Chứng khoán sáng 21/1: ITA đột biến vì được vào VN30?

Thứ ba, 21/01/2014, 15:01
Thị trường sáng nay giao dịch chậm chạp và điều chỉnh do nhà đầu tư nước ngoài giảm mua tại các cổ phiếu trụ. Bù lại một số mã đột ngột xuất hiện biến động “lạ” tạo chút hào hứng cho nhà đầu tư.
Tâm điểm của phiên sáng nay là ITA trên HSX. Cổ phiếu này xuất hiện thông tin có thể xem là hỗ trợ về việc được cho lại vào rổ VN30. Đây rất có thể là cái cớ để ITA được đẩy giá lên cực mạnh trong phiên. Bóng dáng của PVT ngày nào đang quay lại?
ITA đã nhận được nguồn tiền lớn đổ vào mua. Cổ phiếu này thanh khoản thuộc loại cao nên rất khó đẩy giá tăng mạnh nếu không có thực lực. Sáng nay ITA tăng trần không hề dễ dàng, phải trải qua những đợt đẩy giá và rung lắc rất mạnh ở bước giá 6.900 đồng, áp sát mức trần.
Phải đến gần 11h ITA mới chắc được khối lượng chặn mua trần. Tổng lượng giao dịch sáng nay lên tới trên 13,86 triệu cổ phiếu, tương đương 96,4 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường.
VN-Index sụt giảm sáng nay là điều bình thường khi nhiều mã lớn mất giá.
Khối lượng giao dịch lớn ở ITA là bình thường do việc đẩy giá thực hiện đúng vào thời điểm một lượng hàng rất lớn đã về tài khoản. Kịch trần 7.000 đồng, đồng nghĩa với gần 23,1 triệu cổ phiếu giao dịch ngày 15/1 trở thành có lãi. Chỉ một phần nhỏ khối lượng này đã cắt lỗ hôm qua. Số lớn nhà đầu tư chọn giải pháp thoát ra hôm nay khi có giá tốt.
ITA tăng mạnh một phần vì nhận được lực mua tốt từ nhà đầu tư nước ngoài. Khoảng 1,85 triệu ITA đã được mua vào, tuy chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lượng giao dịch nhưng lại mua theo kiểu đẩy giá từ sớm. Chính vì vậy khối lượng này đã tạo được quán tính tăng tốt, kết hợp đúng lúc với thông tin nên tạo hiệu quả tốt. Ngoài ra cũng phải nhìn nhận thực lực của dòng tiền tại ITA sáng nay rất khỏe, hấp thu tốt khối lượng chốt lời ngắn hạn.
ITA tăng mạnh có thể coi là nguồn tạo cảm hứng cho khá nhiều mã đầu cơ nhỏ, sau nhiều phiên sụt giảm liên tục đã bật tăng trở lại. Còn hơi sớm để biết liệu hôm nay là biến động ngắn hạn trong xu thế giảm dài, hay đã chạm đáy với các cổ phiếu này. Những mã tăng nổi bật sáng nay là FLC, DLG, CMX, HAR.
Trong số này FLC giao dịch khá mạnh, đứng thứ 6 trên HSX với 4,24 triệu cổ phiếu, tương đương 35,4 tỷ đồng. FLC có thể là điển hình cho các quan điểm trái ngược về cơ hội và rủi ro. Cổ phiếu này cũng được lự cầu mạnh đẩy giá kịch trần, nhưng người bán cũng mạnh không kém, đang khống chế được giá trần. FLC tranh chấp giá trần trong phần lớn thời gian sáng nay và vẫn chưa ngã ngũ.
Với mức điều chỉnh tổng cộng khoảng 32% tính từ đỉnh ngày 19/12 đến hôm qua, FLC xác lập xu thế giảm đã rõ ràng. Chỉ tính riêng đợt phục hồi thất bại trong vòng T+3 hồi đầu tháng 1 này, FLC cũng đã giảm gần 18%.
FLC hôm nay không có thông tin gì đặc biệt nên biến động giá thiếu điểm tựa để nhà đầu tư có thể tin cậy. Mặt khác, khối lượng lỗ nặng đang rất nhiều và số động chỉ mong thoát ra được với giá tốt. Do đó cơ hội xuất hiện thì họ khó từ chối. Đó là lý do vì sao có những thời điểm sáng nay FLC được chặn mua trần mà vẫn có lượng hàng lớn thoát ra.
Phiên hôm nay các blue-chips ở HSX đã điều chỉnh ở mức độ khác nhau. VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,54% và VN30-Index giảm 0,47%. Nhìn vào độ rộng thì HSX vẫn khá cân bằng với 14 mã trần, 78 mã tăng và 10 mã sàn, 83 mã giảm. Tuy nhiên câu chuyện vốn hóa lại ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Ngay cả độ rộng trong rổ VN30 cũng cân bằng: 13 mã giảm 13 mã tăng, nhưng phía giảm có mặt VNM, VIC, VCB, STB, MSN, HSG, HPG, HAG, DPM, trong khi phía tăng nổi bật chỉ có BVH, KDC, OGC, PVD, SSI là vốn hóa khá cao. GAS cũng ảnh hưởng đến VN-Index khi giảm 1,29%.
Phần lớn thị trường đều không bất ngờ về khả năng điều chỉnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn trên HSX. Mức tăng đã quá nhanh mấy phiên vừa qua, cộng thêm ảnh hưởng lớn của khối ngoại. Nếu khối ngoại giảm mua thì việc điều chỉnh là rất dễ xảy ra.
Sáng nay khối ngoại quả thực giảm mua. BVH, DPM, HAG, OGC, PPC, STB, VCB, VIC vẫn nhận được khối lượng tương đối nhiều, nhưng không thể bằng hai phiên trước. Đặc biệt MSN, GAS được mua khá thất vọng và cả hai mã đều giảm mạnh.
Cường độ mua của khối ngoại giảm đi là nguyên nhân quan trọng khiến thanh khoản trên HSX sụt giảm nhiều. Cả phiên sáng sàn này chỉ khớp được 825,2 tỷ đồng, giảm 32% so với phiên trước. Tuy nhiên thanh khoản cao nhất tính theo giá trị khớp lệnh vẫn tập trung vào những mã blue-chips như BVH, SSI, REE, DPM…
Sàn Hà Nội trái lại, sáng nay có phiên giao dịch khá tưng bừng. Giá trị khớp lệnh tăng gần 39%, đạt 278 tỷ đồng với HNX-Index tăng 0,29%, HNX30-Index tăng 1,18%.
ACB, SHB, hai cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HNX đều giảm giá, nhưng các chỉ số vẫn khá tốt nhờ các mã tầm trung khác tăng. Nổi bật là PVS tăng tới 4,56% nhờ khối ngoại duy trì rất tốt cường độ mua vào. Khoảng 1,48 triệu PVS đã được khối này mua, chiếm 48% tổng lượng giao dịch. VCG cũng tăng 3,88% nhờ khối ngoại mua lớn. Ngoài ra có SCR, FIT, KLS, BVS, PGS… tăng mạnh.
Thị trường sáng nay điều chỉnh trên điểm số ở HSX và thanh khoản cũng sụt giảm. Tuy nhiên giá cổ phiếu vẫn đang phân hóa bình thường. Giao dịch kém sôi động.
Theo Vneconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích