả viên chức; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn; người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; người làm việc trong các hội có tính chất đặc thù.
Theo Bộ Nội vụ, tinh giản biên chế dựa trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị. Đối tượng nằm trong diện tinh giản là cán bộ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức, chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; người có chuyên môn không phù hợp với công việc đang làm; người 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực hạn chế hoặc 2 năm liên tiếp mỗi năm nghỉ làm từ 30 ngày trở lên do ốm đau.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng chỉ 1% công chức không làm được việc. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Bên cạnh đó, cán bộ cấp xã dư thừa do thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh, không bố trí được công việc mới cũng nằm trong diện tinh giản. Đối tượng có thể mất việc còn mở rộng đến thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, thành viên ban kiểm soát của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nay được cổ phần hóa, giao bán, giải thể, chuyển thành đơn vị sự nghiệp độc lập và giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng của nông lâm trường quốc doanh sắp xếp lại.
Theo dự thảo, với những người về hưu trước tuổi, nếu đủ 55-58 tuổi với nam, 50-53 tuổi với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định còn được hưởng các chế độ như: không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi, được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu, được hưởng 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội, từ năm thứ 21 trở đi được hưởng nửa tháng lương…
Những đối tượng tinh giảm biên chế sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước sẽ được hưởng 3 tháng lương, trợ cấp nửa tháng lương cho những năm công tác đóng bảo hiểm xã hội. Người thôi việc ngay thì được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương để tìm việc làm và 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác đóng bảo hiểm xã hội.
Cán bộ thôi giữ chức vụ lãnh đạo do tổ chức sắp xếp hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp lãnh đạo cũ đến hết thời hạn bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử cũ.
Chính phủ đã thống nhất sắp xếp biên chế cán bộ hiện có và xử lý cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, bởi theo phản ánh của dư luận thì có tới 30% công chức "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”. Trước ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình rằng tỷ lệ này chỉ 1%, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận rất gay gắt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó yêu cầu Bộ Nội vụ phải nhanh chóng làm rõ và khắc phục tình trạng gây bức xúc này, bởi tỷ lệ 30% công chức "cắp ô" tương ứng với khoảng 70.000 người. Nếu giảm được số lượng công chức, viên chức không làm được việc, Chính phủ sẽ tiết kiệm 17.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Theo VnExpress