Nghề xe ôm, đồng nát “kiếm bội” dịp Tết

Thứ tư, 22/01/2014, 14:30
Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đồ đạc, cũng như dịch vụ dọn nhà, bán bớt những đồ dùng, giấy vụn trong dịp cận Tết là rất lớn. Chính vì thế mà bà đồng nát và anh xe ôm luôn tất bật, đắt hàng trong những ngày này.

Thu mua đồng nát "đắt hàng" dịp Tết

Gần Tết, nhu cầu dọn dẹp nhà cửa,"thanh lý" hết những đồ cũ hoặc không còn sử dụng là rất lớn, hầu hết gia đình nào cũng tranh thủ dọn dẹp, chuẩn bị nhà cửa sao cho sạch sẽ, gọn gàng nhất để đón Tết.

Ban ngày đi thu mua đồng nát, ban đêm ngồi quạt ngô bán ở vỉa hè, chị Trần Thu Loan (Kiến Xương - Thái Bình) cho biết: "Năm nào những ngày cận Tết này cũng bận lắm. Nhà nhà dọp dẹp nhà cửa, lau dọn và bán bớt đồ sách báo cũ của cả năm. Cũng nhờ thế, mà Tết nào tôi cũng thu nhập được kha khá."
Những ngày cận Tết, chị Chi làm nghề thu mua đồng nát kiếm được nhiều hơn. (ảnh: Diệu Linh)
Theo lời của chị Loan, quanh khu nhà ở của các cán bộ, công chức nhà nước, như những khu nhà dành gần trường Đại học, khu nhà của giáo viên Sư phạm, Báo chí ở đường Nguyễn Phong Sắc, dịp Tết là lúc họ "dọn kho", bán sách báo cũ nhiều lắm.
"Có những người đã quen bán hàng cho tôi nên cứ dịp này là gọi điện thoại thì tôi đến. Tôi thu mua giấy báo, đồ cũ, ai thuê dọn dẹp nhà cửa, vườn tược tôi cũng làm luôn", chị Loan cho hay.
Những ngày thường, chị Loan đạp xe loanh quanh các con phố, vào tận ngõ ngách từng khu nhà để thu mua đồ, mỗi ngày thu nhập cũng khoảng 100 - 200 nghìn đồng. Còn những ngày cận Tết thế này, việc dọn dẹp lau chùi nhà cửa cũng được trả công khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Thu mua sách báo cũ cũng được nhiều hơn, có ngày lãi đến 200 - 300 nghìn đồng.
Mới lên Thủ đô hành nghề "thu mua đồng nát" chưa được bao lâu, chị Lê Thị Chi (Hà Nam) lại cho biết: "Gần Tết, tôi thường đến các khu công trường xây dựng, thu mua vỏ bao xi măng, thùng cát tông không sử dụng, nhặt nhạnh những mẩu sắt vụn nhỏ để bán lại kiếm lời. Bụi bặm, vất vả lắm nhưng bù lại cũng thu mua được nhiều, nên đành cố gắng".
Giống như hôm nay, chị cũng may mắn mua được khá nhiều vỏ bao xi măng và thùng bìa cát tông ở trong một công trình xây dựng trường học ở phố Nghĩa Tân. Chị nói: "Cũng may mấy anh bảo vệ trong này dễ tính, với lại công trình cũng hòm hòm công việc rồi, nên tôi mới hỏi han để mua được món này đấy."
Xe ôm chở hàng thuê cũng tất bật
Trên đường Đê La Thành, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Khánh Toàn... những ngày cận Tết luôn tấp nập, kẻ bán người mua đông đúc khác ngày thường. Cũng chính nhờ lượng khách mua dồi dào như thế, mà cánh xe ôm được dịp "bận tối mắt tối mũi".

Hành nghề xe ôm được gần 20 năm, anh Nguyễn Minh Chiến, chạy xe ở trên đường Đê La Thành cho biết: "Gần Tết như thế này, nhu cầu mua sắm, sửa sang nội thất trang trí nhà cửa khá nhiều. Các hộ kinh doanh đồ gỗ và đồ nội thất ở đây mà bán được hàng, cánh xe ôm chở đồ chúng tôi cũng có thêm việc."

Xe ôm trên phố Đê La Thành cũng "đầu tắt mặt tối" dịp Tết

Ngày thường, mỗi chuyến xe chở đồ như này anh Chiến thường được trả công tùy theo địa chỉ xa gần của khách. "Ngoài việc chở đồ, chúng tôi còn có nhiệm vụ lắp ghép cho khách hàng, có nhà cũng bồi dưỡng thêm 50 - 100 nghìn cho mình, cũng có thu nhập thêm." Anh Chiến nói.

Còn trên đường Hoàng Hoa Thám, cánh xe ôm cũng có dịp "kiếm bội" tiền dịp Tết, bởi luôn được khách thuê chở cây cảnh, đào, mai các loại. Đang chằng cây đào để chở về nhà cho khách ở Cầu Giấy, anh xe ôm tên Liêm cho biết: "Mình chạy xe quen ở đây, nên mỗi lần chủ hàng bán được cây, cũng giới thiệu với khách gọi mình đến chở về. Ngày thường chở người là chính, đến gần Tết thế này, xe ôm chuyên dùng để chở cây cảnh thôi".

Không khí Tết đang về rất gần, những người lao động làm thuê như anh xe ôm, chị buôn đồng nát vẫn đang cố gắng hàng ngày, phơi mặt ngoài đường, oằn mình vì những chuyến hàng, để mong có một cái Tết no ấm và đầy đủ hơn.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn