Lạm phát vừa hạ nhiệt, giá xăng vừa giảm nhỏ giọt sau 2 lần tăng liên tiếp thì người tiêu dùng lại phải đối mặt với khả năng tăng giá điện. Vì tính đến đầu tháng 5-2012, cả 3 yếu tố thông số đầu vào của điện gồm tỉ giá, sản lượng phát điện và nhiên liệu đã tăng 3,29%, tương đương 42,95 đồng/KWh.
Cụ thể: tỉ giá tăng 0,6%, giá khí tăng 10,4% (tăng dầu FO), than có giảm: 0,3%. Sản lượng điện phát: thủy điện giảm: 6,7%; nhiệt điện dầu giảm: 9,73%.
Cả ba yếu tố thông số đầu vào của điện, gồm: tỉ giá, sản lượng phát điện và nhiên liệu đã tăng 3,29%.
Lại xem xét tăng giá điện
Bên cạnh đó, các khoản lỗ trước đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn treo lại do phải kiềm chế giá cũng gây áp lực cho tăng giá điện. Trong đó bao gồm 15.463 tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá (tính đến ngày 31-12-2011) và chênh lệch do mua điện giá cao, bán giá thấp khoảng 8.040 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết về vấn đề phân bổ các khoản lỗ còn treo này, liên bộ Tài chính - Công Thương đã nhiều lần đề cập. Về nguyên tắc, các khoản lỗ này được phép phân bổ nhưng không đưa cùng một lúc vào giá điện mà phân bổ dần trong một vài năm để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.
“Đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương nhưng tinh thần là có những biến động và cũng phải có xem xét, tính toán để xử lý với yêu cầu mức độ của mục tiêu kiểm soát lạm phát” - ông Thỏa nói.
Trước đó, vào tháng 3-2012, một lãnh đạo của EVN đã trả lời báo chí rằng EVN dự kiến đề xuất tăng giá điện 2 lần trong năm 2012 với mức độ tăng giá ít nhất 5% mỗi lần. Chỉ sau đó vài ngày, Tổng Giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh, có văn bản gửi các cơ quan truyền thông khẳng định tại thời điểm đó, EVN “chưa có đề xuất gì về việc điều chỉnh giá điện”.
Tại các cuộc họp báo thường kỳ tháng 4 và 5 của Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định tại thời điểm đó chưa có chủ trương tăng giá điện. Trong khi đó, thông tin xem xét tăng giá điện do cục trưởng Cục Quản lý giá đưa ra mới đây chỉ sau đúng một tuần so với cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương.
Thiếu sức ép minh bạch
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng tăng giá điện lúc này là rất nhạy cảm, xét đến sức chịu đựng của Nhà nước về việc tạo động lực duy trì tăng trưởng hợp lý bảo đảm an sinh xã hội.
Còn xét dưới góc độ lạm phát thì có thể phù hợp vì lạm phát đang ở mức thấp nhất. Sản lượng điện tiêu dùng đang giảm thì tăng giá ở mức không lớn sẽ có tác động không nhiều đối với chỉ số giá tiêu dùng và không có biến động lớn về giá cả hàng hóa. Nhưng xét về sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, chắc chắn tăng giá điện sẽ làm tăng thêm gánh nặng mà người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Liên hệ với câu chuyện điều hành giá xăng dầu, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cơ chế điều hành giá xăng đang chịu nhiều sức ép phải công khai, minh bạch do có tham chiếu từ giá thế giới. Còn với giá điện không có tham chiếu nên còn tù mù, có công khai nhưng số liệu công khai chưa chắc đã minh bạch vì điện có nhiều nguồn.
Hiện nay, tất cả giá độc quyền của Việt Nam gần như chưa đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch, dễ tiên lượng, trong đó phức tạp nhất là giá điện. Giá điện hiện nay vẫn đang bị biến dạng bởi hai yếu tố: Một là, chi phí ảo; hai là, sự khống chế của Nhà nước nên không tạo ra được giá thực. Đó là lý do khiến sức ép minh bạch hóa giá điện không lớn như đối với giá xăng dầu và giá điện xưa nay chỉ có một chiều tăng, chưa bao giờ giảm.