Phạm Trung Cang tháo chạy, hỏi trách nhiệm VKSND Tối cao

Thứ tư, 22/01/2014, 12:44
VKSND Tối cao có thể phải chịu trách nhiệm về quyết định đình chỉ vụ án Phạm Trung Cang, nếu nghiên cứu hồ sơ chưa đầy đủ, chính xác.

Liên quan đến vụ việc ông Phạm Trung Cang có cơ hội “tháo chạy” khỏi Việt Nam nhờ quyết định đình chỉ vụ án của VKSND Tối cao, những nhận định trái ngược nhau của các cơ quan tố tụng đang khiến dư luận băn khoăn, thậm chí nhiều người còn đặt nghi vấn về sự thiếu khách quan trong vụ án này.

Trao đổi với chúng tôi, luật gia Nguyễn Xuân Đạo, (Công ty luật hợp danh Sự thật - Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, VKSND Tối cao có thể phải chịu trách nhiệm về quyết định đình chỉ vụ án Phạm Trung Cang, nếu nghiên cứu hồ sơ chưa đầy đủ, chính xác.

VKSND Tối cao đình chỉ vụ án: không hiếm

Luật gia Nguyễn Xuân Đạo cho hay, những trường hợp các cơ quan tố tụng nhận định trái ngược nhau như vụ việc của ông Cang xảy ra khá nhiều trong thực tế tố tụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vụ án lớn và đặc biệt nghiêm trọng, với số tài sản thiệt hại lớn, liên quan tới nhiều cá nhân và trong giai đoạn gọi là tương đối “nhạy cảm” cho nên được dư luận đặc biệt quan tâm và đặt nhiều câu hỏi.

VKSND Tối cao có thể phải chịu trách nhiệm khi "tạo cơ hội" cho ông Cang tháo chạy.

Theo luật gia Đạo, sự bất nhất giữa các cơ quan tố tụng có nguyên nhân từ cách áp dụng pháp luật, cách tiếp cận vụ việc khác nhau. Tố tụng hình sự được chia làm nhiều giai đoạn như khởi tố vụ án hình sự, điều tra vụ án hình sự, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm…

“Khi xác định có dấu hiệu tội phạm, CQĐT phải tiến hành khởi tố vụ án Hình sự. Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, CQĐT phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho VKS cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, VKS phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho CQĐT.

Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì CQĐT làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến hành vi phạm tội, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lý do và căn cứ đề nghị truy tố.

Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp ông Phạm Trung Cang, có lẽ VKS quyết định đình chỉ vụ án theo Quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự về “hành vi không cấu thành tội phạm”, luật gia Đạo cho hay.

VKSND Tối cao có thể phải chịu trách nhiệm

Luật gia Đạo cho biết, trong vụ án của ông Phạm Trung Cang, nếu điều tra lại, xác định ông Cang có tội thì VKSND Tối cao có thể phải chịu trách nhiệm khi “tạo cơ hội” cho nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB tháo chạy.

Quyết định phê chuẩn hay đình chỉ việc khởi tố đối với ông Cang phụ thuộc rất lớn vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ mà CQĐT gửi kèm quyết định khởi tố sang VKS, cũng như việc nghiên cứu các hồ sơ này, chưa thể quy trách nhiệm cho VKSND Tối cao trong việc vì đình chỉ khởi tố ông Cang dẫn đến việc ông này trốn ra nước ngoài. Căn cứ vào hồ sơ kèm theo Quyết định khởi tố bị can do CQĐT cung cấp, nếu VKSND Tối cao thấy chưa đủ căn cứ là ông Cang có tội nên đình chỉ vụ án, thì việc đình chỉ này là đúng và không phải chịu trách nhiệm.

"Tuy nhiên, nếu hồ sơ CQĐT chuyển sang tài liệu đầy đủ có chứng cứ sắc bén xác định ông Cang phạm tội nhưng khi nghiên cứu hồ sơ VKSND Tối cao không nghiên cứu đầy đủ, chính xác hoặc vì một lý do nào đó mà đình chỉ khởi tố thì VKSND Tối cao có lỗi và phải chịu trách nhiệm về việc này”, luật gia Nguyễn Xuân Đạo phân tích.

Luật gia Đạo cũng cho biết thêm, việc ông Phạm Trung Cang không có mặt tại Việt Nam gây khó khăn rất lớn cho quá trình điều tra. Để tiếp tục điều tra vụ án, CQĐT phải truy nã bị can theo quy định tại Điều 161 Bộ Luật Tố tụng Hình sự và trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp (nếu có) để yêu cầu nước sở tại nơi ông Cang trốn giúp đỡ trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam. Nếu có ký kết, họ vẫn có quyền từ chối nếu thấy yêu cầu tương trợ của CQĐT không phù hợp.

Điều 161, Bộ Luật Tố tụng hình sự Truy nã bị can

Khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.

Quyết định truy nã phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, tuổi, nơi cư trú của bị can; đặc điểm để nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo, nếu có; tội phạm mà bị can đã bị khởi tố.

Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ người bị truy nã.

Theo Kiến thức

Các tin cũ hơn