Năm 2014 được dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng tại thời điểm 01/01/2013 là 68.649 doanh nghiệp (tăng 4.369 doanh nghiệp so với thời điểm 01/01/2012).
Trong đó có 46.500 doanh nghiệp xây dựng, 2.829 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, 12.681 doanh nghiệp tư vấn xây dựng, 6.639 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tổng số lao động khoảng 2.283.300 người.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), uớc tính năm 2013, chỉ tính riêng cho lĩnh vực hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 10.635 doanh nghiệp.
Trong đó thành lập mới có 9.940 doanh nghiệp xây dựng, 695 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản .
Đặc biệt, cũng trong năm 2013, tổng số các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể là 10.077 doanh nghiệp.
Theo nhìn nhận của nhiều doanh nghiệp, trong vài năm trở lại đây, có thể nói năm 2013 là năm khó khăn nhất đối với thị trường bất động sản - xây dựng.
Một năm đầy biến động đối với thị trường để lại nhiều hệ lụy, tứ bề khó khăn với không ít mục tiêu còn dang dở của các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá: Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn chậm được khắc phục; chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp; tình trạng xây dựng không phép, sai phép tại một số địa phương vẫn còn cao; tình trạng chậm tiến độ thi công, nợ đọng kéo dài trong đầu tư xây dựng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn còn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Công tác phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư; nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; chất lượng dịch vụ, công tác quản lý sử dụng chung cư ở một số dự án khu nhà ở còn nhiều bất cập.
Các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn còn rất khó khăn, một số sản phẩm còn tồn kho nhiều (bất động sản, kính xây dựng, gốm sứ vệ sinh); nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm bớt công suất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động; tiến trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp còn chậm.
Đặc biệt, thị trường bất động sản gần đây tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; tồn kho bất động sản, nhất là ở phân khúc bất động sản trung và cao cấp vẫn là một thách thức; tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn chậm.
Ước tính giá trị tồn kho bất động sản hiện lên đến gần 95.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ.
Theo Bizlive