Cân cá tra đưa vào chế biến. Ảnh Văn Ca
Cá tra Việt Nam được xuất khẩu đi 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, EU và Mỹ vẫn là hai thị trường lớn, hiện chiếm gần 1/2 sản lượng xuất khẩu của cả nước.
Năm 2011 sản lượng thu hoạch trên 1,19 triệu tấn, giá trị xuất khẩu 1,8 tỷ USD. Năm 2013 xuất khẩu tăng nhẹ so với năm 2012 và đạt mức 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011.
Nhưng cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều rơi vào khó khăn và thua lỗ nặng, không ít doanh nghiệp phải phá sản.
Nguyên nhân chính, do chi phí nuôi ngày càng cao, giá thành cá nguyên liệu trong 2 năm gần đây ở mức 23 – 24 nghìn đồng/kg, nhưng giá bán cho doanh nghiệp đều thấp hơn từ 500 đ – 1.000 đ/kg, trong khi giá xuất khẩu ngày càng giảm từ trên 3 USD/kg , còn 1,8 - 2,2 USD/kg.
Theo các nhà quản lý và nhà khoa học, cá tra Việt Nam từng là sản phẩm "vàng", "sản phẩm trời cho" mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho người dân vùng ĐBSCL, nhưng nay con cá tra đang rơi vào tình thế khó khăn, chưa có lối thoát.
Do nghịch lý tồn tại dai dẳng, người nuôi càng khốn khó vì chi phí đầu vào ngày càng tăng, trong khi giá bán ra thấp, thu hồi vốn nuôi cũng không nhọc nhằn, thậm chí phải rơi vào kiện tụng ...
Nay, thì hầu hết người nuôi đuối sức đành phải "treo ao" cắt lỗ. Để có công ăn việc làm, không ít người từng là chủ nuôi cá tra xuất khẩu phải chọn làm thuê hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp.
Từ các khó khăn nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung vào việc thúc đẩy thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (thực hiện trong 04 năm (2013 – 2017) với sự tài trợ một phần kinh phí của Liên minh Châu Âu (EU).
Đồng thời đề xuất và khiến nghị, phải gắn với tăng cường xúc tiến thị trường, nâng cao được giá xuất khẩu .
Nhiều chuyên gia cho rằng cá tra Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu ngành thủy sản và làm phong phú thêm dinh dưỡng cho người tiêu dùng trên thế giới.
Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh và quá nóng đã khiến cho ngành cá tra trong các năm qua rơi vào vòng luẩn quẩn, khủng hoảng thừa nguyên liệu. Chính vì vậy, việc nuôi trồng và chế biến xuất khẩu vẫn chưa gặp được nhau và thiếu tiếng nói chung.
Chưa kể đến việc ngành nuôi và chế biến cá tra liên tiếp đối diện với rào cản thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Điều này khiến uy tín và hình ảnh của cá tra Việt Nam ngày càng đi xuống…
Việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm cá tra đến người tiêu dùng trên thế giới, và công tác tiếp cận thị trường mới chỉ dừng lại ở việc tham gia các hội chợ quốc tế, gặp gỡ các nhà phân phối …
Trong khi đó, tại thị trường nội địa thì luôn xảy ra việc doanh nghiệp thi nhau ép giá cá nguyên liệu để kiếm lời, chào bán phá giá để giành hợp đồng, cạnh tranh không lành mạnh
Những điều trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh cá tra của Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng: Cần phải giải quyết được nỗi bức bối hiện nay là cá tra Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường tuyệt đối, nhưng khâu quan trọng nhất là giá lại chưa chủ động được.
Chưa kể các mặt khác còn yếu như bao bì nhãn mác sản phẩm xuất khẩu cũng chưa được ghi rõ ràng, phần lớn phải ghi theo yêu cầu nhà phân phối, các cam kết về chất lượng sản phẩm, tỷ lệ mạ băng cũng còn chung chung, yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn ASC, GoolbalGap … trong vùng nuôi chưa đảm bảo được việc ổn định và tăng giá bán ở các thị trường có nhu cầu.
Liên quan đến việc thực hiện các chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và các nước Châu Âu, ông Vũ Ngọc, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tô Châu, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho rằng: hiện cá tra Việt nam đang phải chay theo quá nhiều bộ tiêu chí về chất lượng, trong khi chất lượng cá tra Việt nam đang rất tốt.
Theo ông, vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài việc hướng đến sản xuất bền vững và nuôi sạch hơn, các cơ quan liên quan và có trách nhiệm của Việt Nam cần phải có các giải pháp hữu hiệu chứng minh để tránh bị bôi nhọ và rồi buộc lại phải chạy theo các bộ tiêu chí khác do một số nước đặt ra.
Để khẳng định tính khả thi của dự án, ông Lê Xuân Thịnh, điều phối viên của dự án SUPA cho biết: Trong năm 2014, SUPA sẽ hướng tới việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho ngành cá tra Việt Nam.
Cụ thể là tăng cường công tác marketing và xúc tiến thị trường tại Châu Âu, cải tiến đổi mới sản phẩm và chuyển giao công nghệ nuôi cá tra bền vững.
Bên cạnh đó, SUPA cũng giúp đào tạo, hỗ trợ xây dựng các chứng nhận bền vững (ASC, GLOBAL G.A.P,…), hỗ trợ các nghiên cứu và hoạt động giảm chi phí sản xuất cá tra (nuôi và chế biến) và áp dụng phương thức sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Theo các tín hiệu của thị trường, các doanh nghiệp chế biến cá tra vùng ĐBSCL cho biết, năm 2014 vẫn còn tiếp tục khó khăn, giá xuất khẩu chưa có tín hiệu khả quan.
Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2013, do nguồn nguyên liệu trong nước giảm.
Quan trọng nhất, chính sách tín dụng của ngân hàng đã mở, lãi suất đã giảm nhiều, nhưng điều kiện vay vẫn không dễ …
Chính vì vậy, việc tiếp cận vốn đầu tư vùng nuôi phục vụ chế biến xuất khẩu vẫn là bài toán khó.
Theo Bizlive