Doanh nghiệp phá sản, giám đốc thành anh xe ôm

Chủ nhật, 13/05/2012, 14:53
Từng là những doanh nhân giàu có, giờ đây nhiều chủ doanh nghiệp đã trở thành những con nợ khổng lồ vì làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp phá sản.
Từ giám đốc thành anh xe ôm

Nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Đê La Thành, Hà Nội, xưởng gỗ của anh Trần Văn H. dường như trở nên ngột ngạt hơn, không chỉ vì cái nắng 38 độ C của thời tiết, mà còn vì những bộ bàn ghế tồn kho chất đống cao ngất ở xung quanh nhà.

Ngồi cạnh chiếc bàn làm việc nhỏ ở góc nhà, anh Trần Văn H. thẫn thờ đưa cho chúng tôi xem giấy yêu cầu phát mãi căn nhà và cũng là khu xưởng sản xuất của anh do đã quá hạn gần 1 năm tiền vay ngân hàng.

Trước khi mở công ty kinh doanh gỗ, anh H. từng là một thợ mộc có tiếng. Bố mẹ anh quê gốc ở Hưng Yên, cũng nhờ nghề mộc mà mua được nhà đất ở Hà Nội và lo cho anh được một cuộc sống khá sung túc.
 
Cuối quý II/2012, làn sóng doanh nghiệp phá sản, giải thể được dự báo sẽ tăng.

Sau khi kết hôn, do có sẵn một số vốn và niềm đam mê với nghề mộc, nên anh H. quyết định mở 1 công ty riêng chuyên về sản xuất kinh doanh bàn ghế gỗ. Thời điểm làm ăn phát đạt, xưởng sản gỗ của anh thu hút tới hàng chục công nhân từ các tỉnh.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 tới nay, do những khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là chính sách thắt chặt tín dụng, nên việc làm ăn của công ty anh trở nên rất khó khăn. 

“Hàng sản xuất ra chất đống ngày càng nhiều, trong khi không có người mua. Gần 1 năm nay tôi phải vay tiền từ người thân, bạn bè để trả nợ ngân hàng. Công ty tôi cũng đã ngưng 2 xưởng sản xuất gỗ ở bên Gia Lâm nửa năm nay rồi, nhưng hàng tồn kho vẫn còn rất nhiều. Tình hình này chắc tôi đành phải buông…”, anh H. tâm sự.

Điều khiến anh H. xót xa nhất là ngay đến cả căn nhà do bố mẹ anh để lại, giờ đây cũng sắp bị ngân hàng phát mãi do anh không có tiền để trả nợ.

“Rồi đây, cả gia đình tôi chưa biết đi đâu về đâu. Nhà bị mất, việc cũng mất luôn. Trong khi 3 đứa con tôi đều đang đi học, không biết rồi sẽ thế nào”, vừa nói, anh H. vừa gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán.

Tôi hỏi, anh không làm nghề mộc nữa thì làm gì? Anh H. im lặng lúc lâu rồi bảo: “Chắc tôi làm xe ôm. Có khách chở thì có tiền, thì ăn cơm ngon. Không có khách thì ăn rau cháo qua ngày”.

Những năm trước, công việc kinh doanh thuận lợi, vị giám đốc công ty này chưa bao giờ nghĩ đến từ... “phá sản” hay “ngưng hoạt động”. Vậy mà giờ đây, anh H. cho biết, ngay cả chi phí thuê luật sư tư vấn phá sản cũng là điều quá sức với anh.

Giám đốc ở nhà “ổ chuột”

Không chỉ anh H., nhiều chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang phải điêu đứng do tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

Từng là giám đốc một công ty may thời trang ở Hà Đông, sở hữu 2 chiếc Camry và 2 ngôi nhà trong trung tâm Hà Nội, nhưng chỉ qua 1 năm, giờ đây, anh B. đã trở thành một người vô sản.

Tìm đến ngôi nhà “ổ chuột” ở gần Ngã Tư Sở của anh B., ít ai có thể ngờ rằng, hơn 1 năm trước, anh từng là một vị giám đốc hào hoa, phóng túng. Vốn là một cử nhân khoa Hóa trường Đại học tự nhiên Hà Nội, nhưng anh B. lại quyết định chuyển tay ngang sang lĩnh vực may thời trang.

Do có tài ăn nói và quan hệ, nên công ty của anh B. nhanh chóng ký được nhiều hợp đồng may mặc với các đối tác lớn. Cũng vì vậy, anh B. trở thành một vị giám đốc khá giàu có.

Nhưng gần 2 năm nay, do tình hình kinh tế khó khăn, nên việc ký hợp đồng cũng khó khăn hơn. Việc làm ăn của công ty anh cũng sa sút hẳn.

“Bỏ thì thương, vương thì tội”, nên tôi vẫn chấp nhận vay vốn ngân hàng để sản xuất cầm chứng. Ai dè, càng làm càng lỗ. Hết vốn, lợi nhuận làm ra chỉ đủ trả lãi ngân hàng, có đơn hàng lại không có vốn để thực hiện, thu không đủ bù chi... khiến doanh nghiệp tôi rơi vào vòng luẩn quẩn: tiếp tục tồn tại vất vưởng hay chấp nhận phá sản? “Lẽ thường thì “tốt khoe, xấu che”, nên tôi cũng không muốn đối tác biết công ty thua lỗ. Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến, có muốn cũng không giữ được nữa”, anh B. tâm sự. 

Khi tuyên bố phá sản, công ty anh B. vẫn còn nợ hàng tới vài chục tỷ đồng. Vì thế, anh phải bán cả 2 căn nhà ở nội thành và 2 chiếc Camry mới toanh để trả nợ.

“Làm giám đốc nghe thì oai, chứ khổ lắm. Đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn để tính chuyện làm ăn. Nhưng người tính cũng không bằng trời tính. Tôi làm thật ăn thật, nhưng có tránh được bão khủng hoảng đâu”, anh B. nhăn nhó.

Kinh tế khó khăn cũng chính sách thắt chặt tín dụng đã đẩy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ và tình trạng vô cùng khó khăn. Từ giữa năm 2011 đến nay, số lượng doanh nghiệp phải giải thể gia tăng đột biến. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, số lượng này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. 
 

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn