>>Ngân hàng Trung Quốc lãi kỷ lục trong năm 2011
Ngân hàng lớn tại Trung Quốc
Vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đồng ý cho Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) mua lại 80% cổ phần của Bank of East Asia – ngân hàng hiện đang có 13 chi nhánh tại New York và California.
Đồng thời, ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng được lập chi nhánh ở New York, trong khi Bank of China được mở chi nhánh ở Chicago ngoài 2 chi nhánh đã có sẵn ở New York và Los Angeles.
Việc này làm dấy lên lo ngại các ngân hàng Trung Quốc sẽ bành trướng ngay tại sân nhà của Mỹ. Tuy nhiên, khó có khả năng các ngân hàng Trung Quốc sẽ có một vị thế đáng kể tại Mỹ trong một sớm một chiều, do một số nguyên nhân sau đây:
Ngân hàng lớn Trung Quốc chỉ là "hổ giấy"
Thời gian qua, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã tăng trưởng đáng ngạc nhiên. Ví dụ, ICBC, ngân hàng lợi nhuận cao nhất thế giới (ít nhất là trên giấy tờ), với 238 tỷ USD tổng vốn theo giá trị thị trường, tổng tài sản tăng 15% năm ngoái lên 2.500 tỷ USD, doanh thu tăng 26%.
Tuy nhiên, những con số này thực chất đến đâu vẫn là một câu hỏi ngỏ. Jonathan Weil, nhà bình luận của Bloomberg đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của các ngân hàng quốc doanh này.
Quay lại với ICBC, nhìn sâu hơn, một phần lớn vốn của ngân hàng này là các khoản nợ xấu từ những năm 1990, mà giờ ICBC gọi là khoản phải thu. Một khoản phải thu vậy bằng khoảng 1/3 vốn cổ đông của ICBC (theo số liệu 31/12/2011). Những khoản nợ này bắt đầu đáo hạn vào năm 2010, nhưng vẫn chưa được trả, và vẫn giữ nguyên giá trị trong báo cáo tài chính của ICBC.
Khoản phải thu lớn nhất của ICBC trị giá 313 tỷ nhân dân tệ là "trái phiếu Huarong", trái phiếu do China Huarong Asset Management Corp., - một công ty quản lý tài sản do Bộ Tài chính lập - phát hành cho ICBC từ năm 2000.
Sau khi ICBC mua trái phiếu, Huarong dùng tiền mua các khoản nợ quá hạn của ICBC với toàn bộ giá trị danh nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, nợ xấu của ICBC đã được hoán đổi thành trái phiếu. Tuy nhiên, khoản nợ cũ thì vẫn còn đó.
Chưa hết, đến năm 2010 là thời hạn đáo hạn của trái phiếu Huarong, nhưng ICBC không nhận được tiền, thay vào đó là một thông báo của Bộ tài chính yêu cầu gia hạn trái phiếu thêm 10 năm. 10 năm tới, ICBC có nhận được tiền hay không cũng là điều khó nói trước khi Bộ tài chính nắm đến 35% cổ phần ICBC, và một công ty đầu tư quốc doanh khác nắm 35% cổ phần.
Cuối năm 2004, ICBC thông báo nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 21%, hiện tại tỷ lệ này chỉ còn ở mức dưới 1%.
Tiếp đến ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Ag Bank) cũng có một khoản phải thu từ Bộ tài chính trị giá 474,1 tỷ nhân dân tệ (73% vốn cổ đông). Khoản này, theo một thông báo của Bộ năm 2008, sẽ được trả hàng năm trong 15 năm. Năm 2007, Ag Bank có 24% nợ là nợ quá hạn, nhưng sau khi tái cơ cấu, con số này giảm đáng kể, và quý vừa rồi họ chỉ còn 1,4% nợ là nợ quá hạn.
Cả 4 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đều có những khoản phải thu như vậy tuy số tiền không nhiều bằng. Bank of China Và China Construction Bank Corp trước tái cơ cấu có tỷ lệ nợ xấu lần lượt là 16% và 17%, nhưng tới giờ chỉ còn khoảng 1%.
Những vấn đề nợ của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã được cảnh báo từ lâu: càng ngày càng có nhiều báo cáo về các khoản tài trợ dự án phát triển của chính quyền địa phương (LGFVs) không thể hoàn trả. Không sớm thì muộn, chính phủ và các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải đối diện với những rủi ro này.
Tình hình kinh tế, chính trị tại Trung Quốc
Hiện tại Trung Quốc đang trải qua cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm mới có một lần. Tuy nhiên, mọi việc không thực sự suôn sẻ: vụ bê bối Bạc Hy Lai và tăng trưởng kinh tế chậm lại, tạo sức ép buộc chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích trong khi vẫn phải giữ lạm phát trong vòng kiểm soát. Có thể đây không phải thời điểm tốt để Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ngân hàng vào Mỹ.
Thị trường ngân hàng nội địa Trung Quốc
Làn sóng phản đối các ngân hàng Trung Quốc lờ doanh nghiệp của chính quốc gia mình, khiến thị trường tín dụng đen lãi suất cao hình thành, đang ngày càng dâng cao.
Điều này có thể vừa đồng thời hạn chế tăng trưởng, vừa buộc họ cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước vay nhiều hơn. Chính thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng đã phải than phiền về tình trạng độc quyền trong ngành ngân hàng nước mình trong một phát biểu tháng 4 rồi.
Khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Mỹ
Khi thâm nhập vào thị trường Mỹ, các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải đối phó ngay các thách thức về nhân sự và khả năng đánh giá rủi ro tín dụng ở một thị trường xa lạ như Mỹ, những năng lực có lẽ còn lâu nữa họ mới có thể nắm bắt được.
Đồng thời, bối cảnh kinh tế cùng thị trường tài chính càng ngày càng khó lường, ngay cả các ngân hàng danh tiếng nhất của Mỹ cũng không thể đoán định hết cũng làm tăng khó khăn cho các ngân hàng Trung Quốc.
Trước những khó khăn trên, khả năng các ngân hàng Trung Quốc có thể tranh giành thị phần với các ngân hàng Mỹ là không cao. Có lẽ trước mắt, họ nên ưu tiên cho cung cấp tài chính cho chính các công ty Trung Quốc hoạt động trên đất Mỹ.
Nguon Forbes, Bloomberg/ DVT