Ngân hàng “bụng bự”, doanh nghiệp “tong teo”

Thứ bảy, 12/05/2012, 11:55
Tiền huy động của ngân hàng vẫn nằm im trong két. Thông tin này được tiếp tục bổ sung bằng việc tổng lượng vốn Ngân hàng Nhà nước hút về qua các biện pháp nghiệp vụ lên tới 51.431 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại thừa quá nhiều tiền trong khi đó doanh nghiệp lại đang "héo khô” vì thiếu vốn.


>>DN chết không dám "bố cáo" vì sợ ngân hàng xiết nợ
>>Doanh nghiệp chết, luật sư thành... bảo mẫu
>>Có hơn 5.000 doanh nghiệp ở Hà Nội bị giải thể

 


Ảnh minh họa
 

Ngân hàng sống khoẻ
 
Doanh nghiệp (DN) - ngân hàng (NH) vẫn đang trong thế đối nghịch. Vốn NH hiện nay bị dồn ứ, NH vẫn chủ yếu chạy theo lợi nhuận chứ chưa thực sự chủ động tìm cách đến gần, hỗ trợ DN. Nợ xấu NH có, nhưng lợi nhuận, thu nhập ngành NH vẫn cao ngất ngưởng.

Không những thế, NH ngày càng lợi hơn vì chăm tích cóp lợi nhuận từ các khoản phụ phí: phí đếm tiền, phí chuyển tiền... Không ít NHTM dư thanh khoản còn đi kinh doanh vốn và kiếm lời từ thị trường liên ngân hàng, đầu tư trái phiếu. Chưa kể, họ thu lợi từ những khoản cho vay lãi suất cao trước đây.
 
Thời gian vừa qua, các ngân hàng được hưởng lợi do chi phí đầu vào của NH được tiết giảm mạnh, lãi suất huy động giảm 12% nhưng đầu ra vẫn cao, chỉ ưu tiên cho vay 15% tại 4 lĩnh vực ưu tiên. Bản thân được chủ động kinh doanh nguồn vốn của mình mà ít có sức ép rào cản nào.

Minh chứng cho việc NH đang thừa vốn là, NHTM mạnh tay tặng quà "khủng” cho khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm, tức là chiêu lách trần huy động. NH lớn, nhỏ, quy mô nào cũng tung chiêu khuyến mãi, thậm chí khách hàng gửi 5 triệu đồng cũng được cào thẻ quà.
 
Cùng với đó, mùa đại hội cổ đông của NH trong tháng 4 vừa qua với tỷ lệ chia cổ tức cũng làm nóng dư luận. Những con số "khủng” lợi nhuận ở tất cả các tên tuổi NHTM lớn, trải dài từ Bắc vào Nam. Nhiều NH còn liên tiếp mở rộng quy mô hoạt động trong khi các doanh nghiệp thuộc các ngành khác thì phải co hẹp, thậm chí phải giảm nhân công, đình đốn, tê liệt... và phá sản.
 
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, hiện VPBank có gói tín dụng lãi suất ưu đãi 5.000 tỷ đồng mà chưa dùng hết. Một số ngân hàng khác cũng trong cảnh tương tự với áp lực thừa vốn. Phó Tổng giám đốc NHTM Hàng Hải (MSB) ông Trần Xuân Quảng nói, MSB có nhiều gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp từ 15% -18% nhưng lượng giải ngân ít.

Quả thực, cả ngân hàng lớn và nhỏ đều không dễ tăng trưởng dư nợ tín dụng lúc này. Mới đi được 1/3 chặng đường năm tài chính 2012, nhưng dự báo, phần lớn các NH sẽ không thể "xài” hết các chỉ tiêu tín dụng mà NHNN phân bổ.

TS Lê Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thương mại, Bộ Công thương khẳng định với Đại Đoàn Kết: Kinh tế khó khăn, không ít ngân hàng sợ nợ xấu, rủi ro nên có xu hướng ôm vốn thay vì cho vay. Bởi cho vay vốn cũng chết, mà không cho vay cũng chết. NH đã chọn phương án: giữ tiền hơn là chia sẻ.


Không ít NHTM dư thanh khoản còn đi kinh doanh vốn 
và kiếm lời từ thị trường liên ngân hàng, đầu tư trái phiếu

 
Doanh nghiệp khóc ròng
 
Hiện nay NHNN cũng đang hối thúc các NHTM ra tay giúp các doanh nghiệp sau khi chính các NHTM đã nhận được kha khá nhiều hỗ trợ thanh khoản. NHNN đã cố gắng nỗ lực phi thường, bơm vốn hỗ trợ trực tiếp cho các nhà băng yếu. Giờ đây, NHNN kêu gọi các NHTM chủ động phối hợp với doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, tăng cường cho vay hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên kết quả không như kỳ vọng!
 
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM nói: Ngân hàng đã có thể làm nhiều hơn cho doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc chăm chăm đi đòi nợ, hay ngồi chờ hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp gửi đến rồi soát xét đủ điều kiện không mới mở hầu bao. Đáng lẽ trong lúc này, "nhà băng” phải tự giác nhận ra trách nhiệm của họ đối với doanh nghiệp thì họ lại né tránh.
 
Cùng thời điểm NH ứ vốn cũng là lúc doanh nghiệp giơ bàn tay kêu "đói”, mắt đáu đáu nhìn vốn ngoài tầm với do không đủ tiêu chuẩn vay tiền. Một doanh nghiệp có thâm niên trong việc sản xuất gạch block lát đường than thở: thuộc lĩnh vực ưu tiên, nhưng quy định doanh nghiệp không có khoản nợ xấu tại bất kỳ ngân hàng nào trong vòng 12 tháng thì mới được vay vốn ưu đãi lãi suất 15% thì khác nào đánh đố doanh nghiệp! Vì trong vòng 1 năm qua, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đã phải co cụm sản xuất, nợ chồng nợ.
 
Ông Nguyễn Cát, đại diện hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết, 39% DN gặp khó khăn, 25% DN phá sản, giải thể. Khó khăn chính của các DN là do phụ thuộc vốn đi vay. Cho nên khi ngân hàng thít dòng vốn, DN lao đao.
 
Ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng VN khẳng định, phần lớn các nhà máy xi măng vay vốn đầu tư nên chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn. Khi tiêu thụ giảm gây lỗ lũy kế cao. Việc tiếp cận vốn vay 16-17% là rất khó. "Nếu như doanh nghiệp sản xuất xi măng dễ tiếp cận vốn 15% thì rất phấn khởi”.
 
Phần lớn doanh nghiệp, đơn vị kinh tế làm ăn đường đường chính chính hiện nay đang gặp muôn vàn khó khăn về vốn, thậm chí không có cơ hội để phát triển. Sự đói vốn của doanh nghiệp, thậm chí cảnh công nhân bị nợ lương đang ngày một phổ biến.
 
Bối cảnh thiếu vốn hiện tại cộng với việc hàng loạt doanh nghiệp gọi vốn bằng phát hành cổ phiếu không thành khiến khó khăn chồng khó khăn. Đứng giữa lựa chọn sống và chết, nhiều công ty buộc phải phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.


Theo Daidoanket

Các tin cũ hơn