Đại gia tuổi Ngọ dính lao lý, Lê Ân chưa mở "siêu giường"

Chủ nhật, 26/01/2014, 08:01
Từng là sếp Eximbank, sở hữu Nhựa Tân Đại Hưng hay nắm giữ cả 2 vị trí cao nhất tại Địa ốc Dầu khí, nhưng ông Phạm Trung Cang và ông Hoàng Ngọc Sáu đều không may khi dính vào lao lý. Trong khi đó, bầu Đức lại nhận được tin vui vì đã thắng trong "cuộc chiến mía đường" với Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Đại gia tuổi Ngọ dính lao lý
Sinh năm Giáp Ngọ 1954, ông Phạm Trung Cang từng nắm giữ vị trí chủ chốt tại 2 ngân hàng, là chủ tịch của 2 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bao bì nhựa và du lịch. Ông là một trong những nhân vật quan trọng tạo nên thành công ban đầu của ngân hàng Á Châu.
Theo tài liệu điều tra được công bố, khi còn đương chức tại ACB, vị này đã tham gia vào cuộc họp của Thường trực HĐQT ACB vào ngày 22/3/2010, đề ra chủ trương uỷ thác cho nhiều cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, gây hậu quả thất thoát số tiền 718,9 tỷ đồng trong vụ án bầu Kiên.
Ông Phạm Trung Cang vừa bị phục hồi điều tra sau hơn 1 tháng nhận quyết định đình chỉ vụ án.
Ông Phạm Trung Cang vừa bị phục hồi điều tra sau hơn 1 tháng nhận quyết định đình chỉ vụ án.
Ngày 31/12/2010, ông Cang có đơn từ nhiệm chức danh thành viên ACB để tham gia vào bộ máy lãnh đạo của Eximbank. Lúc này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành nên ngày 12/12, ông Cang chính thức được đình chỉ điều tra vụ án trên.
Nắm chức danh Phó chủ tịch Eximbank, ông Phạm Trung Cang đồng thời cũng là Chủ tịch công ty nhựa Tân Đại Hưng (TPC). Vị này sở hữu 5,55% cổ phần tại TPC, 1,46 triệu cổ phiếu của Eximbank và là chủ tịch công ty cổ phần Du lịch Chợ Lớn.
Tưởng sóng gió đã qua thì bất ngờ vào ngày 14/1/2014, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên có kiến nghị làm rõ vai trò đồng phạm của ông Cang.
Ngày 20/1, lệnh phục hồi điều tra đối với cựu lãnh đạo ACB và Eximbank chính thức được công bố. Cùng ngày, ông Cang cũng có văn bản giải trình gửi từ Mỹ đến Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc đang ở nước ngoài thăm con trai và cháu nội, sẽ tìm cách đổi vé để sớm trở lại Việt Nam phục vụ điều tra bổ sung.
Vị này cũng cho biết, trong thời gian chưa về nước, ông đã ủy quyền cho luật sư thay mặt để làm việc với cơ quan chức năng về những vấn đề pháp lý có liên quan.
Cùng thời điểm phục hồi điều tra ông Phạm Trung Cang, một doanh nhân tuổi ngựa khác là ông Hoàng Ngọc Sáu - chủ tịch công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) bị bắt.
Ông Sáu bị cho là có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc ông Sáu liên quan trực tiếp đến vụ án nào hiện vẫn chưa được công bố chính thức.
Khác với ông Cang, thông tin về cựu tổng giám đốc sinh năm 1966 này của PVL khá hiếm hoi. Ông Sáu sinh tại Thanh Hóa, từng giữ chức vụ Tổng giám đốc PVL từ tháng 7/2010 đến tháng 8/2013.
Ngày 5/8/2013, ông Sáu thay ông Nguyễn Văn Lai, trở thành Chủ tịch của công ty Địa ốc Dầu khí. Sau đó không lâu, đến ngày 8/8/2013, vị này không còn nắm giữ chức vụ người đại diện hơn 10% vốn của PVL do Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC) sở hữu.
Bầu Đức thắng trong "cuộc chiến mía đường"
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) thậm chí đã phải thốt lên rằng "Không nên sát phạt chúng tôi" khi gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Hiệp hội Mía đường liên quan đến đề xuất khẩu đường thô từ Lào về Việt Nam rồi tinh chế và tái xuất sang Trung Quốc của Hoàng Anh Gia Lai cuối cùng đã được các Bộ đồng ý hoặc không phản đối.
Bầu Đức thắng trong
Bầu Đức thắng trong "cuộc chiến mía đường"
Cụ thể, Bộ Công thương đã cố công văn số 355/BCT-XNK trình lên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam – Lào về việc nhập khẩu đường của Công ty Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào.
Theo đó, công văn dẫn quy định tại Thông tư 04/2013/TT-BCT ngày 8/12/2013 quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2013 đối với mặt hàng đường, muối, trứng gia cầm thì đối tượng được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sản xuất đường thô để tinh luyện, không phân giao cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại.
Do đó, Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu không thuộc đối tượng được phân giao hạn ngạch thuế quan đường.
Cũng theo công văn này, trên cơ sở thống nhất từ đầu năm về điều hành hạn ngạch thuế quan năm 2013 giữa Liên Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội mía đường Việt Nam, ngày 20/9/2013, Bộ Công thương đã phân giao hết lượng hạn ngạch thuế quan đường năm 2013 cho 30 doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất với khối lượng 73.500 tấn.
Tuy nhiên, “để tạo điều kiện cho Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu tiêu thụ đường sản xuất tại tỉnh Át-ta-pư, CHDCND Lào nhằm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt –Lào, đồng thời không ảnh hưởng đến nguồn cung đường trong nước, theo Bộ Công thương có thể xem xét đề nghị của CTCP Đường Biên Hòa về việc xin được bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai, 30.000 tấn đường tinh luyện từ nguồn đường thô nhập khẩu từ Lào của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu theo hình thứ tinh luyên, gia công sau đó xuất khẩu” – Bộ Công thương đề xuất tại Công văn.
Bộ Công thương cũng cho biết, đã nhận được ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao về vấn đề này, riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có ý kiến.
Nhìn chung, các Bộ đều đồng ý hoặc không phản đối việc CTCP Đường Biên Hòa nhập khẩu đường thô từ Lào của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu để chế biến, gia công, xuất khẩu qua cửa khẩu Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai.
Tuy nhiên, các Bộ cũng lưu ý cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo lượng đường nhập khẩu, gia công sau đó bán, trao đổi qua biên giới toàn bộ, không để thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Lê Ân vẫn chưa dám mở "siêu giường"
Sáng 22/1, chia sẻ trên tờ Một thế giới, đại gia Lê Ân cho biết, chiếc giường Hoàng gia Anh được xem là đắt nhất thế giới mà ông đặt mua đã về đến Làng du lịch Chí Linh (Vũng Tàu) lúc 19 giờ ngày 21/1.
Các bộ phận của chiếc “siêu giường” được đóng gói trong 10 kiện hàng, được 2 chiếc xe tải chở về.
“Kiện hàng to phải đến 20 người khiêng, còn kiện nhỏ 10 người khiêng mới được. Tôi đã đưa hết vào nhà trưng bày 10 kiện hàng, chờ nghệ nhân của hãng Savoir Beds (Anh) bay sang vào ngày 25/1 hoặc 26/1 mới dám mở ra xem”, ông Lê Ân cho biết.
Theo đại gia 75 tuổi, nhà sản xuất đã yêu cầu ông thuê thêm một nhóm thợ mộc tại địa phương để cùng nghệ nhân của hãng lắp giường.
Dự kiến ngày 29/1 giường lắp ráp hoàn chỉnh, ông Lê Ân tiễn nghệ nhân về nước, cho nhân viên nghỉ Tết và mở cửa Làng du lịch Chí Linh vào mồng 2 Tết để đón khách vào tham quan, chiêm ngưỡng chiếc giường có một không hai ở Việt Nam.
Nữ đại gia Sapa kỳ lạ xây lâu đài rồi đập phá, bỏ hoang
Tại Sapa (Lào Cai) người phụ nữ tên Nguyễn Thị Thoa dù bị ung thư nhiều năm nay nhưng tiền mà bà Thoa có được là cả bao tải tiền mang đi cho thiên hạ, bà còn chỉ đạo cả trăm công nhân hì hục xây dựng hàng loạt công trình kỳ quặc rồi bỏ hoang hoặc đập phá.
Một tòa nhà khổng lồ, kỳ quái do bà Thoa xây dựng
Một tòa nhà khổng lồ, kỳ quái do bà Thoa xây dựng
Ngay cả đám thợ cũng không biết người phụ nữ này xây nhà kiểu kỳ quái ấy để làm gì. Một số thợ thấy xây nhà không cửa sổ, chia thành các phòng sâu hun hút như vậy thì đoán mò là xây... nhà tù.
Ông Lê Trọng Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa Sapa nói: "Mới năm ngoái, cô ấy lại sai thợ phá tanh bành mấy tòa nhà này để làm lại đấy. Có đợt, cô ấy cho phá hết tường gạch để xây bằng đá xẻ. Thế nhưng, xây đá xong cô ấy lại bắt thợ phá hết để xây gạch trát vữa. Cô ấy cứ xây xong, thấy ngứa mắt, không thích lại bắt thợ phá ra xây lại. Có lẽ, cô Thoa phải đổ cả trăm tỷ cho việc cứ xây lại đập ở cái khu này rồi".
Mới đây, bà Nguyễn Thị Thoa đã bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tố cáo của các nạn nhân, bà Thoa đã quỵt nợ của một số người. Bà Thoa đã dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, trong đó có việc các nạn nhân nhờ mua bán đất tại Sapa.
Sau khi mua bán xong bà Thoa mượn lại sổ đỏ rồi thế chấp với ngân hàng vay tiền, hoặc chuyển nhượng mảnh đất đó cho người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhân mảnh đất đó. Bằng cách thức ấy, bà Thoa huy động rất nhiều tiền, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, để xây dựng những công trình kỳ quái ở Sapa.
Theo Đất Việt

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích